Affichage des articles dont le libellé est Truyện ngắn. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Truyện ngắn. Afficher tous les articles

dimanche 10 mars 2024

Đỗ Duy Ngọc - Một chuyện ở Xóm Cụt

 

(Để nhớ mùa đại dịch Covid ở Sài Gòn 2021)

Khu dân cư đó người ta gọi tên là Xóm Cụt. Nó cách đường lộ khoảng cây số, đi vào bốn cái xuyệt thì mới đến xóm.

Xóm Cụt nằm mép bờ kinh, đây đó vẫn còn những bụi cây xơ xác không lớn nổi vì nắng và vì nước kênh đầy ô nhiễm. Xóm có khoảng hơn hai ba chục nóc nhà, toàn nghèo.

Từ lộ vào, đầu đường có dãy nhà lầu hai ba tầng, đi vô nữa là những căn nhà trệt, qua ba bốn đường vòng chỉ thấy mấy nhà tôn và khi đến xóm cụt thì toàn nhà lá, nhà tạm bợ như những cái lều chăn vịt đắp bằng bìa, bằng bạt nhựa, bằng những tấm thép han rỉ. Người không quen lọt vào đây sẽ ngửi thấy mùi thum thủm của những vũng nước tù đọng, mùi thối khẳm của mấy đống rác trộn lẫn mùi hôi của dòng nước đen kịt từ bờ kinh xông lên.

mercredi 17 janvier 2024

Tạ Duy Anh - Chết thử (3)

 

(Phần cuối)

Suốt cả ngày hôm sau không có thêm chuyện gì mới. Ba anh em Đắc, Lợi, Lạc vẫn cùng ăn sáng, uống trà như hôm trước. Nhưng hôm nay họ chỉ kể chuyện làm ăn, chuyện mánh mung, chuyện vụ án này vụ án khác, chuyện ông nọ bà kia, chuyện tình hình sắp tới... Đúng ra chỉ có Lợi và Lạc nói, còn Đắc ngồi nghe, lòng vẫn rối như mớ bòng bong về chuyện lão Thủ. Mãi lúc sắp vào thăm bố, Lợi mới nói nhỏ:

- Này, thời tiết đẹp quá. Cả năm có một tháng thời tiết như thế này thôi. Cụ khôn thật nếu quả đúng là cụ định chết vào tháng này.

- Hôm qua em lau quan tài bác Đắc mua cho bố, em phát hiện ra có một lỗ tròn như đồng xu ở phía đặt đầu, có phải bố dặn bác như vậy không?

mardi 16 janvier 2024

Tạ Duy Anh - Chết thử (2)

 

(Tiếp theo)

Sau đây là kế hoạch chết thử chi tiết của lão Thủ:

Tuần đầu tiên - sau khi thông báo cho Đắc ý muốn - lão vẫn đi lại ăn uống bình thường, chủ yếu để nghe ngóng trong nhà. Lão muốn tận mắt thấy công việc chuẩn bị của con lão, không được có một chi tiết nào mà lão không kiểm soát được. Lão sẽ bổ sung những gì cần thiết, sửa chỗ nào sai sót, sao cho khi nằm một chỗ mọi thứ diễn ra hoàn toàn như ý lão.

Tuần tiếp theo - để cho vấn đề logic, lão sẽ tỏ ra mệt mỏi, nằm nhiều hơn tiến tới nằm liệt một chỗ. Khó khăn nhất là làm sao để Đắc tin là lão chết thật. Nghĩ mãi cuối cùng lão quyết định trước khi “chết” một ngày sẽ tự nằm vào quan tài sau khi ngậm một lát sâm. Với lão một ngày nhịn đói sau đó cũng không thành vấn đề.

