dimanche 11 avril 2021

Hoàng Tư Giang - Tư lệnh giáo dục


Mấy hôm nay, số lượng tin bài về Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn xuất hiện dày đặc bậc nhất trên báo chí và mạng xã hội, có lẽ chỉ sau số lượng tin bài về Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Điều đó cho thấy sự kỳ vọng rất lớn của xã hội với ông, đặt lên vai ông áp lực cải cách sao cho ngành giáo dục phải đáp ứng được nhu cầu đã thay đổi rất lớn của các gia đình và xã hội.

Đừng nhìn vào thứ hạng Pisa, cũng đừng nhìn vào một vài cá nhân xuất sắc, mà hãy nhìn vào thực trạng của ngành giáo dục. Hơn bất kỳ ngành nào khác, giáo dục là tâm điểm giằng xé, là nơi dồn nén nhất của nền kinh tế chuyển đổi này. Nó là thước đo tương phản giữa sự giàu sang và nghèo khó, giữa cái tiến bộ và bảo thủ, giữa nhu cầu phát triển thực tiễn và tư duy giáo điều, bảo thủ…

Tuy vậy, chất lượng nguồn nhân lực - sản phẩm của ngành - thì quá tệ, được xác định là một trong ba “nút thắt” của phát triển và ‘tị nạn giáo dục’ vẫn đang diễn ra ngày càng gay gắt.

Chính vì thế mà nhiều ‘tư lệnh’ đã ra đi trong cay đắng.

Cải cách ngành giáo dục trong một nhiệm kỳ là vô phương, nhưng đặt nền móng để nó phát triển theo tiêu chuẩn của thế giới văn minh trong 10-15 năm thì có thể.

Cần quan tâm đến đời sống vật chất của giáo viên. Hãy khơi dậy trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn giáo dục con em của các bậc phụ huynh. Đừng tư nhân hóa các trường trên diện rộng vì hệ lụy sẽ rất lớn, nhưng cũng cần tăng học phí theo nhịp của thi trường.

Cần giảm can thiệp nhà nước vào các trường để họ tự chủ. Các trường đại học cần tự do học thuật, mà nếu khó quá thì thử nghiệm sand box. Cần khuyến khích các trường và học sinh hướng theo CM4.0 đang thay đổi thế giới cực kỳ nhanh chóng. Cần để cho một số trường phát triển trước thay vì dàn hàng ngang mà tiến.

“Nhân bản” – cái gốc của con người – là thiện lành. Khơi gợi được bản tính căn cốt đó như niềm thương cảm, sự sẻ chia với đồng loại thì còn gì bằng, nhưng cũng cần tôn trọng, khuyến khích cái tôi của mỗi cá nhân. Học văn mà cứ bài mẫu mà chép mới được điểm cao thì nói làm gì, học sử mà chỉ học sự kiện một chiều vì điểm số thì gập sách lại là quên.

Cần đối diện với thực tế, thế hệ học trò hiện nay rất giỏi, nhiều em còn giỏi hơn nhiều thầy cô chuyên môn. Đó là niềm hy vọng cho ngành, cho đất nước nhưng cũng cần đối diện câu hỏi, cái hội giỏi xuất sắc đó làm ở đâu sau này?

Chúng nó đâu vào Nhà nước !

Truyền thông giờ đây tối quan trọng để tạo đồng thuận và giải trình. Nhưng cũng đừng vì truyền thông phản đối mà rụt lại những cải cách.

Tư lệnh giáo dục là vị trí ngồi trên lửa chứ không phải nơi 'vinh thân' dù rất 'vinh dự'.

HOÀNGTƯ GIANG 10.04.2021 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.