dimanche 12 septembre 2021

Phạm Hoàng Thiên - Nghề Y, nghề của Máu và Nước Mắt!

 

Mấy hôm nay cứ cắm đầu đọc tài liệu, tìm hiểu đủ thứ về điều trị Covid, không có thời gian mà xem gì khác. Sáng ra đàn em nó đưa cho một cái công văn của bộ Y tế, lãnh đạo cấp cao nhất của ngành y khoa.

Đọc xong mà mình muốn dâng hai tay cái chứng chỉ hành nghề bác sĩ cho quý vị luôn, quý vị nghĩ cái chứng chỉ này là tờ giấy rác, thích thì thu hồi. Ừm, cũng đúng, một tờ giấy hành xác biết bao nhân viên y tế, đưa ra công văn như vậy, chứng tỏ quý vị biết để có được nó, chúng tôi đã bị hành hạ ra sao.

Thật là khốn nạn, nhưng nó phản ánh một thực tế phũ phàng cách đối xử với nhân viên y tế trong mùa dịch. Mà không, từ những ngày đầu bước chân vào hành nghề, mình đã thấy rõ những điều này, nhất là ở bệnh viện công rồi.

À, mình thấy bộ Y tế hình như là viết dư? Tại mục số 2 ghi rõ là quyền và nghĩa vụ. Mà không, chắc chắn viết nhầm, chắc hẳn chữ "quyền" phải là từ "trách nhiệm" mới đúng.

 

Vâng, không biết các vị có chứng kiến, có đứng trước những ca nguy kịch, hấp hối rồi ra đi ngay trước mặt không, chứ riêng mình, còn nhiều hơn quý vị ăn cơm, uống nước. Đó là mình còn vô cùng vững vàng đấy nhá, vì bản thân là bác sĩ cấp cứu, việc chứng kiến bệnh nhân tử vong là chuyện hằng ngày. Nhưng trong tâm dịch này, cũng chịu không nổi, có những lần, chỉ trong 1-2 tiếng đồng hồ, mà tận 4-5 bệnh nhân tử vong, phải nói là có thần kinh thép.

Mà có lẽ, sắt thép nào cũng tan chảy cả thôi, số bệnh nhân tử vong mà mình chứng kiến trong tâm dịch, đã vượt rất xa con số mà một người bình thường có thể chứng kiến trong cả cuộc đời họ. Chả nói đâu xa, ngay giữa đêm qua, 5 bệnh nhân ngừng tim và 5 bệnh nhân nguy kịch dọa tử vong. Tất cả diễn ra chỉ trong vài tiếng, lúc đó quý vị ở đâu??? Từ ngày vượt qua hàng trăm vào tháng 8, thì mình không dám đếm nữa, vì không còn nước mắt mà khóc. Lệ như chực trào, nhưng mắt đã khô vì bao đêm thức trắng.

Hay quyền mà quý vị nói đến, là buộc phải chọn hồi sức cho ai? Nếu có thể, mình vô cùng tình nguyện trao cho quý vị cái quyền đó. Mỗi đêm trực cấp cứu, bệnh nhân Covid lẫn không Covid đâu có ngừng vào. Sức người và số nhân lực thì có hạn, thiết bị thì thiếu thốn, chỉ có 2-3 bệnh ngưng tim thì còn cố hết sức, nhưng 4-5 bệnh nhân ngưng tim một lúc thì phải làm gì???

Chỉ riêng cái monitoring theo dõi bệnh nhân nguy kịch sau ngừng tim thôi là đã không có đủ rồi. Nhân viên y tế cũng là người, chỉ có hai bàn tay mà thôi, nào phải thánh nhân mà có thể cứu bệnh nhân bằng lời ban ân hay cầu nguyện.

Mình vô cùng hiểu cảm giác bất lực, nát con tim khi chứng kiến từng bệnh nhân ra đi. Áp lực vô cùng, nên việc nhiều nhân viên y tế (NVYT) trầm cảm, loạn thần, hay muốn nghỉ ngơi là điều vô cùng dễ hiểu.

Mình nhớ rất rõ những ánh mắt, những lần nắm chặt tay những người bệnh tử vong đầu tiên trong nước mắt khi mới bước chân vào hành nghề bác sĩ. Một cảm giác bất lực và tuyệt vọng, rồi tự dặn lòng phải đọc, phải học nhiều hơn... Nhưng có lẽ với những người chỉ làm bàn giấy, nó chỉ là những con số mà thôi, nên họ vô tâm, sẵn sàng đạp thẳng những nhân viên y tế đang trên bờ vực xuống địa ngục.

Chắc đây là quyền lợi mà quý vị muốn nói đến, chứ mình chẳng thể nào liên hệ đến điều gì khác.

Hay là phụ cấp chống dịch nhỉ? (300 ngàn/ngày và 120 ngàn/ngày tiền ăn?)

