samedi 25 septembre 2021

Khủng hoảng tàu ngầm Úc-Pháp : Hậu trường một vụ đi đêm


Đăng ngày:

« Vụ phản bội thế kỷ » được Úc chuẩn bị từ một năm rưỡi


Nhật báo cánh hữu Pháp cho rằng ngay cả các tác giả đã sáng tạo ra nhân vật James Bond cũng không hình dung được một kịch bản như thế, nhưng họ có thể đặt tít cho thương vụ tàu ngầm Úc là « vụ phản bội thế kỷ ». Pháp là nạn nhân của vụ lừa đảo ngoại giao chưa từng thấy của đồng minh, thế nên có thể hiểu được sự phẫn nộ của Paris, và vụ này sẽ còn để lại dấu ấn lâu dài, nhất là đối với Úc.

Chính thủ tướng Úc Scott Morrison, còn được gọi tắt là « ScoMo », là nguyên nhân. Cách đây 18 tháng, tại Canberra, ông Morrison đã đề ra kế hoạch thay thế cho việc mua tàu ngầm Pháp, sẽ gắn bó Úc với Pháp trong 50 năm. Theo một nguồn tin ngoại giao, trước thái độ hiếu chiến của Trung Quốc, Úc lo sợ bị bao vây, và thủ tướng đã đặt ra vấn đề lâu nay vẫn là cấm kỵ tại Úc : tại sao lại không mua tàu ngầm nguyên tử ? Chỉ có ba nhân vật khác được biết ý định này: tổng tham mưu trưởng quân đội Angus Campbell, bộ trưởng Quốc phòng Greg Moriarty và tổng tư lệnh Hải quân, đô đốc Michael Noonan.

Động thái tiếp theo là rủ rê thủ tướng Anh Boris Johnson. Tháng 3/2021, đô đốc Noonan tham khảo đồng nhiệm Anh về khả năng mua tàu ngầm nguyên tử Mỹ, được cho là nhanh và bền hơn Barracuda của Pháp. « BoJo » liền tham gia vào dự án sẽ giúp đặt chân vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, và chiến dịch « Hookless » chỉ được khoảng mươi người biết đến, trong đó có bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng. Cho đến giai đoạn này, Mỹ vẫn chưa hay biết.

Đến tháng 6/2021, tại hội nghị G7 ở Cornouailles (tức Cornwall, Anh), dù tay bắt mặt mừng với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bên lề hội nghị « BoJo » và « Sleepy Joe » cùng với « ScoMo » họp riêng, không cho báo chí chụp ảnh để bàn bạc về liên minh AUKUS. Phía Mỹ cũng chỉ có rất ít người ở Nhà Trắng biết được kế hoạch bí mật này, và đến khi được công bố hôm 15/09, không ít quan chức tỏ ra khó xử với đồng minh Pháp.


Bí mật với Paris đến phút chót

Một nguồn tin thân cận với hồ sơ nhận xét, có thể thông cảm với một nước hủy bỏ cam kết vì lợi ích quốc gia, nhưng làm mọi cách để qua mặt đồng minh trong suốt một năm rưỡi thì khó thể chấp nhận. Úc còn là đồng minh đặc biệt : chính tại một căn cứ quân sự Úc mà ông Emmanuel Macron đã trình bày chiến lược Pháp ở Ấn Độ-Thái Bình Dương hồi năm 2018.

Chưa kể là sau G7 tổng thống Pháp hôm 15/06 cũng đã hội đàm với thủ tướng Úc tại Paris, nhưng vấn đề tàu ngầm không hề được đề cập đến. Ngoại trưởng và bộ trưởng Quân lực Pháp nêu ra tin đồn, thậm chí đề nghị xem xét lại hợp đồng và thảo luận về tàu ngầm năng lượng nguyên tử, nhưng không có câu trả lời từ Úc. Về phía Mỹ, 10 ngày sau khi ông Scott Morrison thăm Paris, ngoại trưởng Antony Blinken trong cuộc họp với tổng thống và ngoại trưởng Pháp cũng khẳng định hợp đồng tàu ngầm Úc được Washington coi là cột trụ trong cam kết của Pháp tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Trong thương vụ tàu ngầm, cũng như tất cả các quan hệ chiến lược khác kéo dài nhiều thập niên, cần chuyển giao bí mật công nghệ và có sự tin cậy lẫn nhau, đôi bên vẫn đối thoại thường xuyên. Pháp khẳng định tất cả các vấn đề phát sinh đều đã được giải quyết, phía Úc cho biết Quốc hội đã bật đèn xanh cho việc tiếp tục hợp đồng, và 15 ngày trước đó, hai bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Úc tái khẳng định với Pháp. Chỉ vài giờ trước khi loan báo về AUKUS, thủ tướng Úc mới gởi thư cho Emmanuel Macron về việc « xù đẹp » hợp đồng.

