samedi 18 septembre 2021

Nguyễn Lân Hiếu - Phong tỏa vô tội vạ

 

(VnExpress 18/09/2021) Cảm xúc khi thấy những rào chắn đầu tiên bị gỡ bỏ sẽ là kỷ niệm khó quên trong đời tôi.

Hình ảnh rào chắn, dây chăng cũng đã gắn với giai đoạn đặc biệt của nhiều người. Trên khắp đất nước, chúng ta đã có quá nhiều khu cách ly tập trung, vùng cách ly trong cộng đồng.

Nhưng cho đến lúc này, việc khoanh vùng phong tỏa, cách ly vô tội vạ những khu vực dân cư chỉ vì có một hay vài ca F0 đã không còn hợp lý. Chúng ta đã chứng kiến sự khốn cùng của người dân khi bị phong tỏa cứng nhiều ngày để tin rằng, phương thức chống dịch đó hoàn toàn không nên lặp lại.

 

Cuối tháng Tư năm nay, tôi đã là một trong những người lên tiếng mạnh mẽ rằng cần nhanh chóng giãn cách xã hội cách triệt để, hướng tới mục tiêu "Zero Covid" ở nước ta. Nhưng khi virus đã tấn công hàng trăm nghìn dân ở Sài Gòn, Bình Dương, tôi nhận ra, việc mong quét sạch Covid khỏi Việt Nam là điều không thể.

 

Ở một số tỉnh, thành còn nhiều ca nhiễm, ta đều biết không thể tách hoàn toàn F0 khỏi cộng đồng. Để giảm thiểu sự tổn thất cho dân chúng, việc quản lý lây nhiễm nên thực hiện tính toán theo từng đơn vị nhỏ nhất có thể như một ngõ hẻm, một khu phố, thôn, tổ dân phố và cụm dân cư.

 

Cách tiếp cận mới là: thay vì cách ly cả một phường, chính quyền chỉ lựa chọn số người, số hộ nhất định cần phong tỏa, cách ly khi có ca nhiễm. Việc xác định phạm vi này hãy để cho các nhà dịch tễ học quyết định, dựa vào hoàn cảnh thực tế của địa phương.

Dù việc triển khai các khu cách ly tập trung là chiến lược được nhiều nước và Việt Nam lựa chọn khi mới bị Covid xâm nhập, nó cũng đã hỗ trợ chúng ta đi qua ba mùa Covid tương đối bình an.

Nhưng hôm nay, sống cùng virus tức là chúng ta thống nhất được với nhau rằng, việc bóc toàn bộ F0 đưa vào khu cách ly tập trung không còn phù hợp. Không có cơ sở cách ly nào có thể chứa nổi, không có bộ máy nào vừa lo sinh hoạt vừa chăm sóc y tế chu đáo cho những khu tập trung hàng ngàn người.

Đám cháy bởi biến thể Delta có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn cháy rừng, vỡ đê rất nhiều lần. Thay đổi cách khoanh vùng phong tỏa, cách ly và quản lý di chuyển của dân chúng chính là chìa khóa thay đổi cách phòng, chống dịch. Làm được điều này, chúng ta mới có thể sống chung với Covid-19 một cách yên ổn mà tôi cho rằng trách nhiệm thay đổi đầu tiên ở các lãnh đạo địa phương.

Covid không có hộ khẩu nên nó chẳng biết ranh giới giữa các phường, quận, các tỉnh, thành mà tránh ra. Hai vùng tiếp giáp với nhau mà chính quyền địa phương vẫn còn chọn cách tiếp cận khác nhau chính là mồi ngon cho virus nhân rộng. Tâm lý cục bộ, chỉ lo bảo vệ "vùng xanh thành tích" của mình vô tình khiến những người có trách nhiệm làm ngơ những dấu hiệu nguy cơ của xã, phường, huyện, tỉnh lân cận. Với biến thể Delta, tư duy cục bộ theo "địa giới của tôi" không thể ứng phó nổi.

Tỉnh Bình Dương tuần này bắt đầu mở cửa trở lại theo nguyên tắc "xuống thang" như thông lệ quốc tế hay gọi. "Lên thang" thế nào sẽ xuống như vậy, không quá vội vã nhảy liền 2-3 bậc, nhưng cũng không dừng mãi trên một nấc. Nghĩa là nới lỏng giãn cách từ từ với các hoạt động cụ thể, tiêu chí cụ thể, bám sát khoa học và thực tiễn.

