lundi 4 juillet 2022

Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 128 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (01/07/2022)

 


1. Về tình hình chiến sự trên các mặt trận ngày hôm qua:

Bình loạn: Trên hướng Kharkiv, theo thông tin hóng được từ các diễn đàn đặc biệt là của Nga, cũng như tin tình báo vỉa hè từ hai tuần này đã nghe, về việc quân Ukraine ở bắc Kharkiv vẫn tiếp tục lấn dần chứ không tổ chức tấn công mạnh. Điều đó dẫn đến việc Nga buộc phải thực hiện những biện pháp:

Bắn phá liên tục bằng nhiều loại pháo, nhiều cỡ pháo trên diện rộng rất nhiều vị trí của tỉnh Kharkiv.

Đôi lúc tổ chức phản kích bằng các mũi tấn công lẻ tẻ và không có kết quả nào trên thực tế.

Tin Bộ Tổng tham mưu Ukraine hôm qua lần nữa xác nhận:

• Trên hướng Kharkiv, các đơn vị địch đang tập trung toàn lực để kiềm chế hành động của quân ta và ngăn cản bước tiến của các đơn vị ta. Để giành lại các vị trí đã mất, kẻ thù đang tiến hành các cuộc phản kích theo hướng Kochubeivka – Dementiivka.

Trên hướng Slovyansk liên quan đến cụm quân Nga ở nam Izyum, hôm qua chúng ta đã nói chuyện rằng, họ sau gần chục ngày tấn công, đã dừng lại cố thủ đến ngày thứ ba, và hôm nay đã sang ngày thứ tư.

• Theo hướng Slovyansk, kẻ thù bắn phá các trận địa phòng thủ của chúng ta, đồng thời cũng xông vào tấn công Bohorodychne nhưng không thành công. Các khu định cư Dolyna, Dibrivne, Kurulka, Mazanivka, Bogorodichne, Krasnopillya, Adamivka, Sukha Kamianka, Husarivka và Krynychne bị pháo kích.

Khi bắt đầu The Battle of Donbas, khi bàn đến những tin tức liên quan đến cụm quân Nga ở Izyum, chúng ta cũng có lần điểm qua về lực lượng của Ukraine bảo vệ hướng tây bắc thành phố Slovyansk, tức là đối đầu với cụm quân Nga này. Họ bao gồm các đơn vị: Lữ đoàn xe tăng 3 của quân đội Ukrain, Trung đoàn Slavic 15 Lữ đoàn cơ giới 57. Hiện nay có hai điểm dân cư là Yaremivka và Bohorodychne vẫn do quân Ukraine chiếm giữ, và chúng đều có đặc điểm là nằm bên hữu ngạn sông Siverskyi Donets, nhô sâu vào vùng đất Nga đang chiếm giữ.

Đặc điểm này làm cho tình thế của một số đơn vị Nga theo hướng từ Yaremivka và Bohorodychne chiếu sang đông bắc bị uy hiếp trước pháo binh tầm xa cơ động của Ukraine. Đó là lý do Bộ chỉ huy Nga yêu cầu cụm quân Nga ở nam Izyum quay sang tấn công thay vì Dovhenke để làm chủ tuyến đường M03 như trước đây, thì tập hậu sau lưng quân Ukraine ở Yaremivka và Bohorodychne. Họ đã không thành công. Đồng thời, để cho “chắc ăn” họ đã pháo kích đồng loạt nhiều vị trí xung quanh khu vực để triệt phá các vị trí pháo binh Ukraine có thể bố trí và cũng gây thiệt hại luôn.

• Hôm qua họ tiếp tục pháo kích và tấn công hai điểm dân cư nằm trên đường T1302 là Zolotarivka và Verkhnokamyanka nhưng không thành công.

