samedi 7 mai 2022

Tăng mạnh quân viện cho Ukraina : Mỹ quay lại với chủ trương can thiệp


Đăng ngày:

 

Chiến tranh ở Ukraina, đảng Xã Hội thỏa thuận với phe cực tả Pháp, nắng nóng khủng khiếp ở Ấn Độ là các chủ đề được báo chí Pháp bàn luận nhiều nhất hôm nay 05/05/2022. Trước hết là cuộc giải cứu lần đầu tiên các thường dân kẹt lại trong địa ngục Mariupol, kết quả cuộc thương lượng giữa tổng thư ký Liên Hiệp Quốc với Vladimir Putin. Hơn 100 người hôm thứ Ba 03/05 đã đến được thành phố Zaporijia.

Địa ngục Mariupol, nơi Nga sẽ cho diễu hành « mừng giải phóng »?

Những người sống sót ở nhà máy Azovstal, cứ điểm cuối cùng của kháng chiến quân ở Mariupol, từ hai tháng qua sống dưới lòng đất, hy vọng được trông thấy ánh mặt trời dần tàn lụi với những quả bom làm rung chuyển căn hầm. Dù sao họ cũng phần nào may mắn hơn cư dân trung tâm thành phố hàng ngày hứng chịu đủ loại hỏa tiễn, số người thiệt mạng ước tính lên đến 20.000. Hầu hết những người đến trú ẩn trong những boong-ke Azovstal là cha mẹ của công nhân nhà máy, số khác là thân nhân những chiến binh Mariupol.

Chiến dịch nhân đạo do Liên Hiệp Quốc và Hồng thập tự Quốc tế phối hợp kéo dài đến năm ngày do gặp vô số trắc trở, dù đã có sự đồng ý của chính quyền Matxcơva và Kiev. Quân Nga dựng lên nhiều hàng rào kiểm soát, thẩm vấn gắt gao những người tị nạn, không cho phép họ đi đến Zaporijia. Các nhà hoạt động nhân đạo đành chịu đứng nhìn một số người bị từ chối cho lên xe buýt. Họ cũng không được đến nhà máy Azovstal, nên không biết được có bao nhiêu người còn bị bỏ lại.

Bà cụ Valentina cho Le Monde biết trong căn hầm của mình có 71 người. Trước đó khi những người lính nói rằng đang thương lượng, có 16 người tự ý ra đi và chỉ 6 người quay lại vài giờ sau, 10 người kia không biết ra sao. Bà xúc động khi nói về những chiến binh ở Azovstal : « Tôi không tự đi được và cầu thang đã sụp đổ, nên nói với họ cứ để tôi ở lại. Các chàng trai trả lời, bà ơi, chúng con sẽ đưa bà ra, và họ bế tôi lên ». Những giọt nước mắt rơi trên đôi má nhăn nheo « Tôi hy vọng họ sẽ sống sót, họ cũng có mẹ và vợ đang chờ đợi ở nhà ... ». Anna, mẹ của một cậu bé một tuổi rưỡi cũng nói : « Giờ đây tôi hy vọng những chiến binh ấy cũng được cứu. Họ bị vây hãm, bị oanh kích liên tục và phải chiến đấu với kẻ địch đông gấp trăm lần ».

Nhưng chỉ là hy vọng, vì Putin không muốn chừa cho những chiến binh này một con đường sống. Les Echos dẫn nguồn tin tình báo Ukraina cho biết thêm, những con đường chính ở Mariupol đã được khẩn cấp làm sạch, những đống gạch vụn, đạn chưa nổ và xác người được dọn dẹp. Như vậy khán giả truyền hình Nga có thể được xem những phóng sự về « niềm vui được giải phóng » của cư dân Mariupol.


