jeudi 8 avril 2021

Tạ Duy Anh - “Xử lý" Phạm Xuân Trường

 


(Rút từ sổ tay biên tập)

Khi lần đầu gặp Phạm Xuân Trường, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì, chỉ qua vài câu chuyện, qua mấy bài thơ đọc lướt, qua cặp mắt, khóe miệng, tiếng cười đều toát lên sự mạnh mẽ của đấng trượng phu, tôi tin ngay rằng đã gặp được người cũng luôn cả nghĩ, nghĩ liên miên, giống mình.

Nhưng cũng thấy lo, vì qua bạn bè đồng nghiệp, cả thiện ý và ác ý, kể về ông thi sĩ đầu bạc hơi bị nhiều những chuyện rất đáng ngại !

Bỏ qua chuyện khen chê vì cái giống nhà văn nhà thơ vốn thờ thần đố kỵ, ý kiến “chủ đạo” về Phạm Xuân Trường là một gã ngang tàng, khí khái, khá kiêu bạc với đời và lão ta cứ còn khổ mãi vì những cái “nết” đó. Nghe đã thấy ngại. Động đến chữ nghĩa của lão, không khéo mà ăn đòn.

Nhưng phải mấy ngày sau tôi mới đặt ngay ngắn bản thảo của Phạm Xuân Trường trước mặt. Và đây, ngay từ bài đầu tiên, viết về lễ đầu xuân, nhưng đọc thì chả thấy lễ, thấy xuân đâu cả, mà chỉ thấy “gai’ người:

Thành Nam có chợ cầu may

Có chợ bán ấn cho MÀY thành ông

Là quạ muốn hóa thành công

Là lươn muốn hóa thành rồng: thì mua.

(Lễ đầu xuân)

Tôi nhấn mạnh chữ “mày” so với nguyên bản, bởi vì chính cái chữ suồng sã, đầy chất khinh khi ấy thông báo về tính cách Phạm Xuân Trường. Mày ở đây là ai? Không là ai cụ thể, như đáng lẽ phải thế.

Mày là quan lớn quan bé, là một lũ háo danh, một bầy ô trọc, một dây khốn nạn chạy chức chạy quyền, một lúc nhúc những kẻ tìm cách hối lộ thần thánh để mong thăng tiến với động cơ vụ lợi. Mày là toàn bộ bọn đức mỏng, tài hèn nhưng tham lam thì vô độ. Cả đời chúng chỉ chăm chăm với việc mua bán danh lợi. Và tất yếu là nặn bóp dân lành. Mày là bọn ngày này nói như thánh phán tại những diễn đàn sang trọng, nhưng dân hở ra chỗ nào là bập vào hút máu chỗ đó !

Phạm Xuân Trường rủa sả, miệt thị, cười vào mặt tất cả cái lũ ấy, theo cách của ông. Nghe thấy choáng, nhưng mà cái chữ “mày” dùng đắc địa, đọc lên mới sướng làm sao.

Đọc một mạch cả mấy tập thơ của Phạm Xuân Trường, có thể khẳng định bài nào của ông cũng có nguy cơ “phạm quy” về “nội dung tư tưởng”. Bài nào cũng có những câu rất khó nuốt với các cấp canh cổng. Bài nào cũng có chữ khiến gai người.

Làm biên tập 20 năm, tôi chưa gặp nhà thơ nào mà lại nhiều cảm hứng mắng chửi bọn quan tham, bọn háo danh hám lợi, bọn đạo đức giả khoác áo thầy tu, bọn người tài hèn đức mọn nhưng cứ thích lên mặt dạy đời…một cách nhiệt tình, thâm trầm, bài bản, đáng sợ và không biết mệt như Phạm Xuân Trường.

Đơn giản bởi ông là người ngay thẳng, chính trực, căm ghét thói đời đen bạc, bất công cứ ngày ngày đập vào mắt ông. Không làm được gì lũ ấy, thì cũng phải cho chúng biết mọi người khinh chúng như thế nào, nhìn chúng như nhìn những tên hề ra sao. Tôi không cần nhiều thời gian để lẩy ra những câu thơ theo tinh thần ấy.

