dimanche 13 juin 2021

GS Nguyễn Văn Tuấn - Vaccin của Tàu khác với vaccin của phương Tây ra sao?


Báo Tuổi Trẻ có bài 'Trung Quốc thừa nhận vắc xin kém hiệu quả' [1]. Cái note này trình bày vài tìm hiểu của tôi về các loại vaccin, để hiểu tại sao vaccin Tàu không có hiệu quả cao so với các vaccin của Mỹ, Đức, Anh.

Để hiểu vai trò của vaccin, chúng ta phải ôn qua vài dòng về cơ chế gây bệnh của virus Vũ Hán. Con virus Vũ Hán nằm trong gia đình coronavirus. Cấu trúc của các con virus này bao gồm 4 protein: nucleocapsid, envelope, membrane và spike.

Protein nucleocapsid có chức năng hình thành các chất liệu di truyền cơ bản, và có hình trái banh tròn. Bề ngoài của nucleocapsid là cái ‘bao thư’ (envelope) và màng nhầy (membrane). Còn cái protein ‘spike’ nó có hình dáng của một cái dùi cui, và nó cắm trên ‘trái banh’. Thành ra, nhìn con virus này thì chúng ta thấy nó giống như cái vương miện hình tròn. Chính vì vậy mà người ta đặt cho nó cái tên hơi vương giả là ‘corona’.

Tất cả vaccin Covid-19 đều có chức năng hướng dẫn hệ thống miễn dịch trong cơ thể chúng ta sản xuất ra những antibody (kháng thể) để chống trả virus Vũ Hán. Như nói trên, virus Vũ Hán dùng một protein có hình dáng như cái dùi cui (thuật ngữ tiếng Anh là 'S protein') để xâm nhập vào các tế bào trong cơ thể và bắt đầu gây nhiễm. Do đó, các vaccin được bào chế sao cho có chức năng cụ thể là làm vô hiệu hóa protein S.

Hiện nay, trên thế giới có nhiều vaccin dùng cơ chế vô hiệu hóa protein S, nhưng tựu trung lại thì có 4 nhóm:

• vaccin mRNA;

• vaccin vector virus;

• vaccin subunit; và

• vaccin 'nguyên con virus'.

Chức năng của các vaccin này có thể mô tả ngắn gọn như sau: 

1. Vaccin tín hiệu mRNA

Đây là loại vaccin mà hãng Pfizer và Moderna sản xuất. Nó được tạo ra từ các mRNA để 'chỉ thị' cho các tế bào cách sản sinh ra protein S có lợi cho cơ thể. Sau khi tiêm vaccin mRNA, hệ thống miễn dịch bắt đầu sản sinh ra protein S và đưa lên bề mặt của tế bào, và cơ thể bắt đầu làm ra kháng thể. Do đó, khi chúng ta bị virus tấn công, thì các kháng thể này biết cách chống trả và hy vọng là tiêu diệt chúng.

Nhiều người lo lắng rằng nếu chích vaccin mRNA vào cơ thể thì nó sẽ ở đó và làm gì nữa. Xin thưa là khi vaccin mRNA vào cơ thể thì nó sẽ tự tiêu hủy. Nó không thể nào tiến vào nhân của tế bào được (nhân tế bào là nơi chứa các chất liệu di truyền DNA). Do đó, trên lý thuyết, vaccin mRNA rất an toàn.

2. Vaccin vector virus

Vaccin tiêu biểu của nhóm này là AstraZeneca và Johnson & Johnson. Những vaccin này dùng một con virus, ví dụ như con Adenovirus (một virus gây cảm lạnh), biến nó thành một virus bất kích hoạt (tức là không thể gây bệnh). Mục đích là dùng nó để chuyển tải kháng nguyên vào cơ thể chúng ta và tạo ra protein S.

Con virus bất kích hoạt có tên là 'viral vector' (một chữ hơi khó hiểu). Như đề cập trên, những viral vector như AstraZeneca trên lý thuyết không thể gây bệnh. Những chất liệu DNA mà nó chuyển vào cơ thể cũng không thể làm thay đổi cơ cấu DNA của chúng ta như nhiều người tuyên truyền.

3. Vaccin subunit protein

Những vaccin loại này không hàm chứa những phần sống của con virus, mà là những protein kháng nguyên. Đây là loại vaccin, nói nôm na, có chức năng 'nhái' chức năng của hệ thống miễn dịch. Những vaccin này cũng có những protein S nhưng không hại. Như đề cập trên, khi chích vaccin vào cơ thể, hệ thống miễn dịch nhận ra protein S và sẽ tạo ra kháng thể cùng bạch huyết cầu để chống trả virus Vũ Hán.

Vaccin tiêu biểu của loại này là Novavax (Mỹ). Đại học Queensland (UQ) cũng từng bào chế vaccin loại này cho Covid-19, nhưng vì nó can thiệp vào HIV nên cả công trình phải ngừng. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn còn đang tìm cách tái kích hoạt dự án này.

