jeudi 8 octobre 2020

Chu Mộng Long - Tôi, tiến sĩ, xin xuống học lớp Một


Đọc sách Tiếng Việt Một, tôi, tiến sĩ ngữ văn cũng khóc.

Nhiều từ ngữ ở sách lớp Một tôi chưa bao giờ dùng mặc dù tôi đã làm cả luận văn, luận án, công trình, kể cả sáng tác thơ, văn bằng tiếng Việt. Có nghĩa là vốn từ tiếng Việt của tôi thua học sinh lớp Một học chương trình ông Thuyết, ông Thống?

Không dùng thì ắt không hiểu nghĩa. Ví dụ "gà nhí", "gà nhép", "nhá cỏ", "nhá dưa"... Không chừng rồi phải học luôn cả "lói ngọng", "lền trời", "trừu mến", "học xinh"??? Chẳng phải từ điển phổ thông Nguyễn Văn Khang đã đưa vào những từ như vậy để học sinh học?

Nghe PGS Đoàn Lê Giang trả lời phỏng vấn báo chí, rằng đó là những từ địa phương ngoài Bắc, không phải từ phổ thông.

Thôi rồi. Lâu nay nhiều người bảo ta đang ở thời kỳ Bắc thuộc. Tôi cứ tưởng người ta nói thuộc Bắc Kinh, nào ngờ Bắc thuộc là lệ thuộc Bắc Việt, lấy cách nói của dân quê vô học ngoài Bắc làm ngôn ngữ chuẩn. Vậy là ông Thuyết chủ trương cải cách căn bản và toàn diện giáo dục bằng cách buộc trẻ em toàn quốc phải học dân quê ngoài Bắc mới đạt chuẩn trình độ văn hoá phổ thông!

Và nữa. Mới vào lớp Một mà phải đọc thông truyện ngụ ngôn. Truyện ngụ ngôn đòi hỏi một vốn sống và tầm trí tuệ cao mới hiểu được. Tôi, trình độ tiến sĩ thử đọc vài truyện, và thú thực tôi cũng hiểu lơ mơ. Đó là chưa nói có những chuyện không phải ngụ ngôn nhưng do các ông bà soạn sách bịa ra, nội dung toàn những trò láu cá, lưu manh. Tôi thật thà khó mà học nổi.

Đọc đến bài học "Cua, Cò và đàn cá", tôi phải soi đi soi lại từng từ nhưng chẳng thấy Cua đâu? Chắc là học sinh học nghệ thuật trừu tượng? Chuyện kể một họa sĩ triển lãm tranh với bức tranh không có đường nét màu sắc gì, nhưng lại chú tên bức tranh là "Đàn bò gặm cỏ". Người xem hỏi cỏ đâu? Hoạ sĩ nói bò ăn hết rồi. Người xem hỏi bò đâu? Họa sĩ nói bò ăn hết cỏ nên cũng bỏ đi hết rồi. Vậy trong bài học này có thể hiểu ông Thuyết muốn nói Cá thì Cò ăn, còn Cua thì bị tao ăn từ khi làm chương trình rồi.

Tôi học phổ thông rồi đại học có quá nửa số thầy cô giáo ngoài Bắc vào Nam dạy. Rồi hai năm học thạc sĩ ngoài Bắc. Chỉ có bốn năm làm tiến sĩ trong Nam. Nghĩ cũng lạ vì chưa thấy thầy nào ngoài Bắc dùng những từ như vậy. Có lẽ vì vậy mà khi thử tự học lớp Một theo chuẩn của ông Thuyết, ông Thống xem sao, cá nhân tôi thấy khó thật.

Đích thị là do tôi ngu rồi. Vậy thì phải học lại bắt đầu từ lớp Một cải cách thôi. Nhưng theo GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết và GS.TS. Nguyễn Thị Hạnh thì thầy cô thấy khó, nặng vì "không biết dạy". Vậy thì tôi đề nghị chính ông Thuyết và bà Hạnh phải trực tiếp dạy tôi mới được. Bạn nào muốn học thì vào đây đăng ký. Học phí thì hỏi ông Thuyết. Theo tôi đoán, giá phải cao gấp bốn lần bình thường thì ông ấy mới không bị lỗ.

Ghi chú: khi đã đăng ký đủ số lượng cho một lớp rồi mà ông Thuyết, bà Hạnh không chịu dạy thì... đừng có trách!

CHUMỘNG LONG 06.10.2020 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.