Chợ văn ai muốn thì vào

Áo cộc trùm kín hoàng bào thành vua

(Thơ ngược)

Sự đời oan trái thắng thua

Ba ông ngậm miệng thiếu thừa mặc ai

(Vua bếp)

Giao thừa, thừa những trái ngang

Vai hề khoác áo Táo quan diễn trò

(Gặp gỡ cuối năm)

Trăm năm bia đá thì mòn

Ngàn năm chó đá mặt còn trơ trơ

Bao giờ cho đến bao giờ

Ô hay! Phận chó mà thờ cũng thiêng

(“Tứ bình” chó”)

Chỉ vì ba lạng phù vân

Nghìn năm vết nhục vừa gần vừa xa

Vợ con cũng là vợ cha

Bố con úp mặt vào hoa thập thành

Ngay cả khi ông tự “mắng” mình nghĩ quẩn (do cái tính cả nghĩ), thì cũng không thoát cứ lại phải nghĩ…về lẽ đời:

Thế là rồng đã thành giun

Thế là giẻ rách, chổi cùn lên ngôi

Thế là mặt nạ đã rơi

Phấn son đã tuột, dẫu trời không mưa.

(Nghĩ quẩn)

Ô hay, nghĩ quẩn, thường là nghĩ về mình, phần lớn là nghĩ dại, chứ sao lại ngạo thế thái nhân tình như ông.

Hay như bài thơ Vinh dự, mà tôi đành phải ghi ra đây toàn bài, vì không thể trích được:

Anh vinh dự bước lên sân khấu

Giọng hát vàng phong nghệ sĩ nhân dân

Chị hạnh phúc thành diễn viên ưu tú

Trong sắc mầu rực rỡ đèn đêm

Bạn tôi cũng vui mừng không kém

Đời làm hề cũng nghệ sĩ nhân dân

Hoạt náo viên vỗ tay hoan hỉ

Nhân dân ngơ ngác nhìn nhân dân.

Tôi ít thấy cấp hài nào hài hơn bài thơ chỉ có tám câu này. Nó nhẹ nhàng sổ toẹt tất cả những gì hão huyền, nó cười nhạo hư danh và nó nhạo ngay cả chính mình, vì mình cũng thuộc về cái “giống” ấy. Nhưng bài thơ không chỉ cười, mà còn khiến người ta phải khóc, khi đọc đến câu cuối: “Nhân dân ngơ ngác nhìn nhân dân”.

Nhân dân là danh hiệu, là biểu tượng cho niềm vinh quang về danh tiếng trong ngữ cảnh cụ thể. Nhưng nhân dân “ngơ ngác” thì vấn đề đã khác. Nhân dân cũng là khán giả, đang xem vở diễn và họ không biết nên cười hay nên khóc? Từ ngơ ngác, đặc trưng Phạm Xuân Trường, khiến bài thơ vụt mang một chiều kích mới.

Từ chỗ thích thú, tôi bắt đầu đâm lo. Mà tôi lo thật sự. Hầu như bài nào cũng “có vấn đề”. Để nguyên bản thảo, thì rất có thể mình gây họa cho người duyệt in, gây sốc cho một số bạn đọc quen được ve vuốt. Nhưng không để nguyên thì biết làm gì? Thơ của Phạm Xuân Trường mà cắt cứa, sửa chữa, thì nó vừa rất khó, (tôi đã thử làm nhưng thất bại), vừa khiến bài thơ của ông nhợt nhạt, mất hẳn khí chất ngang tàng, thậm chí mất luôn cả tứ.

Chữ của Phạm Xuân Trường không trau chuốt, mà mộc mạc gần với tiếng nói hàng ngày của đời sống. Nhưng nó bỗng trở nên sâu sắc, bén nhọn, đáng sợ khi được chuyển tải, liên kết bằng thứ giọng điệu không lẫn với ai. Cũng chữ ấy, nhưng giọng điệu khác, sẽ chỉ có xác mà không còn hồn.

Đặc biệt thơ của ông thường được đóng đinh bằng câu kết. Khá nhiều bài ông tung hỏa mù bằng những câu vu vơ, rồi găm lại bằng cái chốt chắc nịch là câu kết. Nhiều câu kết của ông cứ xiên vào tâm hồn người đọc, như trường hợp vừa nêu ở trên. Không ít câu kết khiến biên tập viên phải rợn người. Ví dụ: “Trời còn bẩn, nữa trần gian chúng mình”, hay như câu rất dễ bị suy diễn: “Hắt chén rượu buồn/tắt tivi”. Phương án đơn giản nhất trong những trường hợp ấy là cắt xoẹt một nhát. Nhưng nếu bỏ nó đi, thì coi như mất cả bài.

Với riêng tôi, thì nỗi lo ngại lớn hơn là làm sao để tác giả không nổi khùng, xé toang bản thảo trước mặt mình rồi buông một câu lạnh lùng: không thèm in nữa. Với tính khí của Phạm Xuân Trường, thì việc đó, nếu xảy ra, cũng chả có gì lạ. Sau này, khi đã thành thân quen, tôi mới biết, suốt bao nhiêu năm qua ông hì hục ngồi gõ, gò, tỉa tót, nhiều phen máu nhỏ cả theo từng nhát búa, để tạc lên hàng trăm tấm chân dung những nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa, chính khách mà ông yêu quý. Ông làm không hề có tí động cơ thương mại nào.