Các nỗ lực tấn công hai điểm dân cư này để làm chủ tuyến đường T1302 (đồng nghĩa với việc cắt đứt một trong hai tuyến đường tiếp tế cho Lysychansk) đã được quân Nga tiến hành được đến nay là ngày thứ ba. Thực tế là hơn, đến cỡ cả tuần vì tui nhớ đã có lần chúng ta nói chuyện về lực lượng lính dù được tung vào khu vực này hỗ trợ cho quân ly khai, sau khi một hay hai ông tướng nào đó của Nga bị “đi gặp chị Tuất.”

Ở khu vực này hiện có sự trấn giữ của hai đơn vị Ukraine: Lữ đoàn xe tăng 17 và lữ đoàn cơ giới 24 được đặt theo tên của Vua Danilo, bố trí trên hệ thống công sự phòng ngự vòng cung suốt từ gần nhà máy lọc dầu Vovchoyarivka đến tận ven thị trấn Bakhmut. Do Lữ đoàn xe tăng 17 sau suốt 2 tháng chiến đấu liên tục đã bị thiệt hại nặng lại bố trí ở phía trên, nên đầu tiên lực lượng Ukraine đã phải bỏ cụm vị trí Zolote – Hirske và bây giờ thì cả nhà máy lọc dầu cũng bị đe dọa. Nhiệm vụ của hai đơn vị này bây giờ chỉ còn có thể tập trung chống trả các mũi tấn công của Nga đang cố tiến về Zolotarivka và Verkhnokamyanka để cắt đứt đường T1302, chứ không thể hỗ trợ gì cho quân Ukraine ở nhà máy lọc dầu Vovchoyarivka được nữa.

Theo những thông tin của Nga, thì một trong những tiểu đoàn của Lữ đoàn xe tăng 17 Ukraine nay chỉ còn 1/3 số xe tăng. Theo nguồn tin khác tui nắm được chưa xe máy, thì cả Lữ đoàn nay chỉ còn khoảng một nửa số xe tăng có thể chiến đấu được.

Theo thông tin phương Tây thì đến cuối ngày hôm qua, gần như toàn bộ nhà máy lọc dầu Vovchoyarivka nằm cách Lysychansk 9 km về phía tây nam, đã bị quân Nga chiếm được.

Trên mặt trận phía Nam, hoạt động của quân Ukraine vẫn là bức rút ở bên ngoài Kherson kết hợp với phá hoại ở bên trong.

• Quân chiếm đóng Nga và tay sai của họ sợ hãi trước sự phản kháng của người dân địa phương, đặc biệt là ở vùng Kherson. Ban lãnh đạo của những kẻ xâm lược khi di chuyển đi lại với rất nhiều biện pháp an ninh, đi bằng xe bọc thép và mặc áo giáp chống đạn. Cư dân địa phương tiếp tục kháng cự toàn diện.

Đối với lực lượng Nga ở đây, về chính trị sẽ vẫn cố gắng để tổ chức trưng cầu dân ý để đưa Kherson nhập vào nước Nga. Về quân sự, chắc chắn họ sẽ phải tổ chức chống phá hoại và thậm chí cả những đợt tấn công của quân Ukraine trong tương lai. Về xã hội thì cho đến nay họ vẫn tiến hành phong tỏa thành phố không cho dân cư kẹt ở bên trong đi ra ngoài, nhất là đi về vùng do Ukraine kiểm soát. 

Một đặc điểm nữa của tình hình cho thấy cán cân bắt đầu cân bằng, là từ góc độ làm chủ không phận. Cho đến nay thì các hệ thống phòng không mới của phương Tây sẽ trang bị cho Ukraine chưa thực sự ra chiến trường, nên không quân Nga vẫn còn có thể bay được ở một số khu vực, nhưng phần lớn là bay ở ngoài lãnh thổ Ukraine và bắn tên lửa vào, trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu Ukraine hôm qua viết:

• Máy bay chiến đấu của Không quân ta tiếp tục tuần tra không phận Ukraine, và máy bay cường kích tấn công hỗ trợ hỏa lực cho các đơn vị của chúng ta trong các khu vực hoạt động được chỉ định mà không có tổn thất.