Tạ Duy Anh - Chết thử (1)

Lời tác giả : Truyện ngắn này tôi viết đã 14 năm và đã đăng trên báo Tiền Phong (Có bạn nhắn tôi là đăng trên Văn nghệ quân đội?), in lại trong các tập truyện "Lãng du" (NXB Thời Đại năm 2011) và được trao giải Văn học Thủ đô 2012; "Bước qua lời nguyền và những truyện khác" (NXB Hội Nhà văn năm 2014. Nó là chuyện xảy ra trong một gia đình. Tôi phải nói rõ như vậy để loại trừ trước mọi suy diễn ! Nay xin đăng lại hầu bạn đọc.

Một hôm, có lẽ sau nhiều ngày mất ngủ suy nghĩ khiến tròng mắt trũng xuống, lão Thủ quyết định gọi thằng con trai trưởng vào phòng trà của lão nói chuyện.

Con trai lão là Đắc, ở với lão, vốn là dân làm ăn nên thường lảng tránh bố trong những buổi trà dư tửu hậu, tại đó lão Thủ thường kể lể về cuộc đời lão, nghe nhức hết cả đầu. Mỗi thời mỗi khác. Mỗi thời có cái khổ và cái sướng riêng của nó. Đắc nghĩ như vậy. Bản tính anh cũng hiền lành, không thích bàn luận những chuyện trên trời dưới bể. Vì thế lần này anh cũng định tìm cớ bận việc hàng họ để thoái thác. Nhưng chính lão Thủ nghiêm mặt báo trước cho anh là lần này khác. Lần này không phải chuyện tán róc, không phải chuyện làm ăn tầm thường, mà rất hệ trọng liên quan đến danh dự của cả Đắc và con cháu anh sau này.

dimanche 22 octobre 2023

Đỗ Duy Ngọc - Chuyện chú A Tỷ và Tiểu Thanh

 

Hồi mới vô Sài Gòn, tôi thuê căn nhà nhỏ trên kênh Nhiêu Lộc ở cùng với mấy người bạn. Đầu hẻm ở mặt tiền đường có một tiệm tạp hóa của một gia đình người Hoa. Có người gọi là tiệm chạp phô. Chắc là gọi theo tiếng Quảng.

Chủ tiệm là một người đàn ông trung niên, lúc nào cũng mặc chiếc áo thun ba lỗ với cái quần chỉ ngắn đến đầu gối. Chú đi chiếc xe Honda Dame màu đỏ, loại bán cho quân nhân hồi xe Honda mới nhập vào miền Nam. Có hai lý do mà đám sinh viên chúng tôi để ý đến tiệm tạp hóa này.

Thứ nhất tiệm này cần mua gì cũng có, bán giá rẻ hơn nơi khác, dù chỉ vài đồng, nhưng sinh viên nghèo mà, rẻ hơn đồng nào đỡ đồng đó. Tiệm lại luôn mở cửa để bán hàng cho khách. Nhiều lần đi chơi đêm về khuya lắc khuya lơ, muốn mua mấy gói mì hay chai bia con cọp, đập cửa rầm rầm, chú vẫn vui vẻ mở cửa bán hàng.

Tôn Nữ Thu Dung - Những con ma dễ thương

 

Tôi có duyên nợ với những con ma.

Năm 20 tuổi, tôi về dạy học ở một thị trấn ven đường, hoang sơ, vắng lặng. Trường nằm bên Quốc lộ 1, thời chiến tranh, nơi này đã hứng chịu những tàn phá khốc liệt của đạn bom, là nơi mà ban ngày Cộng Hòa, ban đêm Cộng Sản.

Phụ huynh thấy cô giáo nhỏ xíu, ốm yếu thì thương, nói: ”Cô về nhà tôi ở, cái bàn viết mà trường phân cho cô ngồi soạn bài, chấm bài là chỗ mấy ổng đâm nhau bằng lưỡi lê chết gục ở trển, máu me tùm lum mà cô không để ý!” Quả thật, những vết máu khô nâu nhòe nhoẹt được học trò cạo tới cạo lui bằng mảnh chai vẫn còn nhòa nhòa trên mặt. Mỗi lần ngồi làm việc ở đó, tôi trải lên một tờ giấy báo để che đi .

lundi 6 mars 2023

Đào Hiếu - Xâu chìa khóa

 

Bà vợ tôi suốt ngày tìm chìa khóa. Mới năm giờ sáng tôi đã bị đánh thức bởi những tiếng lục đục trong phòng.

