dimanche 24 octobre 2021

Lê Huyền Ái Mỹ - Xây dựng lại “thương hiệu” thành phố: Bắt đầu từ đâu?

 

Trong cuộc họp trực tuyến với thành phố Thủ Đức và các quận huyện về tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021, chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nói: “Thời gian vừa qua, hình ảnh và “thương hiệu” TP HCM bị tổn thương nhiều. Cần làm mới và xây dựng “thương hiệu TP HCM”.

Đi qua một cơn đại dịch toàn cầu, bị tổn thương là điều không thể tránh.

Nhưng để “thành phố đã phải trả một cái giá không nhỏ” - như lời bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP nói hôm 18-10 thì nguyên do để “phải trả giá” lại cần được nhận diện, mổ xẻ và đúc kết thành những bài học thực tiễn cụ thể. Ở từng khía cạnh năng lực cán bộ, trách nhiệm chính quyền, khả năng tác động và mức độ tự chủ, tự quyết định của TP HCM trong khu vực - từ trung ương…

“Thương hiệu” TP HCM vốn đã định hình từ vùng đất mở Sài Gòn -Gia Định. Nếu chịu khó lật lại lịch sử và lắng nghe “đêm đêm rì rầm trong tiếng đất” của một dòng chảy văn hóa -kinh tế bản địa, kể cả những “lát cắt” rỉ máu lẫn trong mồ hôi đã đổ của những con người đã đi qua những tháng ngày “khủng hoảng trưởng thành của thành phố” - chữ dùng của bí thư thành ủy Nguyễn Văn Linh về những năm 1976-1979 - sẽ hiểu và biết để “hàn gắn” và “xoa dịu” những “tổn thương”, cũng như đừng để “phải trả giá” cho những điều khác nữa, không chỉ trong đại dịch.

Xây dựng “thương hiệu”, đừng chỉ nghĩ đơn thuần là làm đẹp cho nó, tô vẽ thêm cho “đậm đà bản sắc” vốn là đặc thù của thành phố -nó vẫn chỉ là những động thái bên ngoài, từ ngoài vào. Cái lõi giá trị, cũng là nguyên sơ nhất, bền bĩ nhất lại chính là từ bên trong. “Tốt gỗ” chính là giá trị cấu thành mọi hình ảnh, giữ gìn và phát triển tiếp nối, dù với bất kỳ “nước sơn” nào.

Vậy bắt đầu từ đâu? Từ con người.

Kêu gào cải cách thể chế, vẫn thế. Thôi thì cứ học theo cổ nhân: chánh pháp trong tay tà, có khi còn tà đạo bội lần. Tà pháp vào tay chánh thì sẽ được hóa giải, chuyển đổi thành chánh đạo.

Sài Gòn -TP HCM cần một cuộc “vượt vũ môn” về con người - đội ngũ cán bộ. Nếu không sàng lọc, thay đổi và tự kiểm định chất lượng -con người cán bộ, sẽ chẳng thể “hồi phục” nổi, huống gì là “tái thiết-phát triển”.

Xin nhận là kẻ “mơ mộng” và “thơ ngây” nhất để đồ rằng, trước tiên, hãy nhìn nhận một sự thật: không cần phải tham nhũng, kể cả “tham nhũng vặt” thì đa phần cán bộ lãnh đạo cũng đã có nhà cửa, có của ăn của (in ít) để. Chỉ cần không tư lợi, không “dòm ngó các cách” để làm khó dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư thì sẽ sáng suốt tìm ra được cách tháo gỡ các cơ chế, quy định, điều kiện.

Chỉ cần trung thực, mạnh dạn có ý kiến ngăn ngừa, chặn đứng các kiểu tham mưu, vẽ rồng thêm rắn để tạo lực cản cho sự phát triển vốn tự thân của dòng chảy kinh tế tư nhân. Chỉ cần tin chắc vào “chân lý”: không “ăn”, không bỏ túi của công thì có làm trật, thừa nhận đã làm trật nhưng không có gì phải sợ.

Để đảm bảo cho “chân lý” này tồn tại thì từng vị trí lãnh đạo, người đứng đầu phải đặt cược sinh mệnh chính trị để bảo vệ, thúc đẩy cho xu hướng tiến bộ, thái độ chính trực lên ngôi.

