jeudi 17 juin 2021

Biden - Putin : Chiến tranh lạnh hay hòa bình lạnh ?


Đăng ngày:

Le Monde chạy tựa « Một thượng đỉnh ngờ vực giữa Biden và Putin ». Le Figaro đưa tít lớn « Biden-Putin : Cuộc gặp đầu tiên trong căng thẳng ». Ảnh của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga cũng chiếm trang nhất Libération với nhận xét, một tổng thống Mỹ muốn giữ vai trò lãnh đạo các nước dân chủ, một nguyên thủ Nga muốn giành lấy vị trí của Trung Quốc – đối thủ hàng đầu của Washington, cuộc họp mang dáng dấp chiến tranh lạnh. La Croix nhận định « Vladimir Putin và Joe Biden, một cuộc đối thoại không ảo tưởng ».

Trong bài xã luận « Biden-Putin : Một thượng đỉnh có vẻ như một ván bài tẩy », Libération nhận xét, Nhà Trắng xác định quan hệ với Matxcơva cần « ổn định » hơn, nhưng đây chính xác là ngược lại với những gì tổng thống Nga muốn hứa hẹn.

Chỉ 48 giờ trước cuộc gặp tổng thống Mỹ, Vladimir Putin thản nhiên nói trên truyền hình, rằng nhà đối lập Alexei Navalny rất có thể chẳng bao giờ ra khỏi nhà tù. Với một cuộc gặp tay đôi giống như một canh bạc xì phé, thành phố Genève thật thích hợp – nơi tập trung gián điệp quốc tế, những hy vọng hão huyền, những vùng tối, phong cảnh tuyệt đẹp như trong tranh vẽ. Chính tại đây mà Ronald Reagan và Mikhail Gorbatchev năm 1985 đã khởi lập một trật tự mới của thế giới, gây ngạc nhiên cho những nhà quan sát lạc quan nhất.

Tuy nhiên những gì chờ đợi hôm nay thì không thế. Sẽ không có họp báo chung lẫn thông cáo chung. Những người bi quan có thể đưa ra một danh sách dài các chủ đề không thể có tiến bộ, như chính sách gây bất ổn cho các nước dân chủ bằng cả một đội quân tin tặc. Nhưng về vũ khí và các chủ đề liên quan đến nguyên tử thì có thể an tâm hơn, và khí hậu là chủ đề duy nhất có thể tiến triển. Với 34°C trong bóng râm, các kỷ lục về nóng bức bị vượt tại nhiều nơi trên thế giới, hai nhà lãnh đạo có thể đồng thuận ở ít nhất một điểm : quá nóng để chơi một ván bài tẩy.


Ba nhóm chủ đề chính

Trả lời phỏng vấn Le Figaro, ông Dimitri Trenin, giám đốc trung tâm phân tích Carnegie ở Matxcơva nhận định có hai hoặc ba nhóm chủ đề trong cuộc họp thượng đỉnh này.

Trước hết là lằn ranh đỏ của mỗi bên. Đối với Putin, đó là việc Ukraina gia nhập NATO, triển khai hỏa tiễn Mỹ trên lãnh thổ Ukraina hoặc mọi nỗ lực can thiệp vào quan hệ Nga-Belarus. Với Biden, vấn đề nhạy cảm nhất là an ninh mạng, liên quan đến âm mưu can thiệp vào tiến trình chính trị, tấn công vào tình báo và cơ sở hạ tầng.

Nhóm đề tài thứ hai về ổn định chiến lược : cả Nga lẫn Hoa Kỳ đều không muốn một cuộc chiến tranh nguyên tử. Việc gia hạn hiệp ước START-3 về vũ khí chiến lược chỉ là biện pháp tạm thời, hai cường quốc nguyên tử sẽ tìm cách sống chung. Không phải bằng việc thương lượng một hiệp ước mới, mà thảo luận một cách minh bạch nhất. Nhóm thứ ba về các đề tài khác : hoạt động của các tòa đại sứ sau các vụ trục xuất lẫn nhau gần đây, cấm phổ biến vũ khí hạt nhân đối với Iran và Bắc Triều Tiên, các xung đột khu vực như Afghanistan và Syria.

Còn về nhân quyền và vụ Navalny, vốn được Joe Biden đặt lên hàng đầu, Putin coi đây là chuyện nội bộ của Nga. Ông Biden muốn nói gì thì nói, khác với thời Brejnev, khi đôi bên thảo luận về danh sách các nhà ly khai, không thể chờ đợi gì nơi Putin, và phía Nga cũng không trông đợi gì nhiều về cuộc họp này. Theo chuyên gia Trenin, sự đối đầu giữa Nga và phương Tây còn kéo dài. Nếu Matxcơva ngưng ủng hộ Donbass, trả lại Crimée, thả Navalny và chấm dứt đàn áp đối lập, có nghĩa là chế độ ngưng tồn tại.