Hệ thống phòng không Nga trong một số ngày vừa qua đã bắt đầu bị tấn công bởi pháo tầm xa nên có hiện tượng suy giảm sức chiến đấu.

Nếu tính trận đánh chiếm Lysychansk bắt đầu từ ngày 26/06, thì đến nay đã được 6 ngày rưỡi, và cứ cho là quân Nga đã chiếm được nhà máy lọc dầu đi. Về tình thế chiến trường, như hôm qua chúng ta đã nghiên cứu thì dù có pháo mới, Ukraine cũng sẽ không sử dụng để phản pháo vào pháo binh Nga được, mà nhằm các mục tiêu khác như kho đạn, trung tâm chỉ huy… Cách đánh đó làm cho sức tấn công của Nga nói chung, khả năng sử dụng hỏa lực gián tiếp của Nga nói riêng suy giảm từ từ chứ không ngay lập tức.

Ngược lại, thằng cha Igor Strelkov vẫn lạc quan là Lysychansk sẽ bị chiếm sau 3 ngày, và hắn ta đã bị sai mất 3 ngày rồi. Tui thì vẫn cố quay lại với phân tích hôm qua: Nga sẽ phải cố gắng tiến vào thành phố từ tây nam qua nhà máy lọc dầu, như thế thì họ sẽ tập hậu được thành phố vì khả năng tiến chiếm dãy đồi từ phía sông là rất khó khăn.

Vừa rồi cũng có những thông tin chưa xác minh được về việc Nga phải sử dụng BMPT-72 ‘Terminator’ cùng các xe tăng của Sư đoàn xe tăng số 90 thuộc Quân khu miền Tây vào tấn công ở khu vực này, thì mới đạt kết quả. Tuy vậy, họ cũng đã phải đổi một giá khá đắt, những ngày báo cáo thiệt hại cho phía Nga được Ukraine công bố nhiều xe tăng bị bắn cháy, chính là liên quan đến diễn biến này. Tình báo vỉa hè nhận xét: nếu với tốc độ tấn công như thế và kéo dài khoảng 2 tuần nữa thì chính Sư đoàn xe tăng 90 của Nga cũng sẽ chỉ còn 1/3 quân số và lượng khí tài.

Như vậy, hôm nay là 02/07 và chúng ta lại chờ xem: 3 – 5 ngày hay một tuần nữa thì quân Ukraine sẽ bỏ Lysychansk. Đợt trước khi bỏ cụm Zolote – Hirske sau khi có sự đối đầu giữa hai bên về xe tăng của Lữ đoàn 17 và Sư đoàn 90, thì Nga đã bỏ lỡ cơ hội vây một cụm quân lớn của Ukraine, để thoát mất khoảng 2.000 binh lính về tuyến sau.

Như vậy chúng ta có thể nhận thấy, cách đánh nhau của Ukraine bây giờ là nếu không giữ được thì rút. Lúc này miệng túi vẫn còn đủ rộng thoải mái, nên việc họ giữ cả tuần nữa là hoàn toàn có thể. Còn hôm qua thì tui đã nhắc lời Ian Matveev viết: để xiết cái túi này cần cả tháng, và Nga thì bây giờ (cuối tháng Sáu) mới bắt đầu. Xin các bác xem bản đồ đính kèm theo đây.

Nga lại tiếp tục tiến hành một trận chiến gặm nhấm mới mà tốc độ hao mòn trên chiến trường là 10 thì ở hậu phương cũng phải là 1 – 2, chưa tính các lệnh trừng phạt sẽ “gặm nhấm” tiếp nền kinh tế của Nga.

2. TẠI SAO NGA ĐÃ THUA VÀ CHẮC CHẮN LÀ SẼ THUA – PHẦN 6:

Nga tổng động viên và hậu quả cho xã hội từ góc độ nhân khẩu học.   

Tình hình xã hội Nga từ góc độ nhân khẩu học hiện nay ra sao?