- Kỳ quá. Lộn đàng nào.

Sợ làm phiền giấc ngủ của tôi nên bà không dám bật đèn, cứ mò tìm trong tối, đụng phải cái ly, bể tan tành. Tôi thức dậy, lấy chìa khóa của mình đưa cho bà để bà mở cửa đi tập dưỡng sinh.

dimanche 15 janvier 2023

Phan Thúy Hà - Người lái xe ôm trên phố Sài Gòn

 

Viết sách về người thật mình có nỗi khổ tâm. Là khi nghe tin họ ra đi. Mình luôn bị day dứt, mà không hiểu mình day dứt vì điều gì. Các nhân vật trong sách mình nhiều người khổ quá. Khổ tinh thần đã đành, tiền bạc cũng không có, bệnh tật nữa.

Hôm nay, “Người lái xe ôm trên phố Sài Gòn”.

Những dòng cuối trong bài viết về chú là những giọt nước mắt.

mercredi 21 décembre 2022

Lê Học Lãnh Vân - Đọc Linh Nghiệm

 

Lúc ấy, khoảng năm sáu ngày sau khi Linh Nghiệm xuất hiện trên báo Văn Nghệ, tôi được đọc truyện ngắn ấy tại Vancouver do một người quen cầm tay từ Sài Gòn.

Cảm nhận đầu tiên là thích thú. Một vật gì đó được đi tìm, dù người tìm chưa biết là vật gì nhưng số đông vẫn đi theo! Tôi tin rằng đa số người theo dõi thời sự và quan sát thời cuộc hiểu ngay thông điệp truyện ngắn muốn truyền tải. Họ dễ hiểu nhân vật Hinh trong Linh Nghiệm tượng trưng cho ai, vật mà nhân vật đó tìm kiếm tượng trưng cho cái gì, và đám đông đi sau tượng trưng cho đám đông nào…

Cảm giác thứ hai là khâm phục tác giả. Năng lực khái quát cao cùng lòng dũng cảm thực đáng ngưỡng mộ! Xin đặt mình trong môi trường chuyên chính và toàn trị của xã hội những năm đầu thập niên 1990 để hiểu lòng khâm phục của người viết bài này!

samedi 17 décembre 2022

Đỗ Duy Ngọc - Truyện ngắn Linh Nghiệm của Trần Huy Quang

 

Đỗ Duy Ngọc : Tôi không quen nhà văn Trần Huy Quang. Một thời tôi làm nhiều bìa sách cho nhiều nhà văn Trung, Nam, Bắc nhưng cũng chưa bao giờ vẽ bìa sách cho nhà văn này.

Hôm nay nghe tin ông mất, chợt nhớ hình như năm 1992 trên báo Văn Nghệ số kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Nhà văn, tôi có đọc một truyện ngắn nhan đề Linh Nghiệm của ông. Hồi đó tôi đọc truyện này mà toát mồ hôi hột, lạnh sống lưng. Không ngờ lại có nhà văn to gan lớn mật như thế.

Một câu truyện ngắn nhưng chứa đựng nhiều điều về thời đại. Hay thì chưa thể gọi là hay nhưng thâm thúy quá. Nghe nói vì truyện ngắn này mà nhà văn Trần Huy Quang gặp nhiều khổ nạn, bị treo bút ba năm. Tờ báo bị thu hồi và tiêu hủy sau khi đã phát hành nhưng rất nhiều người đã mua, đã đọc và giữ nó nên số đem tiêu hủy chẳng bao nhiêu.

