mardi 14 septembre 2021

Phạm Lan Phương - Từ bao giờ, trở về quê nhà lại thành tội đồ ?

 

Nếu chúng ta cần một câu chuyện cảm động đến mức phải rống riết tưởng tượng ra bác sĩ Khoa thần thánh rút ống thở để làm quay quắt trái tim hàng ngàn người, thì có lẽ video 15 người ngồi trong chiếc xe đông lạnh để về quê này xứng đáng khiến ta phải rùng mình hơn tất cả.

Trong video clip mà VnExpress đăng, họ nằm ngồi giữa đống hành lý ngang dọc, khúm núm đeo khẩu trang. Bước xuống xe, vài phụ nữ lảo đảo. Một em trai chừng bảy tám tuổi phải được cha bế xuống, dáng người gầy gò. Họ tìm đường về quê, tay cầm lăm lăm những tờ giấy xét nghiệm âm tính. Báo Tiền Phong viết “ yêu cầu cả ba lái xe đưa người quay về nơi xuất phát”.

Những bài báo xuất hiện liền tiếp nhau trên Google tìm kiếm, với những cái tựa đầy hàm ý tội đồ: “Nhét 15 người, cả trẻ em trong thùng xe đông lạnh để 'thông chốt' về quê”, “15 người trốn trong xe đông lạnh để về quê”, “Sốc: 15 người có cả trẻ em trong thùng xe đông lạnh 'thông chốt’.

Zing có lẽ là tờ mạnh mồm hơn cả: “Giấu 15 người trong thùng xe đông lạnh hòng thông chốt kiểm dịch”. Báo Tuổi Trẻ, có lẽ để đúng với thông điệp hành động không ngần ngại viết "Xe tải nhét 15 người trong thùng đông lạnh để thông chốt 'như phim'"

Không có phóng viên nào đổ xô tới chảy nước mắt đớn đau, quằn quại khóc thương cho những người muốn về quê không còn chốn dung thân nhưng cũng chẳng nơi quay về. Không một nhà đài nào chĩa camera hỏi em ngồi trong thùng xe tối đó có sợ không, nhà em ở đâu, tiền đâu để em sống sót qua mùa dịch này nếu không về quê.

Các nhà báo thật thừa thãi nước mắt khóc cho nhân vật cổ tích giả đò trên mạng, nhưng lại đủ sức hạ bút tàn nhẫn trước những gương mặt người có thật. Những số phận thật. Những hành trình ngộp thở và liều lĩnh có thật. Không ai muốn nhìn thấy câu trả lời vì sao họ phải liều mạng vậy? Không ai hỏi vì sao họ phải trả 700 ngàn, phải ngồi xổm trong thùng xe tối, phải chịu ngạt thở để hòng qua trạm thông chốt.

Không một tờ báo nào hỏi thêm gì 15 mặt người có thật đó, ngoài một chiếc clip cẩu thả quay từ góc máy của công an giao thông - cầm dùi cui chỉ trỏ. Họ không được hỏi tên, mà đếm thành số, như lùa một bầy người vô danh xuống khỏi thùng xe. Hình ảnh ấy, với các tờ báo là "như phim".

Chẳng anh phóng viên nào buồn cúi xuống nhìn người dân bằng ánh mắt và gương mặt họ. Những phụ nữ quần ống thấp ống cao đó không thể kiện cáo, không thể lên tiếng, không thể đòi quyền được trở về quê nhà. Tiền trọ đã hết, việc không còn, gạo không có ăn, lời hứa bộ đội đưa cơm thấp thoáng trên ti vi nhưng không tới được họ. Họ biết đi xét nghiệm để có kết quả âm tính. Họ hiểu sự trở về là liều lĩnh nên phải ngồi thùng xe đông lạnh.

Họ còn biết, không ai cứu họ trừ những bàn tay và mái nhà ở quê xa tít.

Nhưng họ đã bị tối giản thành những con số, bị gắn lên cổ những tờ chỉ thị nhiều con số, bị mang tội “sốc”, “Giấu”, “Nhét”, “Thông chốt”, “trốn”.

Chúng ta hẳn đã quên 39 người Việt Nam chết cóng trong chiếc xe tải container vượt biên vào Anh Quốc năm 2019. Những người trẻ đó đi rất xa để mang kỳ vọng sung túc về cho quê nhà. Họ đổi mạng sống vì hai chữ quê hương đó.

Còn nay, chúng ta biết 15 người có thân phận chẳng khác xa lắm bao nhiêu, bị những tờ báo trên chính quê hương họ gọi là “trốn về quê”. Lẩn lút. Gian manh. Tội ác.

Từ khi nào quê nhà trở thành tội?

Từ khi họ chỉ là những con số - đếm từ 1 đến 15- đuổi về nơi xuất phát - chứ không phải những người mất miếng mưu sinh phải cụt ngõ về lại quê nhà.

PHẠM LAN PHƯƠNG 13.09.2021 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.