samedi 21 août 2021

Lê Học Lãnh Vân - Trước diễn biến mới của sự quản lý chống dịch


Nghe tin Trung Ương trực tiếp tham gia quản lý chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh lòng tôi vừa chùng xuống, vừa thấp thoáng hy vọng… Chùng xuống vì biết đây là chỉ dấu khẳng định rằng trong thời gian qua Thành phố đã thất bại trong việc quản lý chống dịch.

Tôi đã từng rất mong muốn Thành phố tự chủ trong việc phòng chống dịch. Nếu tính từ đầu tháng tháng 6/2001 tới nay, Thành phố đã có hơn hai tháng rưỡi, nhưng cho tới nay các chính sách, chủ trương và cách tiến hành đã không đạt được các mục tiêu do Thành phố đề ra. Chẳng những không đạt mục tiêu mà còn cho thấy Thành phố vẫn loay hoay chứ chưa có một hướng đi sáng sủa…

Không đạt mục tiêu là thất bại, tất nhiên trung ương phải bước vào…

Trong mười tháng qua, Thành phố có vị bí thư thành ủy được lòng dân so với các vị tiền nhiệm. Nhưng ông Nguyễn văn Nên chỉ nhận trách nhiệm một thời gian ngắn, giữa một thành phố lớn mười ba triệu dân, với một ban bệ điều hành ít nhiều còn dấu tích di sản cách đây hai chục năm. Vừa nhận trách nhiệm là ông phải lao vào mặt trận phòng chống dịch, mặt trận này nhanh chóng biến thành khủng hoảng. Giả sử ông có năng lực, có đạo đức ứng phó với các biến chuyển mới, thì thời gian ngắn ngủi e chưa đủ cho ông tạo một môi trường làm việc thuận lợi và hiệu quả.

Tôi hiểu rằng một cách quản trị mới cần một bộ mặt mới. Cần một rung lắc đủ mạnh để thoát khỏi lề lối cũ, để phát quang rừng rậm cũ tạo thuận lợi cho cách quản trị mới. Do đó, tôi nhìn việc trung ương vào cuộc với những phần hy vọng. Ngoài mục tiêu chính là giúp Thành phố chống dịch, có mục tiêu kép không?

Hoàn cảnh đã tới mức không thể chần chờ, do dự được nữa. Cần phản ứng nhanh và mạnh, quân đội có kỹ luật sẽ đáp ứng yêu cầu này.

Phản ứng dứt khoát, nhanh, mạnh sẽ thành công nếu được chống lưng bởi các điều kiện sau:

1) Dựa vào tri thức. Tri thức cần nhất cho lúc này là tri thức quản trị khủng hoảng và tri thức y khoa, cụ thể là quản lý dịch tể, vaccin, điều trị, hệ thống hồi sức cấp cứu và thiết bị y tế liên quan. Tri thức cũng cần được phổ biến một cách giản dị để các cấp thi hành hiểu rõ ý nghĩa và mục tiêu của  Giãn Cách để tránh những sai lầm căn bản và tai hại.

2) Được gợi cảm hứng bởi sứ mạng cao cả là hỗ trợ Thành phố qua cơn cần cấp. Muốn có cảm hứng đó, cần chỉ rõ Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Miền Nam nói chung là vùng đất rất quan trọng cho Việt Nam. Việt Nam có nhiều thành phố lớn nhưng chỉ hai thành phố có sức quy tụ cả nước: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố mạnh sẽ đóng góp rất hào sảng cho cả nước, do đó Sài Gòn phải giàu mạnh cho Việt Nam giàu mạnh! Hỗ trợ TP lúc này tức là hỗ trợ cả nước.

3) Cần hiểu rõ bản tánh, khi chất con người Sài Gòn. Là vùng đất mới của cả nước, là nơi tụ về của bà con ba miền, người dân nơi đây chuộng đời sống chân thành cởi mở, thích mở cửa kết giao bạn bè mà ít bị buộc ràng bởi quan hệ gia tộc, trọng nghĩa khinh tài, thích thực chất không ưa môi miếng. Chân tình đi thì chân tình lại…

Với lực lượng hỗ trợ hùng hậu của trung ương, đây là một dự án hỗ trợ lớn. Dự án này cho thấy quyết tâm làm tốt việc hỗ trợ của trung ương. Tôi tin rằng trong hoàn cảnh này sự hỗ trợ là thật lòng. Vị thủ tướng nhậm chức chưa lâu, cũng đứng đầu việc phòng chống dịch cả nước, chắc chắn muốn thành công tốt đẹp. 

Thông báo rằng quân đội sẽ đảm nhiệm chủ yếu mặt trận hậu cần; công an đảm nhận an ninh, an dân; bộ Y tế đảm nhận chuyên môn y tế, chủ yếu là hồi sức cấp cứu.

Tôi nghĩ rằng thông báo đó chỉ nêu lên khía cạnh khiêm tốn của vấn đề. Sự quyết tâm được nhận thấy qua lực lượng hỗ trợ này cho thấy có thể thành phần hỗ trợ sẽ đóng vai trò quan trọng hơn thế.

Thông thường có hai cách hỗ trợ:

1) Hoặc lực lượng hỗ trợ tự đặt mình dưới sự lãnh đạo của tại chỗ. Lực lượng tại chỗ nắm quyền chủ động và điều phối nguồn lực do lực lượng hỗ trợ đem tới.

2) Hoặc lực lượng hỗ trợ nắm quyền chủ động và điều phối lực lượng tại chỗ. Trong thời gian này lực lượng tại chỗ chỉ có vai trò thứ yếu.

Cách hỗ trợ nào được chọn tùy vào mức độ khẩn cấp của tình hình và tương quan năng lực của lực lượng hỗ trợ và lực lượng tại chỗ. Người lãnh đạo cao cấp có thẩm quyền, trong trường hợp này tôi nghĩ là thủ tướng, sẽ quyết định mục tiêu hỗ trợ và giao trách nhiệm, quyền hạn cho cả hai lực lượng. 

Sự thành công của việc hỗ trợ tùy thuộc phần rất lớn vào sự hợp tác giữa hai lực lượng. Sự hợp tác lại tuỳ vào sự chân thành và tôn trọng nhau.

Trong cơn dịch dã này, thành phố và đất nước đang đau thương, thành phố và đất nước đã mất đi những nguồn lực quan trọng, đang bị mất dần những vùng đất đứng chân trước các thách thức của cạnh tranh toàn cầu khốc liệt. Bài viết này nhìn việc trung ương vào cuộc như việc thực thi trách nhiệm của trung ương, trong đó có cả thể hiện ý muốn các vùng miền Việt Nam đang trong cơn thực lòng cấp cứu lẫn nhau.

Chỉ cần tấm lòng chân thành đó, tôi nghĩ người Việt sẽ cùng nhau huy động được nhiều nguồn lực tìm ra giải pháp thoát khỏi cơn khó này. Kinh nghiệm và những bài học đã được thế giới chép lại, sẽ có giải pháp nếu người Việt thật tâm nắm tay nhau. Nếu thành công, hai miền Nam Bắc sẽ thông cảm nhau hơn, người Việt không chỉ thoát ra khỏi cơn khó khăn hiện nay mà ngay lúc này chúng ta còn có thể chuẩn bị nền móng cải cách và đoàn kết cho bước phát triển tương lai.

Nhưng mà, sự thành công không chỉ tùy vào tấm lòng và ý chí… Xin gởi chiến dịch này lời chúc và lòng mong chờ thành quả tốt đẹp!

Ngày 21 tháng 8 năm 2021

LÊ HỌC LÃNH VÂN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.