samedi 28 août 2021

Cù Mai Công - « Đi chợ giùm » thực tế khó ổn

 

Nên chuyển từ chiến lược kiểm soát đi lại sang kiểm soát độ giãn cách ?

Sáng 27-8-2021, vài bà cô, bà chị đã chui qua lớp dây giăng đầu một con hẻm trên đường Nguyễn Trãi (quận 5, TP.HCM). Có lẽ nhà họ hết “hàng hóa thiết yếu”, món ăn thức uống gì đó. Bên kia đường có một siêu thị Vissan. Ngay lập tức, một nhóm Công an, dân phòng phường 8 quận 5 ập tới, dù “thanh minh thanh nga” gì thì các bà, các cô này cũng bị lập biên bản, phạt hay không chưa rõ…

Anh em Công an, dân phòng phường hành xử không sai quy định TP.HCM “ai ở đâu thì yên ở đó” áp dụng từ 23-8 vẫn còn hiệu lực - luật thì ai ai cũng phải chấp hành.

Chắc chắc đây chỉ là một trong hàng triệu thực tế năm ngày qua ở TP.HCM “thiết quân luật”: nhà nhà tìm cách xoay sở để giải quyết “nhu cầu thiết yếu” mỗi ngày mỗi bữa: bữa cơm. Không nói thì dân Sài Gòn cũng biết, cũng đang phải “trải nghiệm”.

Không thể không biết ơn hàng ngàn anh em bộ đội Quân khu 7, Quân khu 9 đang tất tả đi chợ giùm cho bà con. Họ vốn cũng là con em người Sài Gòn, người miền Tây đến Sài Gòn làm công việc không công, không vụ lợi này, với tấm lòng quân - dân.

Không thể không thấu cảm với các phường, khu phố, hàng ngàn tổ trưởng đang đi chợ hộ cho bà con hiện nay. Họ cũng làm không công. Anh em mình cố hình dung: một tổ dân phố ở TP.HCM có khoảng 100-200 hộ. Không tính chủng loại hàng là vô cùng phức tạp, mỗi hộ mua khoảng 5 kg hàng (rau 1 kg/bó; dầu ăn 1 chai 1kg…; không tính gạo, chắc họ mua rồi) =  500-1.000kg, tức nửa tấn đến một tấn. Tổ trưởng, tổ phó nào khiêng vác, vận chuyển nổi số lượng đó mỗi ngày.

 

Cũng không thể phủ nhận hàng trăm ngàn combo hàng được giao năm ngày qua từ lực lượng xét cho cùng cũng là công việc, tấm lòng thiện nguyện này.

Nhưng chúng ta vẫn chưa hình dung về TP.HCM quá lớn, quá phức tạp để có những thực tế không như suy nghĩ, tính toán của chính quyền, chức năng. Tỉ lệ combo hàng được giao quá ít so với nhu cầu khổng lồ của gần 10 triệu dân thành phố và vài triệu bà con nhập cư. Một cô bạn đồng nghiệp của tôi vốn hiền lành đã “phẫn nộ” cho biết: “Thật sự mình không muốn giận dữ nhưng cảm giác khi nhận được đồ đi chợ giùm thì không còn là giận dữ mà là phẫn nộ.  Vì mình không có đi xếp hàng và nghĩ là mọi thứ sắp xếp chắc cũng ổn nên mới ở nhà. Với một cái tủ lạnh còn đồ ăn cho hôm nay, một ít cho ngày mai, mình đã đặt đủ đồ cho cả tuần chứ không hơn, và cuối ngày thì nhận được một bao gạo và một ký củ hành”.

Chuyện vài ngày sau vẫn chưa nhận được hàng mua hộ hoặc hủy đơn hàng là không lạ với vô số người. Chị Thanh ở Tân Thuận Đông (quận 7) cho hay: Ngày đầu giãn cách, phường có phát phiếu đăng ký đi chợ hộ nhưng ba ngày nay vẫn chưa nhìn thấy thực phẩm đâu.

"Có lẽ phải đến tuần sau tôi mới được nhận", chị Thanh nói và cho biết, để có thức ăn cho bọn trẻ, chị chọn nhiều phương án đặt thực phẩm kể cả kênh chung cư bán… "đồ chui" cho tới Bách Hóa Xanh, Vinmart, King Food.. Trừ nhận được ít thực phẩm mua từ kênh chung cư, hai ngày nay chị cho biết các kênh kia vẫn chưa giao.

Xin lưu ý kênh bán hàng chui mà chị Thanh nói, đó là thực tế “bí mật” không hiếm hiện nay. Chui thì sai rõ rồi, nhưng “em ơi, nếu mộng (đi chợ hộ) không thành thì sao?”. 

 

Có người cám cảnh, than “ám ảnh thiếu thốn như thời bao cấp”, thèm từng cục đường, miếng thịt… Tôi không nghĩ vậy vì dù sao, rau rợ thời đó rẻ và muốn mua bao nhiêu cũng có. Còn giờ, khi hàng chục ngàn tấn rau các loại của bà con nông dân ở Củ Chi, Hóc Môn đang thiếu người mua dù giá chỉ vài ngàn đồng/kg thì ngay dân Sài Gòn cũng khó mua, giá đã lên 30-40-50.000 đồng/kg. Giá này mấy tháng nay rồi chứ có phải một hai ngày, một hai tuần.

Một gia đình khó khăn được chính quyền hỗ trợ một tháng 1,5 triệu đồng; mỗi ngày 50.000 đồng, đủ mua hơn bó rau.