Năm 2014, trên toàn nước Nga có 33.788.600 người trưởng thành trong độ tuổi nghỉ hưu, chiếm 23,5% dân số quốc gia (143.666.900), số liệu theo Cơ quan Thống kê Nhà nước Liên bang Nga (RosStat, 2015). Nếu xem xét kỹ hơn các số liệu thống kê này, chúng ta thấy rằng tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên chỉ là 13%, trong đó tỉ lệ người từ 70 tuổi trở lên lớn hơn.

Năm 2014, tuổi thọ của phụ nữ Nga là 79 tuổi và nam giới là 64 tuổi. Mặc dù mô hình chung – sự khác biệt lớn về tuổi thọ giữa nam giới và phụ nữ vẫn còn, xét từ góc độ dài hơn, nó đã tăng từ 74 tuổi đối với phụ nữ và 59 tuổi đối với nam giới vào năm 2010 tức là chỉ 4 năm trước đó.

Mặc dù tỉ lệ sinh ở Nga tương đương với các nước phát triển, nhưng tỉ lệ tử vong của nó cao hơn nhiều, đặc biệt là ở nam giới trong độ tuổi lao động do tỉ lệ tử vong tương đối cao do bệnh tim và các nguyên nhân bên ngoài khác như tai nạn. Tỉ lệ tử vong của Nga năm 2010 là 14,3 trên 1.000 công dân.

Theo dự báo của Viện Hàn lâm Khoa học Nga từ đầu những năm 2000, năm 2016 người già trên 60 tuổi sẽ chiếm 20% dân số Nga và trẻ em dưới 15 tuổi chỉ chiếm 17%.

Tuy nhiên, vào năm 2020, tỉ lệ tử vong của hơn 500.000 người đã được báo cáo do đại dịch COVID-19 và tổng số người chết là 700.000 người kể từ khi bắt đầu đại dịch. So sánh giữa hai năm, ước tính năm 2021 có ít tác động hơn đến tỉ lệ chết nhưng vẫn vượt quá tỉ lệ sinh trung bình. Kế hoạch lật ngược tình trạng trì trệ này của Putox đã được công bố vào năm 2017 để đối phó với xu hướng đi xuống. Tuy nhiên, kế hoạch chỉ giúp được một phần trong cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của họ và bị cản trở bởi Đại dịch, mặc dù có dấu hiệu phục hồi.

Với tỉ lệ sinh giảm, gánh nặng đối với dân số lao động tăng lên do mỗi người lao động phải hỗ trợ nhiều người nghỉ hưu hơn. Tỉ lệ sinh tăng nhanh trong thời gian ngắn khó thực hiện do nguyên nhân kinh tế; tăng mạnh chi tiêu xã hội cho thế hệ cũ, điều này trong tương lai sẽ chỉ mang lại những rắc rối cho Chính phủ Nga.

(Olga Strizhitskaya, PhD. Khoa tâm lý học, ĐHTH quốc gia Sankt Petersburg, số liệu 2016)

Theo những nghiên cứu chính thức trên đây, thì đến năm 2025, Nga sẽ thiếu hụt lao động.

Ngày 29/06 tui đã viết một paragraph xin quote lại như sau: “… một ngày sẽ có người Nga nào đó băn khoăn: phải chăng như những gì đang được hiểu trên nước Nga hiện nay, thì phải chăng toàn thế giới đã bị “phát-xít hóa” theo Mỹ? Nếu không phải vậy thì ít nhất 2/3 số nước (141 nước bỏ phiếu chống Nga ở Liên hiệp quốc chẳng hạn) đã là phát-xít cả, còn Nga thì đơn thương độc mã chống lại cả thế giới phát-xít. Vậy phe đồng minh đâu cả? Chỉ còn Trung Quốc, những người đang xâm chiếm chính thành phố Mátxcơva của họ và họ rất căm ghét, hay mấy anh “nhà quê có vũ khí hạt nhân” Bắc Triều Tiên?...”