Matxcơva ngày càng cô đơn

Trên trường quốc tế, Les Echos Le Monde nhận thấy « Nga ngày càng bị cô lập ». Từ hai tháng qua, Israel giữ im lặng trước luận điệu của Kremlin, rằng gây chiến với Ukraina để chống lại « tập đoàn quốc xã » - một sự lạm dụng lịch sử Đệ nhị Thế chiến. Tel Aviv không muốn Matxcơva cản trở những vụ không kích vào lợi ích Iran ở Syria. Nhưng từ ngày 01/05, chính phủ nước này buộc lòng phải có phản ứng trước những tuyên bố chống Do Thái của ngoại trưởng Nga. Thủ tướng Israel Naftali Bennett nhắc nhở « Không có cuộc chiến nào có thể so sánh với Shoah…Việc sử dụng nạn diệt chủng người Do Thái như công cụ cần phải chấm dứt ngay lập tức ». Đầu tuần này, Israel loan báo kèm theo viện trợ nhân đạo còn là viện trợ quân sự cho Kiev dù số lượng còn hạn chế.

Sau khi xích mích với đồng minh Israel, thứ Tư 04/05, Matxcơva tẩy chay cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với Ủy ban Chính trị và An ninh (COPS) của Liên hiệp Châu Âu. Cũng trong hôm qua, Nga cấm nhập cảnh khoảng 60 viên chức Nhật Bản trong đó có thủ tướng Fumio Kishida, để trả đũa việc Nhật trừng phạt kinh tế. Về phía Luân Đôn đã cấm các công ty tư vấn, pháp luật, kế toán, kiểm toán, quan hệ công chúng làm việc với Nga. Quan hệ giữa Matxcơva với hai quốc gia châu Âu chưa phải là thành viên NATO cũng xấu đi : hôm qua một trực thăng quân đội Nga xâm phạm không phận Phần Lan, và một máy bay do thám tuần trước đã đi vào không phận Thụy Điển.


Thượng phụ Kirill, « trẻ giúp lễ » của Putin

Về các biện pháp trả đũa của Liên hiệp Châu Âu (EU), La Croix và Libération đều chú ý đến sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử, một chức sắc tôn giáo cao cấp có tên trong danh sách trừng phạt của: đó là Kirill, thượng phụ Matxcơva. Nhà lãnh đạo tinh thần của 150 triệu tín đồ Chính thống giáo trên thế giới lại bị coi là « Thượng phụ mà Thượng đế chính là Putin » - tựa bài viết của Libération.

Đức giáo hoàng Phanxicô đã có cuộc đối thoại qua Zoom với thượng phụ Kirill hôm 16/03, ba tuần sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lăng. Trả lời nhật báo Ý Corriere della Sera, ngài kể lại : « Trong suốt hai mươi phút, ông ấy cầm tờ giấy trên tay, đọc cho tôi nghe mọi lý lẽ biện minh cho cuộc chiến. Tôi lắng nghe và nói, tôi chẳng hiểu gì cả. Người anh em à, chúng ta không phải công chức Nhà nước, không sử dụng ngôn ngữ của chính giới, mà của Chúa Giêsu. Chúng ta phải tìm kiếm hòa bình, làm ngưng tiếng súng ». Giáo hoàng kết luận với nhà báo Ý : « Thượng phụ không thể biến thành một trẻ giúp lễ cho Putin được ».

Ủy ban Châu Âu trong đề nghị trừng phạt thứ sáu hôm 04/05 nhấn mạnh thượng phụ Kirill là « đồng minh từ lâu của tổng thống Vladimir Putin, đã trở thành một trong những thế lực chính ủng hộ cuộc xâm lăng Ukraina của Nga ». Danh sách lần này có 58 người, sẽ bị cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản. Thượng phụ Kirill từng là gián điệp của KGB với mật danh « Mikhailov » theo báo chí Nga trong thập niên 90, có tài sản nhiều tỉ đô la, sở hữu một nhà nghỉ gần Zurich (Thụy Sĩ), và cũng như nhiều nhà tài phiệt Nga, ông thích được chăm sóc sức khỏe ở phương Tây hơn. Từ nhiều năm qua, vị thượng phụ 75 tuổi không ngần ngại làm phép thánh cho các loại vũ khí, hỏa tiễn, bênh vực việc đàn áp đối lập và báo chí độc lập.