Nguyễn Thông - Bác đi nhé

 

Tối qua 15.12, nhà văn Phan Thúy Hà (có thể coi là hiện tượng của văn học xứ này những năm qua) nhắn cho tôi ngắn gọn "Bác Quang mất rồi, chú ạ".

Bác Quang mà Hà nói, là nhà văn Trần Huy Quang, người Quỳnh Lưu xứ Nghệ, từng nổi tiếng một thời, cái đận được người ta gọi là "văn học thời đổi mới", với những "Chuyện về ông vua lốp", "Lời khai của một bị can"... và nhất là "Linh nghiệm".

Đời văn, chỉ cần viết được cái "Linh nghiệm" như bác Trần Huy Quang là đủ, thể hiện được cả tài năng, đức độ, bản lĩnh, hay nói theo kiểu xưa là tài - đức - dũng.

Lưu Trọng Văn - Đi nhé Trần Huy Quang ơi!

 

Gã đi thăm Khu tưởng niệm Hồ Xuân Hương ở Quỳnh Lưu, xứ Nghệ. Ngô Thục Khuyên con dâu nhà thơ Thạch Quỳ bảo, nhà của nhà văn Trần Huy Quang gần đây.

Gã rất quý phẩm chất và tài năng của Trần Huy Quang, tuy chưa một lần gặp mặt nhưng thỉnh thoảng trao đổi qua Facebook, gã bèn liên hệ với Trần Huy Quang. Trần Huy Quang bảo, mình đang ở quê, đến ngay nhé.

Dáng cao, gầy, đầu vuông to, tóc dầy rẽ giữa, hơi giống nhạc sĩ Dương Thụ, Trần Huy Quang ôm gã thân tình như bạn thân lâu ngày mới gặp.

Tạ Duy Anh - Trần Huy Quang, vụ "Linh Nghiệm" và tôi


Năm 1992, sau khi tốt nghiệp khóa Viết văn thứ tư, tôi đến gõ cửa một số tờ báo xin việc nhưng đa số đều từ chối hoặc vẽ ra những khó khăn đủ kiểu để chính tôi nản lòng.

Cuối cùng chỉ có Hữu Thỉnh, lúc ấy giữ chức Tổng biên tập báo Văn Nghệ là cho tôi hy vọng.

Thậm chí ông đã “thử việc” tôi bằng cách cử lên Cao Bằng viết phóng sự về tệ nạn nghiện hút. Nguyên văn lời ông: “Không ai nghi ngờ khả năng viết lách của chú, nhưng người ta mới chỉ biết chú viết truyện, viết tiểu thuyết, chứ viết báo họ chưa phục đâu. Chú hãy giúp anh Thỉnh bằng việc khiến họ phải phục nốt”.

vendredi 15 juillet 2022

Đỗ Duy Ngọc - Alain Delai

Hôm nay là ngày Quốc khánh nước Pháp 14.7. Cách đây 12 năm cũng vào ngày này, tui viết truyện Alain Delai để nhớ về một kỷ niệm.

Nhà hắn nằm sau lưng nhà tôi. Hắn là thằng lai Tây, hơn tôi đâu ba tuổi. Hắn sinh năm 1947 thì phải. Hắn có bố đàng hoàng chứ không phải là thằng con lai hoang.

Hắn từng khoe giấy khai sinh làm từ lúc hắn mới sinh, bố hắn là quan ba Pháp, là Capitaine quân đội Pháp. Cũng là thứ dữ chứ chắng phải thường đâu. Sinh ở Hà Nội di cư vào Nam 1954. Mẹ hắn là một phụ nữ đẹp, da bà trắng, mũi cao thon như người Nhật với đôi mắt ướt. Bà lại thường mặc yếm và cái váy đụp như người đàn bà nông dân Bắc bộ nhưng không che hết nhan sắc của bà.

