dimanche 10 avril 2022

Trần Quốc Quân - Ghi tại Warszawa những ngày chiến tranh Nga-Ukraina

 

Hôm qua một người bạn tôi, người Ba Lan gốc Việt gọi điện từ Hà Nội sang, giọng đầy lo lắng: "Anh ơi! Em về Việt Nam lâu quá rồi, giờ muốn quay lại Ba Lan thì thế nào? Không khí chiến tranh Nga - Ukraina có lan sang bên đó không?"

Cậu em này mê golf lắm, mỗi tuần cầm gậy ra sân sáu ngày. Mùa đông Warszawa lạnh thấu xương không ra sân được thì cậu ấy trốn về Việt Nam để cầm gậy ra sân. Mùa hè Hà Nội đổ lửa, nắng toác đầu cậu ấy lại lộn sang Warszawa cũng để cầm gậy ra sân. 

Cậu em này là bạn rượu, nhà tuy khác tòa nhưng chung sân, chung  ga ra ngầm để ô tô tại trung tâm thủ đô Ba Lan. Thiếu cậu, mỗi khi nhậu cũng buồn nên tôi rủ rê: "Sang đi! Warszawa gần như chẳng có gì khác trước chiến tranh đâu."

Động viên thế để cậu em bay sang, cho thêm đông vui mỗi cuộc nhậu cuối tuần. Nhưng thực tình, từ ngày chiến tranh Nga-Ukraina nổ ra, thủ đô Warszawa của Ba Lan hầu như vẫn thế, chẳng thay đổi gì so với trước đó.

Viết đến đây, tôi bỗng nghe thấy hồi còi vang lên trên bầu trời  Warszawa đến cả phút. Tưởng báo động, tôi vội bật ti vi lên xem có thông báo gì không. Hóa ra đó là còi nghi lễ nhân dịp kỷ niệm 12 năm (10/4/2010) ngày chiếc máy bay chuyên cơ chở vợ chồng Tổng thống Ba Lan cùng 94 quan chức cấp cao bị rơi tại khu rừng Smolenck khi bay sang Nga kỷ niệm 70 năm vụ Stalin tàn sát 22 nghìn sĩ quan Ba Lan.

Trở lại với "bầu không khí chiến tranh" lúc này tại Warszawa-Ba Lan. Muốn cảm nhận được, người dân nơi đây và du khách phải rất để ý mới thấy được sự thay đổi chút chút trong cuộc sống hàng ngày.

Ở thời điểm hiện tại, thành phố Warszawa chưa đến 2 triệu dân đã đón gần 230 nghìn người Ukraina tị nạn chiến tranh. Nghĩa là vào lúc này, trong thủ đô Ba Lan cứ 100 người thì có hơn 11 người đến từ Ukraina.

Bây giờ, mỗi lần bước chân ra khỏi nhà là tôi lại nghe tiếng Ukraina ríu rít khắp nơi, từ trong thang máy, trên vỉa hè, bến xe, trong nhà hàng, trong siêu thị...

Bây giờ, vào các quán ăn, vào các cửa hàng, vào các siêu thị... có rất nhiều nhân viên người Ukraina tạm tuyển làm việc.

Bây giờ, có nhiều trường phổ thông cơ sở ở Warszawa tuyển người Ukraina tị nạn chiến tranh làm trợ giảng.

Bây giờ, trong các nhà hàng sang trọng cũng không thiếu thực khách người Ukraina.

Bây giờ, nhiều công ty Ba Lan tuyển chuyên gia nhất là trong lĩnh vực IT người Ukraina làm việc.

Bây giờ, muốn thuê được phòng khách sạn, căn hộ... du khách phải ra cách xa Warszawa hơn 25 km may ra có cơ hội.

 

Thế mà cuộc sống trong thủ đô Warszawa từ ngày quân đội Nga xâm lược Ukraina lại đông vui hơn, nhộn nhịp hơn, hối hả hơn nhưng không hề có sự xáo trộn. Có lẽ bởi người Ukraina và Ba Lan cùng gốc Slavơ, cùng tầng dân trí, có chung nền văn hóa và tôn giáo cũng gần gũi. Họ sống hòa đồng, thông cảm với nhau như là anh em một nhà vậy.