Những vùng xanh - nơi tỉ lệ phát hiện ca dương tính cộng đồng giảm liên tiếp, không phát hiện ổ dịch mới, số ca nhập viện giảm rõ rệt, các bệnh viện tầng một và hai vận hành an toàn, còn đủ số giường để tiếp nhận các bệnh nhân trở nặng. Tại đây, dân chúng sẽ được mở dần các hoạt động mà Chỉ thị 16+ không cho phép. Cứ sau ba ngày, các số liệu thống kê được tổng kết lại để xem xét nới lỏng tuần tiếp theo. Trước đây cấm các hoạt động thế nào, nay mở ra dần dần như vậy. Tôi nghĩ lộ trình này cũng nên áp dụng rộng rãi với mọi địa phương.

Giai đoạn đầu, chính quyền có thể cho những người đã tiêm đủ hai mũi vaccin hoặc một mũi nhưng đã đủ thời gian vaccine phát huy tác dụng, F0 đã khỏi, người không có yếu tố nguy cơ tăng nặng đi làm trở lại. Thực tế, chưa có bệnh nhân nào được tiêm đủ hai mũi vaccin phải nhập ICU của chúng tôi.

 

Bình thường mới có nghĩa là không bao giờ trở lại như cũ, nhưng ta đều sẽ được trở lại sinh hoạt, học hành và làm việc với điều kiện nghiêm túc thực hiện 5K.

Với các biến thể khác nhau, tốc độ lây lan cũng như mức nhiễm cộng đồng hiện nay, việc chấp nhận virus như một phần của cuộc sống đã hiện hữu. Chỉ có ổn định ba tầng điều trị, tăng cường "phủ" vaccin, chúng ta mới có thể mở giãn cách dần dần. Và vì vậy, chiến lược điều trị Covid của Việt Nam cũng cần bài bản lại.

Tôi đề nghị Chính phủ coi Covid là một chuyên ngành y khoa mới như những chuyên ngành khác. Trong quá khứ, câu "chửa cửa mả" chỉ việc mang thai và sinh nở tự nhiên khiến tỉ lệ tử vong rất cao, nhờ chuyên ngành phụ sản phát triển, tỉ lệ tử vong sinh sản còn rất thấp. Trước đây, chúng ta chỉ có khoa Nội, khoa Ngoại, nhưng bây giờ, những chuyên ngành lẻ như tim mạch, thần kinh, hô hấp... rất phát triển. Các bệnh lý được điều trị theo chuyên khoa sâu với việc hiểu rõ bệnh sinh, giải phẫu bệnh, sinh lý bệnh, diễn biến, biến chứng, thuốc, vaccin giúp sức khỏe cộng đồng được cải thiện.

Chuyên ngành Covid cũng cần xây dựng như vậy để Việt Nam có thể chung sống với virus đặc biệt nguy hiểm này. Chúng ta đã có đủ điều kiện để thực hiện, chỉ cần tập hợp lại thành một hệ thống hoàn chỉnh, có thể do các bác sĩ truyền nhiễm làm nòng cốt.

Nhiều tài liệu về những khía cạnh khác nhau của Covid đã được viết ra bằng tiếng Việt đã cho thấy thế mạnh của chuyên sâu. Bản thân nhóm chúng tôi cũng đang tập hợp các chuyên gia đa lĩnh vực để ra đời sớm nhất một cuốn sách tham khảo về Covid-19. Cần thêm cơ chế rõ ràng từ Bộ Y tế, hướng đi này sẽ thành công.

Khi đó, những hàng rào sắt, những barrie lạnh lùng vô cảm sẽ được thay bằng những hàng rào thu hẹp tối thiểu vùng phong tỏa có F0, hàng rào y tế là các bệnh viện phân tầng linh hoạt sẵn sàng ứng phó với virus lâu dài.

Khoa học là chìa khóa để loài người tồn tại đến hôm nay. Vì thế, cuộc sống có tiệm cận bình thường nhất hay không, ta phải tin và hành động theo khoa học.

BS NGUYỄN LÂN HIẾU

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.