4. Whole virus vaccin

Đây là loại vaccin dùng nguyên con virus nhưng các cơ chế gây bệnh của nó bị vô hiệu hóa. Các vaccin trong nhóm này chính là vaccin của Tàu: Sinopharm và Sinovac. Trước đây, các vaccin trong nhóm này đã được dùng để chống bệnh Polio, viêm gan A, và cả lao phổi.

Theo báo chí thì Sinovac vaccin dùng chính coronavirus gây dịch Vũ Hán ở Ý, Tàu, Thụy Sĩ và Anh, rồi sau đó làm cho nó vô hiệu hóa. Nói ngắn gọn, khi chích vaccin vào cơ thể thì nó sẽ 'dạy' cho hệ miễn dịch sản xuất kháng thể chống lại virus Vũ Hán. Nói cách khác, cơ chế của nó giống như 'lấy độc trị độc'.

Trên lý thuyết, những 'vaccin nguyên con' này có thể biến thể sao cho chúng không thể tái lập để kích thích hệ thống miễn dịch. Nhưng có thể phải dùng một liều lượng lớn để có hiệu quả chống virus Vũ Hán. Có vài quan tâm về phản ứng phụ của các vaccin dùng virus nguyên con này [2]. Tuy nhiên, những vaccin loại này thường không dùng cho những người có hệ miễn dịch yếu, vì ở những người này, vaccin có thể nhân rộng virus và gây bệnh!

Còn hiệu quả thì rất khó nói vì chưa thấy dữ liệu thử nghiệm giai đoạn III được công bố trên một tập san y học nào cả. Theo tờ New York Times thì khi Sinovac được thử nghiệm ở Ba Tây (Brazil) hiệu quả là 50.65%, còn thử nghiệm ở Thổ Nhĩ Kỳ thì 91.25% [3]. Tôi không hiểu tại sao thử nghiệm hai nơi có hai kết quả quá khác biệt như vậy. Có thể là do vấn đề phương pháp? Có thể do cách chọn bệnh nhân? Hay là do cách đánh giá hiệu quả? Chúng ta không biết.

Vẫn theo New York Times, vaccin của Sinopharm (BBIBP-Corv) có hiệu quả 79%. Còn WHO thì nói là hiệu quả 78.1% [4]. Nếu đúng như vậy thì hiệu quả của nó tương đương với vaccin của AstraZeneca.

Tóm lại, hiện nay trên thế giới có nhiều vaccin chống covid-19, và chúng ta có thể xếp vào 4 nhóm chánh: mRNA, viral vector, subunit protein, và 'virus nguyên con'. Tất cả vaccin đều có chức năng can thiệp vào protein S của virus nhằm gia tăng kháng thể và giúp chống lại sự xâm nhập của virus Vũ Hán. Hiệu quả của các vaccin khá khác nhau, nhưng rất khó nói vaccin nào tốt hơn vì môi trường và bệnh nhân được thử nghiệm quá khác nhau.

Vaccin Tàu được WHO phê chuẩn (vì đạt hiệu quả trên 50%). Nhưng không có cơ quan nào của EU, Anh, Mỹ, Úc phê chuẩn vaccin Tàu cả. Lý do là tiêu chuẩn khoa học ở các nước giàu đó rất khác và khắt khe hơn là WHO.

Vaccin Tàu dĩ nhiên là chỉ dùng ở vài nước nghèo ở Âu châu (Belarus, Serbia, Hungary), một số nước ở Á châu (như Mã Lai, Lào, Campuchea, Thái Lan, Phi Luật Tân), một số nước ở Trung Đông, Nam Mỹ và Phi châu. Việt Nam có lẽ không có lựa chọn nhiều, nên đành miễn cưỡng nói ‘yes’ với vaccin Tàu.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thấy dữ liệu về hiệu quả của hai 'vaccin nguyên con' của Tàu ra sao, mà chỉ biết qua một viên chức Tàu rằng hiệu quả không mấy cao [1]. Nhưng báo New York Times thì nói hiệu quả chẳng kém gì các vaccin phương Tây. Chúng ta không biết giữa New York Times và viên chức Tàu, ai nói đúng.

Dù sao thì sự kém minh bạch của thử nghiệm vaccin Tàu là một lý do làm cho những ai sắp dùng nó phải quan tâm và đặt câu hỏi. Điều này dĩ nhiên là cũng có ý nghĩa trong việc lựa chọn vaccin cho Việt Nam.

GSNGUYỄN VĂN TUẤN 13.06.2021

[1] Trung Quốc thừa nhận vắcxin kém hiệu quả

[2] Optimism and caution foran inactivated COVID-19 vaccine

[3] How the Sinovac VaccineWorks

[4] How the SinopharmVaccine Works

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.