dimanche 22 mai 2022

Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 86 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (20/05/2022)

 

1. Ngày hôm nay đọc bản tin chiến sự của Bộ Tổng tham mưu Ukraine cũng không có gì mới ngoài một số thông tin đáng chú ý chúng ta sẽ điểm qua:

Hướng Kharkiv, Bộ chỉ huy Nga có thể bổ sung cho lực lượng ở đây một số đơn vị từ Tập đoàn quân xe tăng số 1 của Quân khu miền Tây.

• Trên hướng tuyến phòng ngự Rubizhne – Severodonetsk – Lysychansk quân Nga vẫn nỗ lực bắc cầu phao để vượt sông nhằm chiếm Lysychansk.

Bình loạn: Tập đoàn quân xe tăng số 1 đã bị đánh thiệt hại nặng từ hồi The Battle of Kyiv, xin trích lại status nhận xét của tui hôm 07/04:

“Tập đoàn quân xe tăng Số 1 của Quân khu miền Tây đã bị thiệt hại nặng trong những trận chiến ở Sumy (có nguồn tin cho rằng thậm chí có đến cả sư đoàn xe tăng bị mất sức chiến đấu). Bản tin ngày 27/03 của Bộ tổng tham mưu Ukraine cho biết riêng Sư đoàn 47 của Tập đoàn quân xe tăng này đã bị chết 600 quân phải đưa xác về Belarus và Nga.

Rất là lạ, như đồng chí phó tham mưu trưởng Phùng Ngọc Khoa nói: tối kỵ sử dụng bại binh được phục hồi. Đây Bộ chỉ huy Nga cứ cho rút ra, rồi bổ sung thêm quân, rồi lại cho quay vào… chẳng hiểu họ làm như thế để làm gì, cái chuyện “quay vòng đơn vị” như thế?

Thực chất như chúng ta đã bàn nhau, việc Nga đưa một số lượng nào đó các BTG của mình vào tham gia cả hai trận đánh The Battle of Kyiv The Battle of Donbas đều đã đạt giới hạn, và hiện nay hầu như không còn khả năng đưa các BTG mới vào tham chiến. Đó là lý do họ thường xuyên phải rút các BTG bị mất khả năng chiến đấu ra ngoài để bổ sung và sau đó lại đưa ngược trở lại.

Còn về việc cứ cố vượt đi vượt lại qua con sông mà chỉ ở mỗi một chỗ, đến mức lần nào cũng bị tập kích thì rất giống kiểu mệnh lệnh sống còn năm 1941 “Москва за нами” – Mátxcơva sau lưng chúng ta hay kiểu ở Stalingrad 1942, “Không lùi một bước.” Bộ chỉ huy Nga đã bế tắc, chỉ biết được “trên” giao nhiệm vụ rồi cứ thế ép ở dưới thi hành không cần biết tính khả thi của mệnh lệnh ra sao. Đúng là dùng biển người để lấp sông. Vài hôm nước chắc là bắc cầu phao lên trên xác xe tăng chìm được rồi.

2. Lữ đoàn Cận vệ bộ binh cơ giới độc lập số 74 “Huân chương Suvorov hạng nhì…”

Lữ đoàn có Lữ đoàn bộ ở Yurga, vùng Kemerovo, Liên bang Nga. Nó là đơn vị thành viên của Tập đoàn quân số 41 của Quân khu trung tâm. Đầu chiến tranh, Lữ đoàn này đã từng tham chiến ở Chernihiv cùng sự phối hợp của Sư đoàn thiết giáp số 90 cũng của Quân khung trung tâm. Cuối The Battle of Kyiv, các đơn vị của Lữ đoàn và Sư đoàn thiết giáp này đã tham gia cú rút quân ngoạn mục từ bắc Kyiv về hướng Chernihiv thoát sang lãnh thổ Belarus, bỏ lại sau lưng đến cả trăm xe quân sự các loại bị đốt hoặc tiêu diệt.

Điều đáng nói là cả hai đơn vị này đã tham gia rủ nhau vượt qua sông Severskyi Donets vào cái ngày 09/05 định mệnh. Các đơn vị Ukraine trong sự phối hợp giữa bộ binh, xe tăng và pháo binh đã bắn vỡ cầu phao, tiêu diệt phần lớn lực lượng của hai đơn vị nói trên đang qua cầu: ước tính từ 70 đến 100 xe quân sự các loại, nhân lực của 3 BTG từ Lữ đoàn 74 và nhiều thứ hầm bà lằng khác.

Hiện nay nói chung lực lượng của của Lữ đoàn 74 coi như là không còn gì vì nó chỉ còn bao gồm các đơn vị nát tươm, nên đã được rút về Nga để xây dựng lại từ đâu.