Vậy thì càng nhầm, đến tận giờ, mình chưa nhận được một xu nào từ nó. Và đâu phải riêng mình, rất rất nhiều nhân viên y tế của nhiều bệnh viện đã và đang chống dịch, chưa nhận được gì, hoặc nhận không đúng như những gì công văn hay báo chí đã công bố. Nhiều NVYT, chống dịch cả tháng trời, cũng chỉ có 1 triệu/tháng (vì bản chất là có những bệnh viện đã cố gắng tự bỏ tiền ra chi cho NVYT). Có lẽ đến khi thành liệt sĩ chăng?

Rất nhiều người cứ ngỡ NVYT nhận được rất nhiều thứ. Có chú bảo mình: Hết dịch là con giàu rồi, đủ tiền kiếm vợ!! Có cô thì nói: NVYT thiếu gì đồ ăn, nhà nước lo hết ngày ba bữa, sướng nhé!! Ơ, ra là nhiều người nghĩ thế, nào biết sự thật đằng sau là những mạnh thường quân, từ thiện xã hội mới là người đã lo cho nhiều bệnh viện, nhiều NVYT, mình vô cùng cảm ơn (cũng gần một tháng rồi, trưa ăn cơm gà, tối ăn hủ tiếu). Còn tiền cưới vợ, chắc kiếp sau con kiếm, chứ kiếp này e là chẳng còn sức, tóc muối chấm tiêu rồi chú ạ, có ma nó nhìn.

Vậy mà còn đỡ, tội nhất là mấy em nhỏ sinh viên lẫn các em mới tốt nghiệp bác sĩ, chưa có chứng chỉ hành nghề. Thì xác định luôn, có hợp đồng với bệnh viện nào đó rồi thì còn đỡ, đi chống dịch vẫn còn có chút lương, mỗi tháng được hơn 3 triệu. Chưa có tên trên hợp đồng bệnh viện, thì may mắn sẽ được 1 triệu, còn tệ hơn thì đến giờ vẫn không xu dính túi nhé. Ấy vậy mà vẫn rất rất nhiều em xung phong, tình nguyện. Thực sự tự hào vì các em.

Chống dịch như chống giặc? Nhân viên y tế phải biết hy sinh?

Vâng, chống dịch như chống giặc, NVYT là chiến sĩ, thế cho hỏi: NVYT có được đối xử như các chiến sĩ bộ đội? Học Y 6 năm, hiện học phí mỗi năm 40-60 triệu. Ra trường đi thực tập 2 năm để có chứng chỉ hành nghề: phí thực tập mỗi tháng 3 triệu, sau đó thử việc 2-12 tháng, lương cơ bản 2.34 là hơn 3 triệu/tháng trong 3 năm. Tính trung bình ít nhất 10 năm mới có thể làm ngoài giờ, tăng ca để có thêm thu nhập.

Vậy trong 10 năm đó, tính cả tiền ăn, tiền ở, đi lại, không tụ tập bạn bè, không đau ốm, chỉ chăm chăm ăn ngủ học, thì ra trường sẽ mất tầm 1 tỉ đồng, gia cảnh khó khăn thì sẽ phải nợ ngân hàng. Còn học trường quân sự 4 năm, học phí nhà nước lo, lương ra trường gần gấp đôi, mà thôi, có quân đội thì đất nước mới yên ổn được, ko nên so đo.

Quý vị muốn thu hồi chứng chỉ hành nghề nếu nghỉ việc à? Không biết là dựa trên điều nào của luật pháp hiện hành ở Việt Nam, theo như mình biết, thì chỉ còn 2 điều có thể tước chỉ hành nghề:

1. Không đủ sức khỏe để hành nghề: Cũng đúng, làm như con thiêu thân, đốt sức khỏe lẫn tuổi thọ để cứu bệnh nhân, làm 1 tháng mà chả khác gì vài năm. Ừm, đã thế còn bị trầm cảm, loạn thần thì thu hồi chỉ hành nghề quả là không sai. Chanh hết nước rồi, bỏ vỏ thôi.

2. Đang bị truy cứu hình sự: Chà, nếu chiếu theo điều này, thì nghe cũng ghê đấy. Nhưng mình thấy còn tốt hơn hiện tại, đi tù nhà nước lo cơm ngày 3 bữa, không phải nghĩ ngợi nhiều. Đâu có phải chứng kiến bệnh nhân thở ngáp, không còn phải thấy ai tử vong trước mặt mình, nhiều khi đó mới là hạnh phúc.

Thôi, nói vậy là nhiều rồi, chỉ muốn nhắn nhủ:

Em nào muốn học Y, hay bậc cha mẹ nào muốn con mình trở thành bác sĩ Việt Nam, hãy tìm hiểu và suy nghĩ kỹ càng trước khi quá muộn.

Giờ thì ngủ thôi, rồi còn dậy để đọc và dịch sách, nghiên cứu để tiếp tục điều trị nhiều bệnh nhân khác, không thì ngọn lửa trong tâm mình bị quý vị dập tắt mất.

BS PHẠM HOÀNG THIÊN 07.09.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.