jeudi 18 août 2022

Bông Lau - Biệt kích Ukraine phía sau vụ nổ ở Crimea ?

 

Các viên chức Hoa Kỳ xác nhận vụ nổ hôm thứ Ba ở căn cứ không quân Nga Saky gần thành phố Novofedorivka bán đảo Crimea, không do võ khí của Hoa Kỳ. Họ cho biết Ukraine không có loại hỏa tiễn hay pháo binh có tầm xa từ phòng tuyến của Ukraine đến Saky là 150 km.

Cố vấn của Tổng Thống Volodymyr Zelensky là Mykhailo Podolyak thanh minh rằng chính quyền Ukraine không dính líu gì tới vụ nổ ở Saky, và Liên Bang Nga đã răn đe nếu bán đảo Crimea bị tấn công thì cơ quan đầu não ở Kiev sẽ bị oanh kích.

Tuy nhiên một số báo chí phương Tây nghi ngờ vụ nổ ở Saky là do bàn tay “bí mật” của chính quyền Ukraine. Tổng Thống Zelensky đã nhiều lần tuyên bố là ông sẽ lấy lại Crimea.

Tờ Washington Post hôm qua có một bài phỏng vấn một số viên chức Ukraine giấu tên. Họ nói quân đội Ukraine có liên hệ với những toán phá hoại hoạt động sau phòng tuyến của địch.

Các viên chức cho biết phong trào kháng chiến chống quân xâm lược Nga đang phát triển ở những vùng bị tạm chiếm. Nhiều quan chức hành chánh Nga ở các vùng bị chiếm đã bị kháng chiến quân Ukraine (partisans) hạ sát trong thời gian gần đây. Ở phía nam Kherson, sát bán đảo Crimea, có ổ du kích kháng chiến Ukraine hoạt động rất mạnh.


Theo Oleksiy Danilov, Bộ Trưởng Hội Đồng Quốc Phòng và An Ninh Quốc Gia Ukraine thì những kháng chiến quân hoạt động trong bóng tối này là những người địa phương có tình cảm quốc gia. Họ được huấn luyện để xâm nhập thi hành các công tác phá vỡ hậu cần, hành chánh, và hệ thống chỉ huy và kiểm soát (command and control) của quân đội Nga. Những toán kháng chiến quân bí mật này được hướng dẫn bởi các đơn vị Biệt Kích, trực thuộc Lục Quân Ukraine.

Theo một số chuyên gia quân sự thì có thể những kháng chiến quân bí mật xâm nhập đến gần căn cứ Saky, rồi dùng máy bay không người lái nội hóa oanh kích các mục tiêu gây ra ít nhứt 3 tiếng nổ phụ rung chuyển làm bể các cửa kiếng ở các khu vực lân cận.

Mô hình du kích chiến là gây xáo trộn, làm tê liệt bộ máy chiến tranh của địch mà tình báo CIA và Biệt Kích Mỹ rất kinh nghiệm qua các cuộc chiến ở Bắc Syria, Iraq. Đặc biệt là cuộc kháng chiến của quân Mujahideen chống lại quân xâm lược Liên Xô ở A Phú Hãn vào thập niên 80.

Lùi xa về quá khứ là các toán điệp viên OSS Mỹ nhảy dù sau phòng tuyến Đức Quốc Xã để giúp kháng chiến quân Pháp tiến hành chiến tranh du kích chống lại Hitler. Các điệp viên OSS huyền thoại này cũng nhảy xuống Bắc Việt để huấn luyện nhóm của ông Minh râu và Giáp cách quăng mãng cầu sắt, cách bắn tiểu liên Thompson v.v. để chống lại quân phiệt Nhật Bổn.

Trong gói viện trợ 1 tỉ đô la tuần rồi của Hoa Kỳ được coi là lớn nhứt từ trước tới giờ. Chúng ta sẽ không ngạc nhiên vì danh sách hàng nóng gởi cho Ukraine lần này có hai món đồ chơi hấp dẫn đó là mìn Claymore M-18 và chất nổ C4 – M112.


Mìn Claymore là phát minh độc đáo của quân đội Hoa Kỳ vào năm 1960. Mỗi trái mìn khi nổ sẽ bắn về một hướng hình rẽ quạt 700 viên bi sắt có tầm xa 250 mét. Claymore được dùng để phòng thủ hoặc phục kích. Gài mìn Clymore dọc đường hành quân của địch chỉ cần bấm một quả nổ là có thể diệt gọn cả trung đội.


Chất nổ C4 – M112 rất công hiệu trong các công tác phá hủy cầu cống, bom đạn chưa nổ. Du kích chiến với công tác phá hoại thì không thể không có các thỏi bánh C4 quyến rũ. Ám sát bằng chất nổ cũng rất phổ thông. Tình báo Do Thái hay giết khủng bố Palestine bằng chất nổ. Các thành phố miền Nam Việt Nam trong thời chiến đã tan hoang điêu đứng cũng vì chất nổ Semtex của Tiệp Khắc viện trợ cho Việt Cộng mà người ta gọi nôm na là “Plastic”.

Hồi tháng Sáu ở Kherson, một viên chức Nga phục vụ trong chính quyền bù nhìn địa phương lái xe đi làm thì “BÙM”, thành liệt sĩ. Kháng chiến quân Ukraine cần thiệt nhiều C4 - M112 để gài dưới lườn xe của các viên chức cao cấp Nga. Một viên chức Ukraine ví von: “Nếu hỏa tiễn HIMARS của chúng tôi bắn hỏng tới thì chúng tôi sẽ có “partisans” (kháng chiến quân)”. BÙUUMM.

BÔNG LAU 11.08.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.