Lữ đoàn Cận vệ bộ binh cơ giới độc lập số 74 coi như là bị xóa sổ.

3. TẠI SAO NGA CHẮC CHẮN SẼ THUA VÀ ĐÃ THUA – PHẦN 1

“Câu chuyện về xe tải” hay hậu cần – điểm yếu của quân đội Nga

Khi ngồi hóng diễn đàn quân sự, vì mù tịt nên chủ yếu đọc của các chuyên gia nước ngoài họ viết. Nhưng có một lần tui đem cái công thức ước tính của quân đội Mỹ “quy ra xe tải” để chém với họ: người ta tính trung bình cứ 1 xe tải Mỹ thì phục vụ cho 5 người lính Mỹ không cần biết họ thuộc sắc lính gì, vì “kể cả lính hậu cần cũng cần ăn.” Như thế sẽ tính ra, ví dụ quân đội Mỹ có 1.200.000 người thì sẽ cần 240.000 cái xe tải.

Đọc cái “công thức” này của tui, có một bác sĩ quan chuyên về hậu cần hẳn hoi, nhưng là sĩ quan tham mưu sau đó nghiên cứu và giảng dạy gửi cho cái mặt cười và nói: với anh ngoại đạo như thế là đã có tư duy quân sự rồi, nhưng tính như vậy thì thô quá và dễ bị sai, dù là với mục đích… chém gió trên mạng xã hội.

Ông ấy bảo, sau thời gian nghiên cứu về mô hình BTG của Nga, thì có thể có công thức là cứ 3 BTG cần sự phục vụ của 400 cái xe tải cỡ lớn (khoảng 10 tấn, đạt chuẩn quân sự nghĩa là ít ra là xe 3 cầu).

Ồ, nếu vậy thì lớn chuyện à nha! Con số khả tín nhất cho đến thời điểm này Nga có trên toàn bộ chiến trường vùng Donbas và Kharkiv là khoảng 102 BTG, như vậy sẽ cần 13.600 xe tải chuyên cho các Cụm chiến thuật cấp tiểu đoàn. Trong khi đó Nga lại còn có rất nhiều đơn vị khác nữa như các trung đoàn, sư đoàn pháo binh, các sư đoàn xe tăng thuộc các tập đoàn quân từ các Quân khu… Như vậy con số 150.000 là hoàn toàn có thể đáng tin cậy để sử dụng tính toán.

Đến đây tui cãi, bảo là tui giảm tiêu chuẩn của quân đội Nga đi một nửa, cứ 1 xe tải phục vụ 10 người, như thế sẽ cần 15.000 xe tải, không phải quá là sát rồi còn gì. Ông kia cười, bảo nhìn chung tư duy thế cũng là logic, thôi tạm chấp nhận.

Thực tế, quân đội Nga được xây dựng không phải để thi hành một cuộc chiến tranh xâm lược “xa nhà” đến như vậy – nói chính xác là họ không thể đi xa các tuyến đường sắt của mình.

Đầu tiên phải nó về kích thước khổng lồ của đất nước mỗi chiều từ vài nghìn đến cả vạn kilômét trong hầu hết là điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khiến Nga phải phụ thuộc vào vận tải đường sắt.

Thứ hai, dù trong quân đội Nga có lực lượng chuyên lo về vận tải đường sắt riêng (các Lữ đoàn đường sắt) nhưng họ lại gần như hoàn toàn phụ thuộc các đầu máy xe lửa dân sự. Điều đó dân tới việc các lữ đoàn đường sắt này chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ vận tải các thứ khí tài chiến lược (như tên lửa hạt nhân) bằng các đoàn tàu bọc thép.

Chúng ta sẽ không cần phải phân tích với nhau về sự vượt trội của đường sắt so với đường bộ nhất là trong điều kiện nước Nga. Tuy nhiên, từ các đầu mối đường sắt đến các đơn vị chiến đấu, thì buộc phải dùng xe tải. Theo công thức tính toán thì:

Hàng đến đầu mối đường sắt, bao giờ cũng phải dỡ và xếp, phân loại, phân phối, chất lên các xe tải của các đơn vị đến lĩnh và chở đến chiến trường. Quá trình này với quân đội có khả năng tổ chức hậu cần tốt, thường mất 1 ngày. Với Nga thì không ai dám chắc, nhưng cũng thôi, cho họ 1 ngày.