Về tình hình xã hội, đất nước chắc chắn sẽ đối mặt với những thách thức mới mà khả năng khắc phục hầu như là không thể. Ví dụ việc thiếu hụt các thuốc đặc trị nhập khẩu, sẽ đẩy tuổi thọ trung bình của toàn xã hội Nga xuống thấp trong chỉ 1 – 2 năm tới. Hiện tại, thuốc men đã được thêm vào số lượng hàng hóa biến mất khỏi kệ hàng của Nga. Vấn đề thiếu hụt luôn diễn ra với insulin, thuốc kháng sinh, cũng như thuốc chống co giật và nội tiết tố… thì nay đã đến các loại thuốc khác có tính thông thường hơn.

Chương trình thay thế nhập khẩu với khoản đầu tư hàng tỉ đô-la Mỹ vào công nghiệp dược đã được khởi động ở Nga vào năm 2009. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tỉ trọng thuốc nội trên thị trường năm 2021 chỉ đạt 38,5%. Và chỉ có 35 trong số 162 loại ma túy tổng hợp quan trọng chiến lược (thuộc nhóm độc bảng A) được sản xuất tại địa phương, chiếm 21.6%.

Hiện tại, các nhà chức trách Nga đang “nháy mắt” đảm bảo rằng không có một loại thuốc hoặc dược liệu nhập lậu (xách tay) nào bị xử phạt. Tuy nhiên, những khó khăn về hậu cần và việc ngừng cung cấp vật tư tiêu hao để sản xuất thuốc đã khiến giá của chúng tăng lên đáng kể và khiến người tiêu dùng bình thường không thể tiếp cận được chúng. Chưa kể đến khả năng tiếp cận với các công nghệ mới và cả với các loại thuốc “sống còn”, không có khả năng nào để xoay xở hoặc thay thế.

Đó mới chỉ là trong lĩnh vực thuốc men, còn rất nhiều lĩnh vực khác của đời sống như ô tô, máy tính… Cách đây khoảng 10 ngày tui đọc tin: do Apple rút khỏi thị trường Nga, nên hiện nay iPhone hỏng không có linh kiện thay, đặc biệt là màn hình và pin. Từ cách đây cả tháng đã có những phàn nàn là lần đầu tiên sau mấy chục năm ở Mátxcơva xảy ra nạn giựt dọc: người đi đường bị giật điện thoại thông minh và tình trạng này được cho rằng chúng bị cướp để lấy linh kiện chữa cho những điện thoại khác.

Về lĩnh vực ô tô cũng phải nói là “thê thảm” đặc biệt trong lĩnh vực xe du lịch – ngay hôm qua xuất hiện tin ngành công nghiệp ô tô Nga suy giảm 97%, hiện chỉ còn hai hãng hoạt động, một của Trung Quốc và một là AutoVaZ. AutoVaZ sau khi Renault rút đã lên kế hoạch cho ra chiếc xe với những tiêu chuẩn của thế kỷ trước: không túi khí, không ABS, không GPS… và với tiêu chuẩn khí thải EURO-2 (1996) chúng ta cũng hiểu luôn là chúng không có phun xăng điện tử (Fi) mà quay về với… cácbuyaratơ (chế hòa khí.)

Câu chuyện này về chiếc Granta của Nga sắp được mở bán, không biết các bác nghĩ gì nhưng tui thì nghĩ ngay đến một chuyện: công nghệ dân dụng còn phụ thuộc như thế thì công nghệ quân sự nó đòi hỏi tinh vi hơn nhiều, Nga bất lực đến đâu.