Tình hình thực tế này, không chỉ dân, dân mạng mà hầu như báo nào cũng không đứng ngoài cuộc chuyện “đi chợ giùm”. Zing nói “bất cập”;  Vnexpress nói “quá tải”, “dở khóc dở cười”; Thanh Niên nói “muôn chuyện bi hài”; Tuổi Trẻ cụ thể: “Hàng đặt đang tăng liên tục, có người đặt chục món, nhận được... vài bó rau”…

Báo Kinh tế Sài Gòn cho rằng: “Không đơn giản như kế hoạch, việc đi chợ hộ ở TPHCM đang tắc từ đầu vào lẫn đầu ra. Lượng đơn đặt hàng đang dồn ứ tại các siêu thị ngày một nhiều bởi nhân lực vận chuyển đang rất hạn chế và việc phối hợp với các địa phương vẫn còn rối”.

Anh em mình chắc cũng đọc hết rồi. Mà có lẽ không đọc cũng rõ, ai ai chẳng là “người trong cuộc”: mua thực phẩm giờ “khó bằng lên giời” như một bà con xóm tôi than trên mạng. Thiếu từ cọng rau, trái trứng, bình nước… cho đến bịch sữa cho con, tã lót cho cháu…   

Theo nhà báo Hoàng Nguyên Vũ, một người dân đề xuất: "Người dân thì rất cần thực phẩm, trả đơn thì chậm vô cùng, nhà có trẻ em không thể nhịn được. Nên chăng hãy để cho đội ngũ shipper hoạt động liên quận như bình thường, ưu tiên shipper đã tiêm vaccin và tuân thủ nghiêm 5K. Thế thì mọi người đỡ khổ hơn.”

Có gần 600 điểm bán ở TP HCM, bà Nguyễn Thị Ngọc Thương, Giám đốc ngành hàng Bách Hóa Xanh cho biết, sở dĩ hệ thống quá tải vì lượng đặt hàng lên tới vài chục nghìn đơn nhưng không có người giao hàng. Trong khi đó, Bách Hóa Xanh đã nỗ lực trong việc gọi cán bộ phường ở các quận huyện để kết nối nhận hàng, nhưng năng lực của các phường chưa đáp ứng được. Lực lượng này còn quá mỏng để phân phối hàng kịp thời cho người dân.

 

Là đơn vị quản lý và cấp phép giấy đi đường, lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM cho biết, cơ quan này vẫn đang làm việc hết công suất để cấp giấy đi đường cho các doanh nghiệp. Hiện nay, Sở Công Thương cũng đã lập danh sách các đầu mối phụ trách địa bàn quận, huyện của Sở.

Riêng với đề xuất của các hệ thống bán lẻ, Sở cũng sẽ xem xét.

Xin tham khảo: dù quyết liệt thực hiện Chỉ thị 16, nhưng Nha Trang, Đà Nẵng đã cho mở sạp hàng trên đường, mở lại cửa hàng – với yêu cầu: kiểm soát chặt khoảng cách, mật độ.

Không ít người đề nghị khẩn cấp “sử dụng lại lực lượng shipper. Họ là những đội ngũ chuyên nghiệp, có công nghệ, biết công nghệ, biết công việc, biết đường sá, làm việc hiệu quả hơn bộ đội. Không ai bỏ quân thiện chiến để sử dụng tân binh. Bắt hàng chục ngàn shipper, đã không sử dụng được đội quân vạn người giao hàng chuyên nghiệp, lại biến họ thành lực lượng phải cứu trợ. Cần tiêm vaccin cho shipper và đưa họ hoạt động trở lại với sự quản lý cần thiết”.

Thậm chí, thực tế cho thấy anh em bộ đội khi giao hàng thường phải có Công an, dân phòng, đoàn viên thanh niên, khu phố, tổ trưởng… đi theo; có khi là chở chung xe máy. Vậy thì để anh em Công an, dân phòng, đoàn viên thanh niên, khu phố, tổ trưởng… giao luôn cho rồi. Đi đông lại không đảm bảo, vi phạm mục tiêu lớn nhất: giãn cách, không gần nhau quá 2 mét.

Cốt lõi là cái giấy đi đường ít có giá trị phòng chống Covid mà tổn hại về kinh tế, an toàn người bệnh và an sinh xã hội, giá cả thị trường là khôn lường, nghiêm trọng.

Và đây là điều stt này mạo muội đề xuất: Thay đổi chiến thuật cung ứng hàng hóa ở TP.HCM hiện nay quá sức bất cập, từ  kiểm soát người sang kiểm soát độ giãn cách người với người, mật độ - lưu lượng giãn cách.

Thế anh em bộ đội làm gì? Có lẽ nên để anh em phát huy năng lực thật sự của mình: tham gia kiểm soát, lập lại trật tự độ giãn cách, mật độ, lưu lượng giãn cách trên đường. Chắc chắn anh em làm điều này tốt gấp trăm lần “đi chợ giùm”.

Nếu thiếu thốn hàng thì đúng là đành phải “thắt lưng buộc bụng”. Đây khác, hàng có thiếu đâu, ê hề mà đi không được, “đi chợ giùm” rõ ràng không xuể, khó ổn.

TP.HCM mới qua năm ngày “ai ở đâu thì ở yên đó”. Còn ít nhất 10 ngày nữa để có biện pháp hiệu quả, thực tế giải quyết chuyện rất lớn trong dân hiện nay này.

Tất nhiên không được bỏ qua và nằm trong quan hệ với mục tiêu lớn nhất, quan trọng nhất khi phòng chống Covid: đảm bảo giãn cách.

CÙ MAI CÔNG 28.08.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.