Tôi nhớ hôm cao điểm chống dịch, bà bí thư quận 6 “xé rào” có nói một ý rất đúng: muốn dám làm thì phải hiểu để biết làm, làm cho trúng. Phải hiểu để biết việc mình sẽ làm, đừng nhắm mắt làm cho lại “ý chí chính trị”.

Học hành không phải chỉ để thâu tóm tri thức, mà từ tri thức ấy hình thành tư duy và phương pháp làm việc, biết tiếp nhận thông tin, xử lý và chọn lọc thông tin trong việc lắng nghe, phản biện, xây dựng trước khi ra quyết định.

Làm lãnh đạo, người ban hành các quyết sách tác động đến xã hội, sợ nhất là “trả cái giá không nhỏ” bởi chính sự thiếu hiểu biết và “đốt cháy” bằng sự thiếu hiểu biết ấy. Trong 5 vi phạm của “thời kỳ khủng hoảng trưởng thành của thành phố”, ông Mười Cúc - tức bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói cái vi phạm thứ ba: “là chúng ta không đủ hiểu biết về lịch sử của quá trình hình thành và vai trò của nền công nghiệp thành phố trong cơ cấu công- nông nghiệp khu vực…”. Cũng như “chúng ta chưa nhận thức được thực trạng kinh tế -xã hội của thành phố qua 21 năm sống dưới chế độ thực dân mới, đã là một khu vực có trình độ phát triển tư bản chủ nghĩa nhất định… Cho nên thay vì rút kinh nghiệm để giữ cho quy trình sản xuất tiếp tục vận hành và phát triển thì chúng ta lại vội vàng lên án, vội vàng sửa đổi cơ chế của nó, phủ nhận từ khoa học quản lý đến quy trình kỹ thuật…” - vi phạm thứ hai.

Và quan trọng, đừng khư khư ôm mãi cái ghế, sợ bị đánh giá, bị mất ghế, phế chức, cái gì cũng không dám nói, hoặc nói vo tròn, nói vuốt đuôi, nói lấy lòng người đang “thắng thế”, “phe mạnh”.

Vì sao giới trí thức, văn nghệ sĩ thành phố vẫn nhắc nhớ về ông Mười Cúc, Sáu Dân, Sáu Thảo, Hai Tân, Sáu Tường…? Vì ở cương vị người lãnh đạo đảng, ủy ban, người làm văn hóa, phụ trách tuyên giáo… trong những thời điểm cam go, họ không nói vo tròn cho các phía, họ có chính kiến, biết lắng nghe cơ sở, thấu hiểu anh chị em, bảo vệ từng con người như là “tài sản của thành phố”.

Họ ít nói những lời “cho có”, càng hiếm hoi nhận về mình những lời “có cánh”. Họ tường minh trong lý lẽ, sau trước trong hành xử. Chẳng cơ hội với người trên, không thị uy với người dưới.

Tôi, dù muốn dù không vẫn phải đặt để họ cạnh những con người đang giữ những vị trí tương xứng hôm nay - đơn cử ở lãnh vực văn hóa -tư tưởng. Tôi không rõ quý vị lãnh đạo, phụ trách lãnh vực này có tự hỏi mình, có tự trăn trở và cả… lo sợ, nhất là chiếc áo mình đang mặc nó quá rộng hay không để người ngoài cứ thấy nó lụng thụng, vụng về, có che che giấu giấu cỡ nào thì cũng là cái “hình hài” đang loay hoay, cục cựa, màu mè, quàng xiêng, ngả nghiêng…

“Thương hiệu” thành phố sẽ được viết như thế nào từ những “tầm cao” tư duy, tri thức và nhất là bản lĩnh của một người làm văn hóa - chính trị như thế?

Đó là chưa nói đến hệ thống cơ sở, vốn đã “ngấm sâu trong cộng đồng”, nếu không bắt đầu từ nền tảng con người - cán bộ, với những đòi hỏi sống còn thì có bao nhiêu tâm huyết, bao năm nỗ lực, cái “thương hiệu” ấy cũng chỉ là thứ “nước sơn” cho mỗi một nhiệm kỳ. Còn sự bền vững trường kỳ của một thể chế, một chế độ, một đất nước, lại là phải là “tốt gỗ” ở mỗi cán bộ, người cầm quyền.

LÊHUYỀN ÁI MỸ 24.10.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.