dimanche 25 octobre 2020

Hoàng Hải Vân – Lời cầu khẩn của rừng


“Hồn Tổ Quốc ngự giữa rừng sâu thẳm

Rừng điêu tàn là Tổ Quốc điêu linh”

Hai câu thơ trên nhà lâm sinh Hoàng Đình Bá đọc tôi nghe từ hơn 30 năm trước. Nó chính là hai câu cuối của bài thơ “Lời cầu khẩn của rừng” rất phổ biến trong giới khoa học và sinh viên lâm sinh ngoài Bắc cũng như trong Nam :

Người hỡi!

Người có biết, những đêm đông giá lạnh, ta bốc hơi ấm lửa hun nồng;

Người có biết, những ngày nắng gắt, ta cho tàn mát rượi ánh thiêu nung;

Người có biết, dười sườn nhà đồ sộ, ta cho người dầu dãi nắng mưa chan;

Người có biết, trên nếp giường êm ấm, người nương ta an giấc điệp mơ màng;

Người có biết, kìa con thuyền vượt sóng, ta đưa người du ngoạn khắp năm châu;

Người có biết, nọ chuôi cày xới đất, ta vun cây cho nảy nở hoa màu.

Chính ta đã rước người vào cuộc thế, trong chiếc nôi âu yếm mẹ đưa ru.

Rồi ta sẽ tiễn người khi vĩnh biệt, làm áo quan ấm áp giấc nghìn thu.

Người hỡi người, nghe lời ta cầu nguyện,

Chớ hại ta mà vũ trụ âu sầu.

Để ta sống, ta điều hòa mưa nắng, hoa xinh tươi cây cối nẩy thêm tươi.

Để ta sống, ta ngăn luồng vũ bão, chặn cát bay làn gió bốc tung trời.

Để ta sống, ta đùn mây quyện gió, gieo mưa tuôn đầm ấm cõi trần gian.

Để ta sống, ta cản dòng nước lũ, cứu nhân dân cơn thủy nộ lầm than.

Ta là Mẹ của muôn nền hưng thịnh, làng hưng phong xây dựng nước hưng phong.

Ta tô điểm non sông nên gấm vóc, cây xanh cao lá biếc lớp trùng trùng

...

Người hỡi!

Hồn Tổ quốc ngự giữa rừng sâu thẳm,

Rừng điêu tàn là Tổ quốc suy vong!

B.B

B.B chính là kỹ sư lâm sinh Bùi Bá. Ông đã phỏng dịch một bài thơ nổi tiếng bằng tiếng Pháp “Prière de la Forêt” không rõ tác giả. Đến năm 1982, kỹ sư Bùi Bá đã thêm hai câu cuối dịch từ bài thơ “La Forêt” của Claude Adhémar André Theuriet, một nhà lâm sinh kiêm thi sĩ cũng người Pháp (1833-1907).

Bài “Prière de la Forêt” phổ biến trong những người yêu rừng trên khắp thế giới. Ở Việt Nam, ngoài bài thơ phỏng dịch của kỹ sư Bùi Bá nói trên, vào năm 1996, báo Tuổi Trẻ đã đăng bài viết của nhà văn Võ Hồng giới thiệu bài thơ này mà ông đã nhìn thấy vào năm 1945 trên một tấm bảng gỗ ở Đà Lạt. Sau đó Tuổi Trẻ cũng công bố bức ảnh bảng gỗ này do một cư dân Đà Lạt (ông Lương Hòe) chụp vào năm 1942. Ông Võ Hồng cũng như báo Tuổi Trẻ giới thiệu bài thơ để nhắn nhủ mọi người ý thức bảo vệ rừng, nhưng vô vọng.

Giáo sư Lê Văn Ký, nhà lâm sinh nổi tiếng nước ta (từng làm hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm thuộc Viện đại học Bách Khoa Thủ Đức trước 1975, sau hòa bình vẫn tiếp tục giảng dạy tại trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho đến khi về hưu), cho biết, ngoài tấm bảng gỗ ở Đà Lạt, trước 1945 bài “Prière de la Forêt” còn được một giám đốc người Pháp của Nha Thủy Lâm miền Nam khắc chữ gỗ trên cửa vào Nha Thủy Lâm.

Năm 1960, ông sang Ấn Độ, cũng thấy bài thơ đó bằng tiếng Anh gắn trên tường nhà ăn của Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Lâm nghiệp. Năm 1962, trong chuyến đi Cộng hòa Liên bang Đức, giáo sư Ký cũng nhìn thấy bài thơ đó bằng tiếng Đức, tác giả là Hannes Tuch, ông đã nhờ một giáo sư Đức dịch ra tiếng Pháp, thì nó chính là bài “Prière de la Forêt”. Lần theo địa chỉ, giáo sư Ký đã biên thư gửi tác giả bài thơ, ông Hannes Tuch rất vui mừng cho biết bài thơ ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Bài thơ cũng được phổ biến ở Mỹ, một số bộ lạc da đỏ còn đọc nó trước các lễ hội để nhắc nhở mọi người bảo vệ rừng.

Bài “Prière de la Forêt” nguyên văn tiếng Pháp như sau :

Homme !

Je suis la chaleur de ton foyer

par les froides nuits d’hiver,

l’ombrage ami

lorsque brûle le soleil d’été.

Je suis la charpente de ta maison,

le plancher de la table.

Je suis le lit dans lequel tu dors

et le bois dont tu fais les navires.

Je suis le manche de la houe

et la porte de ton enclos.

Je suis le bois de ton berceau

et de ton cercueil.

Ecoute ma prière,

Ne me détruis pas !

(Tạm dịch của Tuổi Trẻ : Lời khẩn cầu của rừng. Hỡi Người! Tôi là hơi nóng của bếp anh trong những đêm đông lạnh, là bóng mát thân quen khi trời hè thiêu đốt. Tôi là sườn nhà anh, là tấm ván bàn (của) anh. Tôi là giường để anh nằm và (là) gỗ mà anh đóng tàu. Tôi là cán của cuốc anh và (là) cửa của rào anh. Tôi là gỗ của (chiếc) nôi anh (nằm) và của quan tài anh (khi chết). Hãy nghe lời khẩn cầu của tôi: Đừng hủy diệt tôi!).

Dù là bản phóng tác của kỹ sư Bùi Bá hay là nguyên văn tiếng Đức, bản dịch tiếng Pháp hay tiếng Anh, “Lời cầu khẩn của rừng” vẫn là sự rên xiết, sự gào thét thiết tha tội nghiệp suốt một thế kỷ qua của rừng xanh và những người yêu rừng. Nhân loại đã phải trả giá, nhưng lời gào thét của rừng xanh vẫn va vào những đôi tai điếc của số đông nhân loại !

HOÀNGHẢI VÂN 25.10.2020

Bài viết có tham khảo :

- Về bài thơ Lời cầu nguyện của rừng. Giáo sư Lê Văn Ký, Huỳnh Minh Bảo ghi. Báo Khoa học phổ thông, 1998, số 450.

- Báo Tuổi Trẻ.

Và các tài liệu khác.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.