Với một căn hộ trong một khu chung cư cũ kỹ, quanh đi quẩn lại bao năm vẫn là đám đồ dùng rẻ tiền, khiến ông thuộc số những nhà văn, nhà thơ nghèo nhất thành phố Hải Phòng. Nhưng tôi biết rằng, ông có thể thành người giầu có chỉ trong chớp mắt, bằng đúng thời gian của một cái gật đầu. Nếu bạn có trót nghĩ thế, thì hãy nghĩ thầm thôi. Bởi bạn nói ra mồm với ông, rất có thể gặp tai họa. Nhẹ nhất thì ông cũng cạch mặt. Tốt nhất cứ để yên cho ông làm, để yên trời đày ông, để yên mặc tim và tay ông rướm máu vì thứ mà ông tôn thờ là nghệ thuật và tài năng. Tiền, danh, lợi…ông đều coi như cỏ rác.

Nhưng mà may cho tôi, là tôi cũng nằm trong danh sách những người ông quý mến. Vì thế khi tôi vòng vo thảm thiết trình bày đủ thứ khó nhọc mà một kiếp biên tập phải trải qua, cũng như số phận lênh đênh khó tránh của loại thơ “vị nhân sinh” như của ông, thì ông cười lớn, hiểu ra ngay. Thôi thì không nâng được trời xanh cao hơn, cũng đừng cúi thấp, là được. Ý ông là bài nào gây khó, bài nào hóc quá, thì cứ bỏ hẳn đi. Nó vẫn ở đấy chứ có mất đâu. Rồi thì thể nào nó cũng sẽ tìm được thân phận của nó thôi.

Làm biên tập mà gặp những người như ông, quả tình thấy được an ủi. Coi như gặp tri âm. Còn gì phải khách sáo ! Vì thế, tôi mới dám tự tin ký duyệt bản thảo, với một vài luyến tiếc. Có những bài thơ của ông, sau khi cân nhắc mọi mặt, tôi đã quyết định bỏ ra. Nhưng khi trình duyệt, tôi lại đưa vào và chấp nhận chịu trách nhiệm chính, như luật xuất bản quy định. Chẳng hạn như bài thơ đầy chất châm biếm thế sự dưới đây:

Lộc giời đến thế thì thôi

Về một chỗ cứ việc ngồi mà ăn

Bao năm mưu chước giật giành

Bệ rồng ngai gấm đều tanh máu người

Sống như chết chửa chôn thôi

Đám đông chễm chệ sợ đời lãng quên

(Vẫn nguyên)

Tôi cũng đã định sửa đi vài chữ, nhưng sửa xong thì thấy nó không còn tí nào khẩu khí “cay nghiệt” kiểu Phạm Xuân Trường rất phù hợp với loại thơ nhạo, thế là đành khôi phục nguyên dạng. Khi tôi nói điều này với ông, Phạm Xuân Trường bảo: “Khổ thân chú !”

Phạm Xuân Trường luôn là ca khó, trong môi trường xuất bản hiện nay. Thành thử vừa mong ông gửi bản thảo, để có thứ gì đó bớt nhàm chán, bớt vô vị và cũng là dịp anh em gặp nhau…nhưng cũng vừa nơm nớp sợ ông anh đầu bạc bất ngờ thông báo sắp có tác phẩm nhờ biên tập ! Bởi vì, như ông từng “tuyên ngôn” trong bài Trước trang giấy: “Nung nấu gửi vào thơ/ Trang giấy trắng mở như hồn trinh nữ” vì thế, không thể, không được phép viết ra “Những câu thơ dối lòng làm vấy bẩn giấy tinh khôi”.

Ngần ấy năm, trong mọi cảnh ngộ, Phạm Xuân Trường vẫn trung thành với lời tuyên thệ thiêng liêng ấy. Thơ của ông là thứ thơ khiến cái xấu, cái ác, cái dởm đời phải cúi mặt, nếu không sợ bị vỗ mặt. Vì thế, nó cũng luôn đốt nóng tâm can bạn đọc.

Tôi vinh hạnh được ông tin tưởng gửi gắm nhờ chăm sóc giúp những đứa con tinh thần yêu quý nhất của ông. Lần nào tôi cũng hồi hộp với tâm trạng của người sắp phải đối diện với sự nguy hiểm. Nhưng nhờ thế, nhờ những lần “xử lý” ông, mà tôi được cùng ông leo dây và được sống bằng cảm giác của diễn viên xiếc.

TẠDUY ANH 07.04.2021

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.