Một loạt những dữ kiện khiến ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian vốn hòa nhã, « uốn lưỡi bảy lần trước khi nói », đã phải tố cáo Úc và Mỹ là « dối trá, hai mặt », còn Anh là « cơ hội ». Nhưng tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ông Joe Biden muốn làm quên đi vụ Afghanistan và tàu ngầm Pháp, nhấn mạnh đến việc giúp đỡ các nước nghèo để giảm khí thải gây ô nhiễm và vac-xin, để ve vãn nhiều đối tác của Mỹ.


Biden, người kế tục thiếu kiên nhẫn của Obama, hoài nghi Pháp ?

Cựu đại sứ Pháp Michel Duclos, nay là cố vấn Viện Montaigne, đặt vấn đề trên Le Monde, phải chăng các nhà lãnh đạo Pháp có lý khi bi kịch hóa vụ tàu ngầm, và có nên so sánh vụ này với cuộc khủng hoảng Irak năm 2003 ? Theo ông Duclos thì đúng vậy, trong một chừng mực nào đó.

Với Irak, vấn đề là Mỹ đã qua mặt Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Còn giờ đây là ý định của Washington làm thăng bằng cán cân tại Ấn Độ-Thái Bình Dương để chống lại Trung Quốc, nhưng ưu tiên cho đồng minh này và loại bỏ đồng minh kia. Trong vụ đưa quân vào Irak, phía Pháp đã đoán được sớm, nhưng lần này thì hoàn toàn bị lừa. Paris phải trả giá cho việc coi Biden là người kế tục chính sách của Trump « chỉ thiếu có Twitter » (theo lời ngoại trưởng Le Drian), tuy nhiên trên thực tế, Biden là người kế tục của Obama, nhưng quyết đoán hơn và vội vã hơn.

Trong thời gian chuyển tiếp giữa hai chính quyền cũ và mới, Paris đã ủng hộ thỏa thuận đầu tư Liên hiệp Châu Âu-Trung Quốc (cuối tháng 12/2020) mà bà Merkel mong muốn. Washington cũng cảm thấy Đức và Pháp nhập nhằng trong cách thức đối phó với Trung Quốc. Thế nên Nhà Trắng mới lấy lòng Đức qua việc thỏa hiệp về đường ống Nord Stream 2, tranh thủ Anh đang tỏ ra cứng rắn với Bắc Kinh, và không quan tâm mấy đến Liên hiệp Châu Âu cũng như Pháp.


Bối cảnh đối đầu giữa Bắc Kinh và phương Tây

Theo tác giả, Paris có lý do để giận dữ, vì chính Pháp là nước thúc đẩy chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhằm tăng cường năng lực quốc phòng của các quốc gia bị Trung Quốc đe dọa. Nếu chính quyền Biden thực sự muốn tạo lập một mạng lưới liên minh để đối phó với Bắc Kinh, thì trong vụ này họ đã tỏ ra vô trách nhiệm, khiến một đồng minh đáng kể có thể chống lại mình, đồng thời làm yếu đi NATO, bị đặt trước việc đã rồi.

Cựu đại sứ cho rằng trước hết cần lập ra cơ chế tham vấn giữa châu Âu và Hoa Kỳ, một hiến chương xuyên Đại Tây Dương cho thế kỷ 21. Tiếp đến là có sự phối hợp về chiến lược tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, với bảo đảm tối thiểu không đi ngược lại lợi ích của đồng minh châu Âu trong khu vực. Liệu Pháp có nên bác bỏ những đề nghị loại này ? Theo ông Michel Duclos, cần ý thức được thời điểm quan trọng hiện nay, với sự phân cực rõ rệt giữa Trung Quốc và phương Tây. Đây có thể là bài học chính của vụ tàu ngầm Úc.

Ngược với những ý kiến phê phán, luật gia Eric Gardner de Béville trên Les Echos không coi đây là « hợp đồng thế kỷ ». Tuy trị giá 90 tỉ đô la, nhưng là đô la Úc, nếu tính ra đô la Mỹ phải giảm đi 30%. Theo ông, không thể vì vài chiếc tàu ngầm mà quên đi quan hệ đồng minh Pháp-Mỹ đã có từ trên 250 năm qua. Luật gia cũng nhắc nhở, không có sự đóng góp về quân sự và kinh tế của Pháp thì Mỹ không thể thắng trong cuộc chiến tranh độc lập với Anh (1775-1783), trong đó 2.112 quân nhân Pháp đã hy sinh trên đất Mỹ, một con số không nhỏ vào thời đó.