Sau khi chất lên xe tải, xe phải chở về các kho đầu mối gần mặt trận, sau đó lại chở tiếp đến các kho dã chiến gần mặt trận hơn nữa, thường là sau tiền duyên khoảng 20 đến 30 km. Con số tiêu chuẩn của quân đội Mỹ thường là 45 km. Để thực hiện nhiệm vụ này, ngành hậu cần phải thi hành khối lượng công việc khổng lồ từ xây dựng kho bãi, phối hợp công binh thi công các đoạn đường vào, ra… nhất là hệ thống kho xăng dầu cũng phải tiến hành chôn rất nhiều téc ngầm, đặt téc nổi, hệ thống bơm… Riêng ngành xăng dầu hậu cần quân đội Nga là một binh chủng rất khá với khả năng lắp đặt hàng trăm kilômét đường ống dã chiến một ngày.

Các kho dã chiến của pháo binh thường ở ngay gần vị trí bắn để đỡ phải chạy đi xa lấy, nhưng cũng không nên ở ngay cạnh “khéo ló lổ bỏ mẹ,” ý thế.

Để vận tải hàng từ các đầu mối đường sắt đến chiến trường, nếu hệ thống hạ tầng đường sá hỗ trợ đạt tốc độ 70km/h thì một xe tải cần 1 giờ bốc hàng, 1 giờ đi đến đích, 1 giờ dỡ hàng và 1 giờ để trở về, sau đó người lái xe cần nghỉ trong lúc bốc hàng của chuyến sau… Một ngày như vậy xe sẽ chạy được 3 chuyến. Trong trường hợp nếu quãng đường tăng lên 150 km thì hiệu quả vận tải giảm 33% và nếu tăng lên đến 200 km thì giảm 66%.

Đó là con số lý thuyết: Nga phải có xe tải đạt chuẩn quân sự chất lượng tốt và đường sá đạt tốc độ 70km/h. Trên thực tế đường sá vùng Donbas đã bị Nga đánh nát bét và từ sâu các căn cứ hậu cần vùng Rostov đến mặt trận, chẳng chỗ nào dưới 100 km cả, thậm chí có thể nói trung bình là 150 km đến 200 km từ kho đến mặt trận.

Trong khi đó cho đến đầu chiến tranh, riêng lực lượng vận tải của Nga chỉ có 10 lữ đoàn, mỗi lữ đoàn 400 xe tải như vậy đủ phục vụ cho 30 BTG. Tất nhiên nếu tính cả các xe tải riêng của các đơn vị thì họ có thể có được một con số tương đương như vậy nữa – nghĩa là khoảng 8.000 đầu xe đổ lại. 

Đó cũng là lý do mà “phase 1” của chiến tranh, họ đã thất bại khi tung vào trận chiến 200.000 quân mà cũng chỉ có cỡ 8.000 cái xe tải, trong khi đường vận tải hướng nào cũng cỡ vài trăm kilômét, như hướng Kyiv là 500 km. Và đó cũng là lý do họ thu gọn mục tiêu, một lần rồi hai lần… Đơn giản là nguyên nhân đầu tiên, năng lực hậu cần đã không đủ cung cấp cho các đơn vị chiến đấu rồi.

Cũng do không đủ xe tải nên đến “phase 2” ngoài thu hẹp mục tiêu, thu hẹp diện tích chiến trường để rút ngắn đường vận tải, họ còn huy động thêm rất nhiều xe tải dân sự, chắc hẳn được dùng để vận tải trên các tuyến xa mặt trận đường còn tốt.

Tuy nhiên, dù có huy động mấy thì cũng không bao giờ đạt con số 15.000 theo yêu cầu, nhất là đến thời điểm ngày 21/5 thì con số báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Ukraine là họ đã gây thiệt hại cho lực lượng xe tải Nga đến 2.500 chiếc các loại cả chở hàng lẫn xe bồn chở nhiên liệu.

Một quân đội với tiêu chuẩn hậu cần như thế bước vào chiến tranh hiện đại, không thua mới là lạ.

Tại sao Nga đã thua và chắc chắn là sẽ thua

Để kết luận, tui xin dẫn phát biểu mới nhất của tổng thống Ukraine V. Zelensky: “Chúng ta đã phá tan cơ sở của đội quân thứ hai thế giới. Chúng ta đã làm được. Họ sẽ không thể đứng vững trong vài năm tới. Quân kháng chiến Ukraine đã gây ra thiệt hại không thể khắc phục được cho quân đội Nga, chúng ta đã đánh quỵ họ cả về mặt lực lượng vật chất lẫn đạo đức. Họ phải quay về giới tuyến trước ngày 24 tháng 2 để có cơ hội đàm phán về các bước tiếp theo (tiến đến trả lại tất cả các lãnh thổ của Ukraine). Tôi hy vọng rằng đất nước họ lý trí để làm điều này.”

PHÚC LAI 21.05.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.