lundi 19 octobre 2020

Huy Đức - Đại hội & Đất Sài Gòn


Lê Trương Hải Hiếu đã bị loại khỏi tham vọng ‘thành ủy viên’. Trước Đại hội XII, khi bố đang nắm quyền điều hành Đại hội thành phố, Hiếu cũng đã bị các đại biểu Sài Gòn đánh rớt. Nhưng, sau đó Đinh La Thăng đã rất... chính trị với "anh Hai" bằng cách xin cho Hiếu một phần đặc cách.

Khi chỉ định Hiếu bổ sung Thành ủy viên, Ban Bí thư đương nhiệm đã có một thỏa hiệp đi ngược với chính trị địa phương.

Trước Đại hội XI, Lê Thanh Hải cũng chỉ đắc cử Ban chấp hành áp chót. Thay vì với uy tín ở địa phương thấp như thế, Trung ương phải điều ông Hải đi. Nhưng, khi Nguyễn Tấn Dũng đang mạnh thì Trung ương khó mà đụng tới Lê Thanh Hải. Cái thế lực giữ Lê Thanh Hải ở lại Sài Gòn làm Bí thư đã khiến cho những ung nhọt của Thành phố này càng thêm khó chữa.

Sài Gòn cũng chính là nơi mà trước Đại hội XI, Nguyễn Thanh Nghị - con trai Nguyễn Tấn Dũng - bị các đại biểu gạch tên khỏi tham vọng thành ủy viên. Việc sau đó, Đại hội XI để Nghị chui vào danh sách dự khuyết ủy viên Trung ương đã như gáo nước lạnh tạt vào các đảng viên thực lòng tử tế.

Năm nay, có 45 đảng bộ cấp tỉnh đã đại hội, các đại biểu đảng ở Sài Gòn có vẻ như vẫn có chính kiến hơn. Trong số 11 ứng cử viên bị gạch tên, có một bí thư và 3 chủ tịch đương kim quận, huyện. [Đồng Nai cũng đánh rớt một cơ cấu thường vụ dự kiến phó trực Hội đồng nhân dân, một cơ cấu phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh].

Cách tổ chức Đại hội XIII vẫn đang được thiết kế theo hướng "chặt" hơn. Có những thời điểm vì "chính trị" mà phải "hy sinh dân chủ" như Đại hội XII. Nhưng, có những quy chế không nên trở thành "quy chế cứng". Đặc biệt, cần thiết kế một mô hình chính trị, cái gì "tập quyền Trung ương", cái gì phân xuống địa phương. Chức danh nào Trung ương điều chuyển, chức danh nào chính trị địa phương quyết định cũng phải nên tách bạch.

PS I: Có hai quý tử khác cũng trượt Ban chấp hành lần này nhưng không đáng để nhắc tên [Điều đó cho thấy "con lãnh đạo làm lãnh đạo..." chưa chắc đã phải là "hồng phúc dân tộc" như bà Quyết Tâm từng nói.]

PS II: Ông Nguyễn Văn Nên không ứng cử Ban chấp hành mà được chỉ định; con số "đắc cử 100%" của ông không nên coi là phiếu bầu mà là sự chấp hành của Ban chấp hành quyết định về công tác cán bộ của Bộ Chính trị.

HUY ĐỨC 19.10.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.