Gặp tổng thống Mỹ đã là thắng lợi đối với Putin

Le Monde cho rằng giọng điệu của Vladimir Putin và ngoại trưởng Nga Lavrov trước thượng đỉnh cho thấy đối với Matxcơva, điều cốt yếu đã đạt được : bản thân loan báo về cuộc họp giữa hai tổng thống, theo đề nghị của ông Biden, được Nga coi là một chiến thắng. Báo chí nhà nước đề cập đến sự kiện đầy vẻ đắc chí. Chuyên gia Alexandre Golts so sánh, khác với cuộc gặp cũng tại Genève giữa Reagan và Gortbatchev năm 1985 nhằm xuống thang về hạt nhân, ngày nay vũ khí nguyên tử là công cụ cuối cùng giúp Putin tiếp tục ngự trị trong quan hệ quốc tế, ông ta không từ bất cứ dịp nào để nhắc đến khả năng đốt cháy hành tinh của mình.

Les Echos nhận định, « Kremlin và Nhà Trắng buộc lòng không gây gổ với nhau » : đặt ra cho nhau những vùng cấm và tiến bước trên những hồ sơ mà đôi bên có cùng lợi ích.

Vladimir Putin đã từng thương lượng với bốn đời tổng thống Mỹ. Từ khi còn là thượng nghị sĩ, Joe Biden đã nói rằng không thể tin được Putin, và như vậy, có cùng quan điểm với « diều hâu » John McCain. Thượng nghị sĩ Cộng Hòa cho rằng trong ánh nhìn của tổng thống Nga có thể đọc được ba chữ « K, G và B ». Theo La Croix, tuy hòa giải không phải là mục tiêu, nhưng cả hai nguyên thủ đều không lợi lộc gì nếu quan hệ căng thẳng thêm. Le Figaro cho biết thượng nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio chỉ trích chính quyền Biden đã tặng « một món quà to lớn » cho Nga khi dỡ bỏ phong tỏa dự án Nord Stream, còn nhà đối lập Garry Kasparov nhận định Joe Biden đã hết sức sai lầm khi không đòi hỏi gì ở Vladimir Putin trong khi tổng thống Nga rất mong có cuộc gặp này.


Lép vế trước Trung Quốc, Nga vẫn không thể liên kết với Mỹ

Joe Biden, tiếp tục chính sách của Donald Trump, nhận định ưu tiên là đối phó với Trung Quốc, đối thủ chính. Về phía điện Kremlin đối mặt với thất bại « xoay trục sang châu Á » đã từng được khoe khoang năm 2012. Viễn cảnh liên minh chặt chẽ với Trung Quốc khó thực hiện : Matxcơva biết rằng mình chỉ là đối tác thứ yếu, với dân số ít hơn 10 lần, kinh tế thua kém 5 lần.

Chuyên gia Tatiana Kastoueva-Jean của IFRI nhấn mạnh, không có doanh nhân Trung Quốc nào đến tham dự Diễn đàn Kinh tế Saint-Petersbourg vừa rồi, lấy cớ dịch Covid. Lại càng dễ tự ái hơn khi mới đây Bắc Kinh đã thành lập một căn cứ quân sự ở Tadjikistan mà không hề thông báo cho Matxcơva – vốn coi quốc gia Liên Xô cũ này là sân sau của mình.

Theo trang web Rosbalt, trên lý thuyết, không có những cản trở lớn cho việc hình thành một liên minh chiến lược lâu dài giữa Nga và Mỹ chống lại Trung Quốc. Nhưng trở ngại nằm nay trong não trạng của các nhà lãnh đạo Matxcơva. Vladimir Putin tạo lập tính chính danh trong vai trò tập hợp lại các lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ, đối đầu với một phương Tây đang khủng hoảng. « Đối thoại lòng tin » mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn mở ra với Vladimir Putin hoàn toàn bế tắc. Một bên là phương Tây mong ổn định, bên kia là nước Nga của Putin muốn gây bất ổn cho thế giới.


Tấn công tin học : Chiến trường ác liệt trong bóng tối

Riêng về vấn đề tin tặc, điểm nóng giữa Washington và Matxcơva, Libération nói về « Hai tổng thống bên bờ cuộc khủng hoảng mạng ». Le Figaro nhận xét « Giữa Nga và Mỹ là cuộc chiến dữ dội trên không gian mạng », còn Les Echos phân tích « Tấn công mạng, một cuộc chiến tranh lạnh khác đang làm rúng động thế giới ».

