mercredi 14 octobre 2020

Hà Phan - Thủy điện và thiên tai

Cho đến sáng nay vẫn chưa tìm kiếm được 13 cán bộ chiến sĩ, trong đó có Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Văn Man gặp nạn trên đường vào cứu hộ công nhân thủy điện Rào Trăng 3.

Chủ đầu tư cho biết có gần 20 công nhân chưa liên lạc được, còn các lực lượng chức năng đưa ra con số 30 người, kể cả 13 cán bộ chiến sĩ hiện chưa tìm ra! Quân đội đã điều trực thăng vào hiện trường và ưu tiên cứu người bằng mọi cách có thể.

Bốn, năm năm trước, đã có nhiều ý kiến phản đối việc xây dựng cùng lúc 4 thủy điện ở Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, 3 cái ngay vùng lõi và 1 tại khu phục hồi sinh thái. Trong số đó có Rào Trăng 3 vừa gặp nạn khiến đoàn 21 cán bộ chiến sĩ phải vào ứng cứu rồi gặp sạt lở chưa tìm ra 13 người!

Chủ đầu tư Rào Trăng xác nhận đã có 3 công nhân thiệt mạng chưa mang xác ra được, và hơn 10 công nhân khác không liên lạc được!

Năm 2008, UBND Thừa Thiên - Huế quyết định phê duyệt quy hoạch thủy điện nhỏ ở tỉnh này. Theo đó, trong số 8 thủy điện ưu tiên đầu tư thì 4 thủy điện (Alin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4...) nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.

Ông Đặng Vũ Trụ, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền thời điểm 2017, cho biết TL71 dài hơn 50 km nhưng có đến 25 km qua khu bảo tồn!

Tương tự, cả 4 nhà máy thủy điện trên đều nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, thuộc vùng lõi và khu vực phục hồi sinh thái. Khoảng 200 ha rừng phải chuyển đổi mục đích để thi công các dự án thủy điện!

Rồi người ta sẽ cho biết cả 4 thủy điện trên được phê duyệt đúng quy trình, đúng quy định và đánh giá các tác động môi trường.

Họ cũng sẽ bảo rằng thiên tai thì làm sao lường hết được, mà không làm thủy điện lấy đâu ra đủ điện cho quốc gia.

Vâng! Lý nào họ cũng đúng chỉ có người chết và mất liên lạc, có thể bị đất đá vùi lấp là tại... Trời mà thôi.

Còn dưới đồng bằng họ sẽ lý giải rằng không xả lũ sẽ vỡ đập, mà xả lũ " đúng quy trình" thì bao nhiêu con người khốn cùng như thế đấy!

Ăn của rừng rưng rưng nước mắt và những thảm cảnh hôm nay là hậu quả của ngày hôm qua. Khi mà " rừng cơ bản bị phá", sông suối bị thay đổi dòng chảy, xây dựng vô tội vạ, tiêu xài tài nguyên thiên nhiên hoang phí.

Rất nhiều người trong chúng ta cũng có phần lỗi. Nếu không ngăn cản phản đối thì cũng im lặng đồng lõa với những kẻ tàn phá thiên nhiên và đồng bào đang phải trả cái giá quá đắt.

Đất nước năm nào cũng bão tố, miền Trung luôn oằn mình hứng chịu thiên tai và bao giờ mới hết cảnh mẹ chờ con, vợ chờ chồng, đồng đội tìm nhau, người dân lo lắng... từng đêm khắc khoải, đau đớn như hai đêm qua họ chờ và cầu mong cho 13 cán bộ chiến sĩ cùng các công nhân trở về bình an!

HÀ PHAN 14.10.2020 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.