Hắn kế thừa nước da trắng, mũi lõ mắt xanh và thân hình to lớn của giống Tây, lại hưởng chút nhan sắc của mẹ nên hắn là thằng đàn ông rất đẹp trai. Cả xóm gọi hắn là thằng Lai. Hắn đẹp không  thua gì tài tử Alain Delon, một diễn viên điện ảnh nổi như cồn thời ấy nên tôi gọi hắn là Alain Delai.

mardi 3 mai 2022

Hồ Đắc Vũ - Chú heo con

Ngày 29 tháng 4 năm 75, 10 giờ sáng, hai xe tải đầy lính cộng sản chạy từ hướng Dinh Ðộc Lập tới chùa Vĩnh Nghiêm, một trung đội lính Dù Việt Nam Cộng Hòa trang bị đầy đủ, từ phi trường Tân Sơn Nhứt đi xuống, hai bên gặp nhau tại cầu Công Lý.

Bên xe lính cộng sản có người mặc áo xanh da trời, quần lính, nón tai bèo, leo xuống, qua cầu gặp anh lính dù, nói gì đó, lính Dù hạ vũ khí, nép sát đường. Xe cộng sản chạy về phi trường Tân Sơn Nhứt, lính Dù cởi áo quần, bỏ vũ khí, chạy vô chợ Phú Nhuận, bà con ôm lấy, sụt sùi khóc. Tôi đứng đó, xúc động, nổi nóng ném chiếc máy quay phim Bolex 16 vô thùng Vespa, cuộn phim trắng đen bung ra, coi như mất hết cảnh lịch sử vừa quay…

Bây giờ thì mọi người biết chắc, miền Nam thua trận, đầu hàng. Cộng sản tới Sài Gòn.

vendredi 17 septembre 2021

An Bình Minh - Tình già với… covid

(Vanvn 16/09/2021) - Không thể kìm hoãn được sự sung sướng, lần đầu tiên ông Tân nói chuyện dài với vợ. Vừa nai nịt trang phục áo khoác, khẩu trang, găng tay, ông vừa hồ hởi khoe chuyện lên đời của nhóm từ thiện. Cũng không ngờ vợ ông lần đầu tiên, vợ chia vui…

– Thôi. Bắt đầu từ tối nay, anh sang buồng em ngủ. Có gì em còn canh chừng. Để anh ngủ một mình không được.

Bà Hường nói, lúc ông Tân vừa tập thể dục xong, đang chuẩn bị lên đường. Vẫn cái giọng lệnh bà ấy, nhưng lần này nó làm ông vui vui.

dimanche 18 juillet 2021

Đỗ Duy Ngọc - Người đi trên trời (Truyện ngắn)

 


1.

Hôm đó hắn rời nhà sớm mười lăm phút, đồng hồ chỉ 6:15. Bình thường 6:30 hắn mới ra khỏi nhà.

Hắn là người sống nguyên tắc, đúng giờ giấc và đúng hẹn. Đó là những đức tính hắn có được nhờ thời gian hơn mười mấy năm sống trong cô nhi viện của một chủng viện Công giáo. Ra đầu ngõ, cô Ba cà phê chào hắn: Thầy Tư hôm nay đi làm sớm thế? Hắn cười, giơ tay chào. Quán cà phê bắt đầu đông khách, cái chào của hắn ngầm chào hết mọi người, bởi toàn người quen cả.

Thật ra hắn chẳng có cuộc hẹn hò nào, đi sớm vì muốn thoát ra khỏi căn nhà, hắn thấy ngột ngạt, khó thở nên đi thôi. Cả đêm hắn không ngủ, vợ hắn chửi rầm rì suốt đêm.

mardi 4 mai 2021

Nguyễn Ngọc Tư - Chỗ nào cũng nắng


Quá cái tuổi háo hức những món quà miệt vườn trong giỏ xách mẹ, mỗi bận bà lên thăm anh hóng thứ khác: những câu chuyện của quê nhà.