Cờ Ukraina nhìn thấy ở khắp nơi trong thành phố, trên biển xe, trên cửa xe, trên nóc xe... chạy đầy đường.

Một ngày đẹp trời, tôi đi bộ ở trung tâm Warszawa thấy một đám trẻ khoảng chục đứa chừng 15,16 tuổi ríu rít tiếng Ukraina chờ đèn xanh để băng qua đường. Nhiều đoạn phố đi bộ, phía trước, phía sau, bên phải, bên trái tôi đầy người trẻ, người trung tuổi nói tiếng Ukraina.

Bữa trưa, tôi ghé một nhà hàng Việt Nam của một người quen nằm giữa phố đi bộ sầm uất nhất. Ngay bên trên cửa ra vào của quán treo một lá cờ Ukraina, bảng thực đơn tô màu cờ Ukraina, và cửa sổ kính dán một tờ bìa ghi chữ tiếng Ba Lan "Warszawa đoàn kết với Ukraina".

 

Chọn một chỗ khuất, tôi ngồi cùng chủ quán. Lướt mắt quan sát thực khách, tôi thấy hai cô gái trẻ đẹp ngồi ngay dưới chiếc nón Việt Nam, treo bên cạnh tấm bìa khẩu hiệu vẽ quốc kỳ và trái tim màu cờ Ukraina cùng hàng chữ tiếng Anh "Đoàn kết với Ukraina". Thấy ánh mắt tôi chăm chăm nhìn vào góc đấy, chủ quán cười nhẹ: "Hai cô đó xinh nhỉ. Gái Ukraina đấy! Hai cô vừa vào cảm ơn quán treo cờ và biểu ngữ ủng hộ tổ quốc của các cô rồi chọn chỗ đó ngồi, gọi món luôn." Tôi nghe vậy, liền đứng dậy tiến lại xin phép được chụp ảnh hai cô. Gương mặt hai cô rất tươi và đầy thiện cảm nhé!

Chỉ ít phút sau, thấy một đám lính đa sắc tộc, trắng có, đen có, vàng có, mặc trang phục lính NATO bước vào quán. Bạn tôi liền đứng dậy ra quầy hàng đón tiếp. Trong đám lính đó bỗng có một giọng nói tiếng Việt cất lên: "Chú ơi! Cháu muốn mua 12 cốc chè trân châu cốt dừa ạ." Bạn tôi tròn mắt: "Cháu là người Việt à?" Cậu ấy trả lời rất lễ phép: "Vâng ạ! Cháu tên là Hòa là người Mỹ gốc Việt, biên chế trong quân đội Mỹ nhưng mới sang Ba Lan đồn trú theo danh nghĩa quân đội NATO ạ." Thấy đây là dịp hiếm, tôi liền đứng dậy theo cậu ấy ra ngoài chụp bức ảnh khoe Phây búc.

 

Ngồi một lúc, thấy hai nữ sinh ước chừng 16,17 tuổi bước vào quán mua hai bát súp, trên ba lô đựng sách có treo hai dải lụa màu cờ Ukraina. Chẳng hỏi hai cô là người Ukraina hay Ba Lan, tôi cứ giơ iPhone lên chụp trộm bức ảnh từ phía sau để minh họa cho bài viết này.

Ngồi vừa ăn, vừa chém với chủ quán khoảng 3 tiếng, tôi đếm được chừng hơn 20 người Ukraina hoặc là ngồi ăn tại chỗ, hoặc là gọi món mang đi.

Đấy! "Không khí chiến tranh" tràn ngập thủ đô Warszawa, Ba Lan trong những ngày này thanh bình, đáng yêu như vậy đấy!

Warszawa, ngày 10/4/2022

TRẦN QUỐC QUÂN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.