samedi 24 juillet 2021

Hoàng Hải Vân - Thực hiện Chỉ thị 16, nhưng Hà Nội không cấm chợ !

 

 

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng : “Ngay cả khi phát hiện F0 cũng phải khoanh vùng cục bộ hoặc chuyển địa điểm, không đóng cửa (nơi mua bán)”.

Chủ tịch Kiên Giang Lâm Minh Thành : “Cứ ngồi cân nhắc xem mặt hàng nào thiết yếu, mặt hàng nào không để đưa vô danh mục thì biết tới khi nào mới đủ !”

Hôm nay Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, sau một thời gian áp dụng các biện pháp gần tương tự. Toàn thành phố chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Chính quyền, nhưng cảm giác vẫn dễ chịu hơn nhiều so với một số nơi. Thành phố nói không ngăn sông cấm chợ là không ngăn sông cấm chợ, không như một số nơi nói một đằng làm một nẻo.

Chỉ thị của chính quyền thủ đô nêu rõ : Đóng cửa, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trừ các trường hợp sau: các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hằng ngày cho nhân dân trên địa bàn…”.

Sáng nay ngày rằm, do thông báo quá gấp nên chợ búa vẫn đông người, nhưng lực lượng thực thi công vụ cố gắng thuyết phục mọi người thực hiện giãn cách để bảo đảm an toàn chứ không áp dụng các biện pháp cực đoan mất lòng dân. Những nơi bán hàng không thiết yếu như phố Hàng Đào chuyên bán quần áo thì vắng hoe, nhưng nhiều người Hà Nội vẫn đi mua hoa. (Không biết chính quyền có định nghĩa hoa không phải là mặt hàng thiết yếu hay không, nhưng Hà Nội mà không có hoa thì không còn là Hà Nội nữa). Lướt qua các phương tiện truyền thông thì số người bị xử phạt trong ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

Hà Nội tuyên bố bảo đảm hàng hóa thiết yếu cho người dân trong giãn cách là tuyên bố có thể tin được. Vì một mặt không cấm chợ, mặt khác chính quyền đã chỉ đạo ngành công thương phối hợp tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích gấp 3 lần bình thường, nhiều mặt hàng tăng gấp 5 lần. Theo Sở Công thương Hà Nội, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Sự quan tâm đến đời sống người dân được tính toán chu đáo, đến mức Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo “các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích phải có phương án duy trì hoạt động ngay cả khi phát hiện có ca F0, bằng cách khoanh vùng cục bộ hoặc chuyển địa điểm, không đóng cửa”.

Quan điểm của Hà Nội là, phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ ưu tiên số 1, nhưng đồng thời phải kiên trì thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Không chống được dịch thì không thể tổ chức sản xuất kinh doanh, ngược lại không duy trì sản xuất kinh doanh thì không thể có đủ nguồn lực để phòng chống dịch.

Nhìn về phương Nam, ta thấy một trong những nhà lãnh đạo chỉ huy chống dịch có tâm với dân nhất là Chủ tịch tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành. Ông Thành xuất phát từ cuộc sống của người dân mà chống dịch, chứ không máy móc với các biện pháp cấm đoán cực đoan.

Trong cuộc giao ban trực tuyến phòng chống dịch hôm qua, trước những ý kiến phản ánh hiện nay - danh mục hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông không tỉnh nào giống tỉnh nào, đề nghị UBND góp ý để các bộ, ngành bổ sung kịp thời, thống nhất thực hiện cho đúng - ông Thành nói : “Nếu các ngành, các địa phương cứ ngồi cân nhắc xem mặt hàng nào thiết yếu, mặt hàng nào không để đưa vô danh mục thì biết tới khi nào mới đủ !”. Ông đề nghị : “Không áp dụng danh mục hàng hóa khi kiểm soát các xe tải qua chốt, nếu có thì chỉ nên tham khảo thôi. Chốt ở đây là để kiểm soát, ngăn chặn những người cố tình đi lại không cần thiết, còn người ta lưu thông hàng hóa thì ngăn cản làm gì".

Về việc phát phiếu đi chợ cho người dân, ông Thành cho hay hiện tại có nơi phát phiếu đi chợ cho các hộ dân, ghi luôn phải đi chợ này chợ nọ, thậm chí có nơi tới giờ này chưa phát phiếu. Ông nói : "Việc đi chợ nào, mua cái gì, mua bao nhiêu là quyền của người dân. Họ phải ăn, uống mới sống được. Đâu phải chợ nào cũng giống chợ nào. Có chợ ở phường này, xã này bán thứ này, chỗ khác bán thứ khác, cho nên không được cứng nhắc khi áp dụng, mà phải linh động, phải hiểu nhu cầu thực tế của người dân”. Ông còn lưu ý : “Mình chống dịch chặt chẽ, nhưng không được ngăn sông cấm chợ”.

Tôi đồng ý với một bạn còm dưới bài viết trên báo Tuổi Trẻ : “Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành có mấy phát biểu ngắn gọn dễ hiểu…Chắc cũng có người cho rằng mấy nội dung phát biểu đó của Chủ tịch cũng chẳng có gì cao siêu hết, ai nói cũng được. Nhưng theo tôi để phát biểu được mấy nội dung "ngắn gọn dễ hiểu" đó không phải ai cũng nói được, mà là quan chức lãnh đạo "có Tâm có Tầm" làm việc vì dân vì nước mới nói ra được”.

Cám ơn báo Tuổi Trẻ đưa tin có tâm.

HOÀNG HẢI VÂN 24.07.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.