Năm tiếng đồng hồ ngồi xe đò không ăn nhằm gì với bà già quen làm lụng, nên vừa bước chân vào nhà anh ngay lập tức chuyện giòn như cốm nổ. Không lúc nào chịu ngồi yên một chỗ, trong lúc xăng xái dọn chỗ này dẹp chỗ kia, vừa làm vừa kể, những chuyện nhà quê theo bước chân mẹ dìu dặt nửa xa nửa gần. Giọng điệu bâng quơ, như thể không ai nghe cũng không sao, mẹ nói cho vui nhà vui cửa.

Chuyện và người kể chuyện, là những gì mà anh không thể mua ở cái thành phố tiện nghi đến tận xương tủy này, tiện nghi đến nỗi những kẻ nhớ quê cũng mua được cá lòng tong, mớ tép rong.

samedi 1 mai 2021

Đoàn Xuân Thu - Chiếc áo bà ba hình chữ hỉ


Mới đầu nghe ba em gọi, tôi tưởng tên em là Muỗi. Tôi ghẹo em : “Muỗi này ! Đừng chích anh, đau lắm”. Em trề môi, vẻ không bằng lòng : “Tên em là Muội. Muội là em. Em là Muội”. À ra thế !

Ba Muội, chú Phu, người Quảng Đông. Phu là phú, phú là giàu. Tên chú giàu nhưng chú không giàu. Chú chỉ có chiếc xe hủ tiếu, bán điểm tâm dưới hai tàng me đại thụ, trên vỉa hè, bên hông rạp chớp bóng Định Tường.

Má tôi đông con, cũng nghèo, có quầy bán cơm tấm gần bên.

Chủ nhựt được nghỉ học, hai đứa ra phụ chạy bàn. Em giúp ba em. Tôi giúp má tôi. Năm ấy tôi mười tám tuổi, học Đệ nhứt, năm cuối cùng của bậc Trung học Đệ nhị cấp. Cuối năm, tôi sẽ thi Tú tài hai. Đậu thì lên Đại học. Rớt thì vào Thủ Đức. Chiến trường đang hồi ác liệt. Bạn tôi, rớt Tú tài một, đi Đồng Đế, có đi mà chẳng có về. Muội, mười sáu tuổi, học Đệ tam, trường Tàu, sắp thi bằng Cao Trung.

lundi 8 mars 2021

Vũ Thư Hiên - Đôi Tất Ngoại


Vũ Thư Hiên : Kể chuyện này lại da diết nhớ "Giăng Van-giăng gọi bằng Cụ" Tôn Thất Tần nay đã không còn. Tặng Giáng Tiên và Trần Mạnh Hảo.

Có lần, trong bữa ăn tối với bè bạn, nhà văn Nga Anton Tchekhov nói: “Các ông kêu viết khó ư? Không hề! Nếu có cái khó thì đó là khi ngồi trước trang giấy anh định viết cái gì, để làm gì? Tôi ấy à, tôi có thể viết ngay một truyện ngắn về lọ mực trên bàn kia, nếu tôi muốn. Vâng, về cái lọ mực ở trước mặt các vị kia kìa”.

Tôi thuật lại không đúng câu chữ, nhưng tôi nhớ và rất thú giai thoại ấy. Lọ mực, hay bất cứ vật nào khác, chỉ là cái cớ cho sự sáng tạo vốn nằm sẵn trong ký ức nhà văn. Tchekhov viết dễ là nhờ vốn sống phong phú và trí tưởng tượng dồi dào.

Chuyện lọ mực của Tchekhov làm tôi nhớ tới những đồ vật tầm thường từng ở với tôi một thời gian rồi biệt tăm biệt tích, nhưng kỷ niệm về chúng thì cứ còn mãi. Chúng nhắc ta nhớ đến một khúc nhôi nào đó trong đời.