Không tuyên bố chiến tranh lẫn huy động binh lính, các cuộc tấn công mạng đều diễn ra trong âm thầm. Và các Nhà nước (Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Israel, Iran…) ngày càng nhúng tay vào một cuộc chiến kiểu mới, với các vụ tấn công ngày càng tinh tế. Hôm nay lần đầu tiên các vụ tấn công tin học chưa từng thấy sẽ được Biden nêu ra với Putin – thường xuyên bị tố cáo về các vụ đánh cắp dữ liệu, phá hoại…nhưng chủ đề này có thể bị cắt ngang vì từ nhiều năm qua, Nga luôn chối cãi.

Trên chiến trường mới này, những người lính không mặc quân phục, và rất khó lần ra được những kẻ giựt dây phía sau. Thế nên rất khó tuyên bố trừng phạt các Nhà nước chủ mưu, cho dù theo điều tra của Mỹ, Nga và Trung Quốc trực tiếp liên can đến các vụ tấn công tin học quan trọng vào Mỹ những tháng gần đây, nhắm vào cả các cơ quan liên bang. Dữ liệu của 30.000 doanh nghiệp, think tank, định chế bị đe dọa ; mạng lưới Colonial bị tê liệt làm giá xăng trên toàn bờ Đông tăng vọt. Trong thế giới màu xám, nơi chiến binh và lính đánh thuê trên mạng thường xuyên hợp tác, những tội phạm giỏi nghề biết cách xóa dấu vết hoặc giả dạng kẻ khác. Một cựu nhân viên FBI và CIA cho biết không hề ngạc nhiên khi nghi can là Trung Quốc hoặc Nga, còn theo Cybereason, hơn 40 nước có khả năng tấn công tin học nhưng ít bị nêu tên như Việt Nam, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, và cả Pháp.


Tham vọng Trung Quốc tại Nam Cực

Liên quan đến Bắc Kinh, nhân hội nghị lần thứ 43 về hiệp ước Nam Cực tại Paris với 54 quốc gia thành viên tham dự, Le Figaro cho biết « Tại Nam Cực, Trung Quốc phô bày tham vọng khi lập ra căn cứ thứ năm ».

Từ 60 năm qua, lục địa tuyết trắng vẫn là không gian dành cho khoa học và hòa bình, nhưng Bắc Kinh sử dụng nơi đây để phô trương sức mạnh và gây ảnh hưởng trong thương lượng quốc tế. Trung Quốc xây căn cứ thứ năm trên đảo Inexpressible ở vịnh Terra Nova của biển Ross, trước khi trình nghiên cứu môi trường cho các nước khác. Đây là lần đầu tiên một quốc gia hành xử kiểu « tiền trảm hậu tấu » như vậy.

Trung Quốc trở thành nước thứ tư trên thế giới có ít nhất năm căn cứ ở Nam Cực, sau Nga, Achentina và Chilê. Cơ sở mới nằm giữa hai căn cứ lớn nhất ở Nam Cực của New Zealand và của Mỹ, nhằm theo dõi các đối thủ. Còn căn cứ thứ tư của Trung Quốc tên Côn Luân (Kunlun) lập năm 2009, có đặc điểm là các liên lạc qua vệ tinh ở đây không quốc gia nào có thể nghe được.


Viện Virus Vũ Hán : « Sở thú » của loài dơi ?

Cũng về Trung Quốc nhưng trên lãnh vực dịch tễ, Le Monde tiết lộ « Covid-19 : Những con thú bất ngờ trong các phòng thí nghiệm và các chợ Vũ Hán ».

Bên trong các bức tường Viện Virus học Vũ Hán (WIV) là cả một « sở thú » với các loại dơi sống ? Kênh truyền hình Úc Sky News hôm Chủ nhật 13/06 đã chiếu hình ảnh những con dơi được nuôi nhốt, một nhà nghiên cứu đang cho chúng ăn. Một nghiên cứu do tạp chí Scientific Reports đăng tải cũng mang lại thông tin về các loài vật hiện diện tại viện này cũng như các chợ ở Vũ Hán, từ cầy hương cho đến loài chồn.

Tính chân thực của các hình ảnh do Sky News công bố không thể nào tranh cãi được, cả với chính quyền Bắc Kinh lẫn các nhà nghiên cứu Trung Quốc : chúng được trích từ một video quảng cáo dài khoảng 12 phút của Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc, giới thiệu các hoạt động của WIV. Video này được một tập thể « thám tử » khoa học ẩn danh tên Drastic phát hiện, nhóm này đã từng tiết lộ các nghiên cứu khả nghi về virus corona. Sky News cáo giác những tuyên bố trước đây của Peter Daszak, nhà khoa học được cho là có xung đột lợi ích nhưng vẫn là thành viên đoàn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đi điều tra ở Vũ Hán, rằng « không hề có con dơi nào được gởi đến WIV để phân tích nhiễm sắc thể virus corona ».

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.