Tất nhiên, chúng ta có thể hiểu là “người Nga chịu khổ quen rồi” với những khẩu hiệu để lại từ thời Chiến tranh Vệ quốc, khi mà Putox khơi dậy một cuộc thánh chiến chống phương Tây. Hôm qua tui đã viết: Putox sử dụng bộ máy tuyên truyền của mình để đánh tráo khái niệm. Đầu tiên lão ta thổi phồng nguy cơ chiến tranh đang đe dọa nước Nga và đổ mọi vấn đề lên đầu đất nước và người dân Ukraine: chính quyền Ukraine là phát-xít, một bộ phận không nhỏ dân Ukraine là phát-xít và những người gốc Nga ở Ukraine đang là nạn nhân của Chủ nghĩa phát-xít.

Với tuyên truyền đó, đương nhiên để bảo vệ hòa bình thì nước Nga phải đánh trước, và nhân dân Nga phải có nghĩa vụ ủng hộ đất nước của mình. Chúng ta đã hiểu tại sao bọn lính Nga đi xe tăng sang Ukraine lại giương cờ đỏ là như thế, chúng đang thi hành “sứ mạng giải phóng” của mình đó.

Đến đây chúng ta cũng hiểu Putox và bè lũ chóp bu, bộ sậu thân cận thâm độc và phản động đến như thế nào.

Mặc dù đã có kế hoạch cho câu chuyện này đến tầm 15 năm, nhưng vẫn có những “lờ phờ” trong xã hội mà chúng ta có thể nhìn vào đó để suy đoán ra những vận động ngầm trong cái hồ lớn là nước Nga đó. Cách đây khoảng vài năm thì họ bày ra trò “Trung đoàn bất tử” mà dẫn đầu là Putox cũng vác ảnh người cha của mình đi diễu hành. Về sau người ta phát giác: phong trào ban đầu là để những người mang ảnh của người thân đã chiến đấu và hy sinh trong chiến tranh đi tôn vinh. Còn cha của Putox, ông cụ đáng thương Vladimir Spiridonovich Putin sinh năm 1911 và “hy sinh” năm 1999 thì không thể đủ điều kiện để vào “Trung đoàn bất tử” được.

Đáng tiếc là ngay sau buổi lễ, người ta thấy rất nhiều di ảnh của những người lính được vứt ra sọt rác. Những rơi rớt của thời kỳ Ênh Xô vẫn còn: nghe hô khẩu hiệu và Kachiusa thì cũng xúc động sụt sịt thật đấy, nhưng bảo đi chiến đấu thì còn lâu. Bây giờ iPhone và McDonald quan trọng hơn mấy cái ảnh kia nhiều.

Tác động của việc Nga tổng động viên và của chiến tranh nói chung.

Ngay hôm nay tờ Lenta.ru dẫn lời của Phó Thư ký Hội đồng An ninh (SB) Liên bang Nga Alexandr Venediktov bình luận về việc tài sản của Nga ở các ngân hàng nước ngoài bị đóng băng: “Việc đóng băng tài sản của Nga là một trong những vụ trộm lớn nhất trong lịch sử” – RIA Novosti.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nga, ông Anton Siluanov cho biết, các nước phương Tây đã đóng băng khoảng một nửa dự trữ vàng và ngoại hối của Nga. Ông giải thích: “Chúng tôi có tổng cộng khoảng 640 tỉ USD dự trữ nhưng trong đó có khoảng 300 tỉ hiện đang ở trong tình trạng không thể sử dụng được.”

Nếu như trước đây chúng ta quen nghe những thông tin tương tự từ phương Tây, thì bây giờ là từ chính những quan chức cấp cao Nga, đặc biệt là những phát biểu thể hiện sự tức tối cho thấy những lệnh trừng phạt đã bắt đầu có tác dụng.

Đối với dân chúng, tác động với đời sống nếu chỉ xét từ “góc độ bánh mì” thì không phải vấn đề lớn, vì Nga vẫn tự túc được những mặt hàng thiết yếu đó. Cũng như vấn đề năng lượng thì họ hoàn toàn chủ động về khí đốt và điện dựa vào năng lượng hạt nhân. Với vấn đề đi lại, chuyện không có ô tô chỉ ảnh hưởng đến tầng lớp trung lưu trở lên ở các thành phố lớn, còn tầng lớp dưới tầm đó đang chiếm số đông đi Metro, cũng không phải là vấn đề.