Cấm vận dầu lửa Nga để tước vũ khí Putin

Trên lãnh vực kinh tế, Libération chơi chữ « Châu Âu cho vàng đen vào danh sách đen ». Phải mất đến 70 ngày chiến tranh, EU mới quyết định « đánh động tổ kiến », một bước ngoặt cách đây hai tháng không thể hình dung được. Ông Thomas Pellerin-Carlin của Viện Jacques-Delors nêu ra một nghịch lý : viện trợ nhân đạo của EU cho Ukraina khoảng 1,5 tỉ euro, trong khi chi trả cho năng lượng hóa thạch Nga từ tháng Hai đã là 63 tỉ euro. Bài xã luận của Les Echos kêu gọi « Cấm vận dầu lửa Nga : Hãy tước vũ khí của Putin ». Châu Âu đã quyết định bảo vệ hòa bình dù với giá đắt, nhất là những nước mà dầu lửa Nga chiếm đến 3/4 lượng tiêu thụ như Phần Lan, Slovakia, Hungary, Bulgari.

Cấm vận dầu lửa sẽ gây thiệt hại thế nào cho Matxcơva ? Le Figaro giải thích, dầu bán sang châu Âu chiếm 20 % tổng thu nhập từ xuất khẩu của Nga, và phân nửa tiền bán dầu lửa của Nga thu được từ khách hàng châu Âu, trên 70 tỉ euro năm 2021 (gấp bốn lần khí đốt). Trong giai đoạn đầu, Matxcơva không thiệt thòi bao nhiêu vì cấm vận tiệm tiến, và giá dầu lửa sẽ tăng, tiền vào túi vẫn rủng rỉnh. Nhưng nếu việc cấm vận trở thành dứt khoát, Nga sẽ phải quay sang các khách hàng khác, trước hết là con quái vật luôn khát dầu với chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố « tình hữu nghị không giới hạn » với Vladimir Putin.

Tuy nhiên hiện nay các cơ sở hạ tầng Nga đều hướng về phương Tây, đường ống duy nhất nối với Trung Quốc đã hoạt động hết công suất. Bên cạnh đó, không chắc Bắc Kinh mua hết số dầu bị châu Âu bỏ lại, dù hiện các công ty lọc dầu ở Hoa lục đang mua dầu thô Nga với giá rẻ như bèo. Nhất là theo Peterson Institute for International Economics (PIIE), với việc phong tỏa chống Covid hiện nay, tiêu thụ dầu lửa từ nay đến cuối năm chậm lại, và thị trường tự cân đối, giá dầu sẽ giảm. Chế độ Putin sẽ thiệt hại nặng. Cuối cùng, dù châu Âu cũng phải trả giá, cấm vận giúp giảm lệ thuộc vào dầu khí Nga và như vậy Matxcơva mất đi một công cụ gây áp lực.


Hoa Kỳ quay lại với chủ trương can thiệp

Về quân sự, Le Monde trong bài « Chủ nghĩa can thiệp của Mỹ đã quay lại » nhận định, sau nhiều tuần lễ tỏ ra vô cùng thận trọng, nay chính quyền Joe Biden đã thay đổi hẳn thái độ trong cuộc chiến ở Ukraina. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, là nhân vật cao cấp nhất của Hoa Kỳ đến thăm Kiev hôm 30/04, chưa đầy một tuần sau chuyến thăm của hai bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ. Trước đó, tổng thống Joe Biden loan báo kế hoạch viện trợ quy mô 33 tỉ đô la cho Ukraina, trong đó hai phần ba dành cho vũ khí.

Washington đã hoàn toàn thay đổi. Có nhiều lý do, trước hết là chiến tranh ủy nhiệm thì dễ dàng hơn nhiều, không có một quân nhân Mỹ nào phải hy sinh tính mạng. Thứ hai, lần đầu tiên Hoa Kỳ cảm thấy tin tưởng, và cuối cùng, một sự ủng hộ dứt khoát có thể lấy lại phần nào uy tín sau thất bại ở Afghanistan. Không gì có thể biện minh cho cuộc xâm lăng của Nga, và tính chính danh của cuộc kháng chiến Ukraina là không thể tranh cãi.