Pháp, cường quốc biển cũng muốn ngáng chân Trung Quốc

Hai nhà nghiên cứu Valérie Niquet và Marianne Peron-Doise trong bài viết trên Le Monde nhấn mạnh, tầm vóc vụ này vượt quá lợi ích kinh tế, cho rằng tính chiến lược rất kém trong xì-căng-đan vừa rồi của Washington. Chính tại Úc, năm 2018 tổng thống Pháp đã đề ra một « trục Ấn Độ-Thái Bình Dương » gồm Pháp, Ấn Độ và Úc nhằm đối trọng với tham vọng bành trướng trên biển của Bắc Kinh, tập hợp các cường quốc trung bình, trong lúc chính quyền Trump đơn phương hành động trước Trung Quốc gây lo ngại. Vào lúc đó, Úc vẫn còn do dự không muốn tham gia nhiều vào Quad (Bộ Tứ), đối thoại an ninh Mỹ, Nhật, Ấn, Úc.

Ngay khi được ký, hợp đồng mua 12 tàu ngầm đã vấp phải sự phản đối. Tuy vậy, đối với Hoa Kỳ và các thành viên Quad, các nước Đông Nam Á, đây là một sự cam kết của Pháp tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Pháp cũng tham gia vào tất cả các kỳ Đối thoại an ninh Shangri-La từ 2012, bộ trưởng Quốc phòng Pháp luôn nêu ra tự do hàng hải, tôn trọng luật quốc tế và đa phương – các giá trị luôn được Washington nhấn mạnh. Paris là động lực của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của châu Âu, mà sự tình cờ đáng buồn khiến chiến lược này được công bố đúng một hôm sau khi hợp đồng tàu ngầm bị xé bỏ.

Trong khi đó, Pháp là quốc gia có diện tích biển lớn, có đủ phương tiện quân sự và chính trị tại Ấn Độ Dương lẫn Nam Thái Bình Dương. Những năm gần đây, hải quân Pháp liên tục tham gia hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, huy động cả hàng không mẫu hạm Charles-de-Gaulles, tập trận với hải quân Bộ Tứ. Năng lực hàng hải này rất đáng kể tại một khu vực thường xuyên căng thẳng về chủ quyền, hải tặc, đánh cá lậu và thiên tai.

Có thể Washington muốn làm quên đi vụ rút quân hỗn loạn ở Afghanistan qua việc nhanh chóng công bố chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhưng loan báo thô bạo không hề có sự phối hợp nào, có nguy cơ làm nản chí Paris và Bruxelles trong việc tranh đấu để  Ấn Độ-Thái Bình Dương là trọng tâm chiến lược đối ngoại của châu Âu.


Nỗi lo chạy đua vũ trang

Hai tác giả trên cho rằng đối với Úc, có thể hiểu được ý muốn có vũ khí hạng nặng trước Trung Quốc, nhưng thời hạn và giá cả thế nào ? Úc không sản xuất năng lượng nguyên tử, và bước ngoặt này gây lo ngại cho các láng giềng New Zealand, Indonesia, các tiểu quốc Thái Bình Dương. La Croix cũng đặt vấn đề, liệu đây sẽ là tiền lệ nguy hiểm cho chạy đua vũ trang trong khu vực, khi Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Ấn Độ và Nga ngày càng phát triển công nghệ nguyên tử quốc phòng ?

Cựu đô đốc Jean-Louis Lozier, nay là cố vấn IFRI, nhấn mạnh, trong bối cảnh Bắc Kinh từ vài năm qua âm thầm hiện đại hóa với chương trình 6 tàu ngầm nguyên tử và trên 100 kho chứa hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa, Úc mới tìm cách xích lại gần Hoa Kỳ.

Cho đến nay, chưa có Nhà nước sở hữu tàu ngầm nguyên tử nào lại bán công nghệ cho một Nhà nước không có vũ khí hạt nhân. Hiện chỉ có ba nước Mỹ, Anh, Nga dùng uranium làm giàu ở mức cao (UHE) làm nhiên liệu cho tàu ngầm và hàng không mẫu hạm, ngược với Pháp dùng uranium làm giàu thấp (UFE). Tuy không có nguy cơ Úc dùng UHE để sản xuất bom nguyên tử, nhưng các nhà nước khác có thể dùng tàu ngầm nguyên tử làm cái cớ để sản xuất hoặc mua nhiên liệu nguy hiểm này, ngoài tầm kiểm soát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA).

Iran đã chơi trò này trong quá khứ, còn Hàn Quốc từ đầu thập niên 90 thập thò muốn vận dụng, Brasil cũng cố triển khai công nghệ tàu ngầm hạt nhân, nhưng gặp nhiều khó khăn. Về phía Trung Quốc thì đề nghị công nghệ này cho Pakistan và một số nước, Nga tăng cường trao đổi với Ấn Độ. La Croix cho rằng tình hình là đáng ngại, khi thiếu vắng đàm phán về giải trừ vũ khí và an ninh khu vực.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.