Đó cũng là lý do mà đến giờ phút này Putox vẫn bổ sung được quân vì lão ta dựa trên tầng lớp dưới trung lưu có thể cung cấp cho mình vài chục nghìn người: hoàn toàn trong tầm tay. Trước chiến tranh, một người lính theo hợp đồng được trả 25.000 rúp một tháng, thì hiện nay là 200.000 rúp (gấp 8 lần). Con số này quy đổi ra là 3.800 đô-la Mỹ cho 1 tháng! Với người có công ăn việc làm tốt, nôm na là người có cơ hội thì không đáng nhưng với người nghèo mức thu nhập dưới trung bình thì rất hấp dẫn.

Chúng ta cũng nên tính toán thêm là với chi phí trên, Putox cũng chỉ phải trả có 190 triệu đô-la / tháng cho 50.000 lính hợp đồng (nếu ký được). Trên thực tế, thì con số đạt được thấp hơn và may cho lão ta, như vậy là phải trả ít hơn rất nhiều. Lính hợp đồng sẽ cầm súng bắn nhau trực tiếp trong các BTG, còn các loại lính phục vụ khác thì sẽ sử dụng lính nghĩa vụ.

Điều kinh khủng cho nước Nga ở chỗ viên đạn thì không phân biệt được lính nào với lính nào, do đó tổn thất cho tất cả các loại lính là như nhau. Các hậu quả của cuộc chiến tranh không phải bây giờ sẽ bộc lộ ra ngay, mà vài năm nữa mới phát tác. Cuộc chiến tranh Liên Xô thi hành ở Afghanistan chỉ có 15.000 lính thiệt mạng, cũng cỡ 30.000 người bị tàn phế nhưng rải đều ra trong 10 năm và chia cho 15 nước cộng hòa của Liên bang. Còn lần này thì đến nay con số người thiệt mạng đã gấp đôi và bị thương cũng sẽ là tương ứng.

Mọi người thử tưởng tượng xem 60.000 thương binh ngồi la liệt khắp các công viên, bến tàu bến xe nước Nga, thì vài năm nữa xã hội của họ sẽ như thế nào? Đây sẽ là một gánh nặng cực lớn cho xã hội Nga, và tội lỗi là của Putin. 

Trong khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ đối với cuộc chiến của Putox ở Ukraine vẫn ở mức cao trong cộng đồng người Nga, thì cái chết của những người lính trẻ thuộc Lữ đoàn Đổ bộ Đường không xung kích Cận vệ 31đã bắt đầu gây ra nỗi những đau, và dấy lên cả những câu hỏi trong số bạn bè và người thân của họ.

Dưới một bài đăng về cái chết gần đây của đại úy Adam Khamkhoev của Lữ đoàn dù 31, một tài khoản mạng xã hội (người Nga) đã viết: “Tại sao những người Buryat, Daghestan, cả người Nga từ nông thôn lại phải chết ở Ukraine? Thế những người đến từ Moscow và Sankt Petersburg thì sao? Hóa ra những người bình thường bị gửi đến lò sát sinh còn những người giàu có thì đến các quán cà phê.”

Và khi cái chết của Hạ sĩ Artyom Fedorov được đưa tin trên mạng, bà Olga Burmistrova, người có cháu trai đã chết trong các trận đánh của Lữ đoàn dù 31 ở Ukraine, đã để lại một bình luận trên trang mạng xã hội VK để bày tỏ lòng kính trọng đối với chàng trai trẻ.

“Lại một cái (ngôi mộ) khác từ Lữ đoàn số 31,” Burmistrova viết xen vào một hàng biểu tượng cảm xúc (icon) than khóc. Bà viết tiếp: “Liệu sẽ còn có cái nào nữa không?”

PHÚC LAI 02.07.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.