Niềm tin của chính quyền cũng là của công luận Mỹ : sự ngờ vực Vladimir Putin lên đến mức kỷ lục là 92 %, theo thăm dò của Pew Research Center công bố hôm 30/03. Cuộc chiến ở Ukraina là một trong những chiếc cầu hiếm hoi nối liền đôi bờ Dân Chủ và Cộng Hòa trên chính trường Mỹ. Chỉ có 14 % người được tờ Washington Post đặt câu hỏi vào cuối tháng Tư cho rằng Mỹ đã quá trớn, và có đến 55 % ủng hộ gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraina. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nêu ra sự cần thiết « làm yếu đi » nước Nga, và bà Nancy Pelosi trong chuyến thăm cũng khẳng định Mỹ ủng hộ Ukraina « cho đến khi chiến thắng ». 


Hỗ trợ Ukraina để chống lại các chế độ phi dân chủ

Tác giả Laurence Nardon của IFRI giải thích « Vì sao Hoa Kỳ chấp nhận rủi ro khi gia tăng quân viện cho Ukraina »: chính quyền Biden cho rằng cần phải bảo vệ tự do dân chủ trên khắp thế giới.

Từ đầu cuộc xâm lược của Matxcơva hôm 24/02, Washington đã có nhiều cách đáp trả, từ trừng phạt các nhà tài phiệt Nga, hạn chế xuất khẩu công nghệ nhạy cảm cho đến gia tăng cung cấp khí hóa lỏng để giúp châu Âu bớt lệ thuộc vào dầu khí Nga. Đối với Ukraina, ban đầu là viện trợ nhân đạo, rồi đến viện trợ thiết bị quân sự gần 4 tỉ đô la vào cuối tháng Hai, nhưng không phải là vũ khí sát thương. Nay các nhà phân tích Mỹ thấy rằng một chiến thắng của Ukraina là khả thi, và việc chuyển giao vũ khí có thể tạo nên sự khác biệt. Nhưng tiến triển này còn là sự quay lại với ý tưởng can thiệp để bảo vệ nền dân chủ Ukraina chống lại độc tài Nga. Cuộc chiến tranh ở Ukraina đã làm dấy lên trở lại tranh luận về vai trò của nước Mỹ trên thế giới.

Những năm gần đây, sự mệt mỏi đã được biểu lộ dưới thời Barack Obama (từ chối ra tay dù Assad vượt lằn ranh đỏ ở Syria năm 2013), hay « Nước Mỹ trước hết ! » của người kế nhiệm. Chủ trương không can thiệp có ở cánh hữu nơi Donald Trump lẫn cánh tả như Bernie Sanders. Với cuộc chiến Ukraina, xu hướng thực tiễn, mà đứng đầu là giáo sư John Mearsheimer, cho rằng các nước chỉ nên tự lo lấy thân. Ngược lại, khuynh hướng tự do nhấn mạnh đến việc bảo vệ các giá trị dân chủ, bắt đầu bằng nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết của Ukraina. Chủ trương này của phe Dân Chủ được phe tân bảo thủ của Cộng Hòa ủng hộ.

Nhìn rộng hơn, chính quyền Biden cho rằng chiến tranh Ukraina chỉ là một giai đoạn trong cuộc chiến chống chủ nghĩa dân túy. Thế nên Ukraina được coi là lợi ích sống còn đối với Hoa Kỳ, dù nước này không phải là thành viên NATO. Cụ thể, việc can thiệp của Mỹ tại châu Âu trước hết là lời cảnh cáo cho Trung Quốc nếu muốn xâm lăng Đài Loan ; đồng thời cho thấy ý định chận bước tiến của các chế độ phi dân chủ.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.