vendredi 9 octobre 2020

Chu Mộng Long - Ngụ ngôn không phải là truyện cho trẻ em

Vừa trả lời phỏng vấn nhanh của báo Thanh Niên về vấn đề sách Tiếng Việt 1 cải cách có quá nhiều truyện ngụ ngôn. Đăng lại ở đây. Nay mai xong một số việc đang cần gấp gáp, tôi sẽ viết đầy đủ, rõ ràng hơn.

Khi biên soạn giáo trình Văn học cho thiếu nhi, phần văn học dân gian, tôi có nói đến thể loại ngụ ngôn. Nhưng tôi cũng rào trước, rằng ngụ ngôn không là folklore đích thực. Ngụ ngôn mang tính trí tuệ hàn lâm hơn là tính chất bình dân.

Về nguồn gốc, thể loại này ra đời từ các triết gia cổ đại nhưng khuyết danh hoặc mang danh một ông nào đó kể lại.

Thời cổ có hai loại triết học: tư duy siêu nghiệm và thường nghiệm. Loại thứ nhất thuần túy trừu tượng. Loại thứ hai thể hiện suy tư về cuộc sống qua quan sát và trải nghiệm của cá nhân rồi đi đến bài học chung cho cả cộng đồng. Trong phép loại suy đơn giản của logic hình thức, ngụ ngôn thường sử dụng hình tượng loài vật như một ẩn dụ về một triết lý. Điều này làm cho ngụ ngôn khác biệt với truyện loài vật.

Ngụ ngôn không lấy loài vật làm đối tượng miêu tả (đặc điểm tự nhiên và mối tương quan với xã hội con người) như truyện loài vật, mà chỉ dùng cái tên loài vật như một phương tiện minh họa cho bài học triết lý, còn gọi là hình tượng giả trang. Cho nên hình tượng của ngụ ngôn không là hình tượng trực quan sống động mà là hình tượng của suy tư trừu tượng, tức vẫn đi đến siêu nghiệm như triết học thuần túy.

Cho nên có loại ngụ ngôn trẻ em tạm hiểu được, và có loại trẻ em không thể hiểu được. Loại hiểu được là những truyện đơn giản nằm trong tiềm năng và phạm vi trải nghiệm của trẻ. Còn loại không thể hiểu được là những truyện hoàn toàn thuộc trải nghiệm của người lớn.

Trải nghiệm của người lớn rất phức tạp khi con người phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề của cuộc sống: dối trá, lọc lừa, thủ đoạn… Những truyện này nếu áp đặt cho trẻ em, không chỉ trẻ em không thể hiểu được mà còn tác động ngược.

Do tính chất hàm ẩn rất trừu tượng của hình tượng giả trang, cho nên cái sai, cái xấu bị phê phán, giễu cợt trong ngụ ngôn nhiều khi như ma nhập trực tiếp vào trẻ em làm cho trẻ em tự đồng hóa mình với nhân vật. Không chừng trẻ em thấy lười biếng, lừa lọc, dối trá… tốt hơn là thật thà, siêng năng...mà với giới hạn lứa tuổi ấy, kể cả giới hạn của giờ học chữ, thầy cô rất khó nói sao cho chúng hiểu.

Tôi hiểu những người soạn sách Tiếng Việt 1 cải cách muốn tích hợp học chữ với học trải nghiệm cuộc sống qua ngụ ngôn, nhưng sự tích hợp ấy là vội vàng và hoàn toàn sai lầm. Không nhất thiết phải biến trẻ mới 6 tuổi thành người lớn nhanh, vì như vậy là giết chết tuổi thơ hồn nhiên của con trẻ. Mà sự lớn nhanh theo tác động tiêu cực từ trong những mẩu chuyện như vậy thì là một thảm hoạ của xã hội.

Đó là chưa nói, các mẩu chuyện gọi là “phỏng theo” Lev Tolstoy hay La Fontaine đã bị các nhà soạn sách cắt xén, xuyên tạc hoàn toàn khác với nguyên bản. Trong trường hợp ấy, thầy cô nếu không biết nguyên bản sẽ còn hiểu sai và dạy sai, huống hồ là đặt vào không gian quá tầm đón nhận của trẻ em.

Tôi thật sự bất ngờ là truyện ngụ ngôn lại chiếm một dung lượng lớn trong sách Tiếng Việt 1. Cái chữ với trẻ em đã là ký hiệu trừu tượng, lẽ ra chính câu chuyện và hình ảnh trực quan sẽ làm cho cái chữ trừu tượng trở nên gần gũi, dễ hiểu. Đằng này người viết sách chủ quan ném truyện ngụ ngôn vào đó làm cho cái trừu tượng thêm trừu tượng và rắc rối, phức tạp hơn nữa.

Cách bắt ép con chữ với những từ ngữ lượm lặt vỉa hè của dân nói tiếng lóng như “nhá cỏ”, nhá dưa”, “gà nhí”, “gà nhép”,… tưởng sẽ phù hợp với nội dung học chữ. Đằng này một mặt làm cho câu văn tối nghĩa, mặt khác làm méo mó, lệch lạc truyện gốc, biến truyện đã khó hiểu lại càng thêm khó hiểu. Đó là mục tiêu phát triển năng lực theo nghĩa đánh thức và phát huy tiềm năng của lứa tuổi hay thách đố trí tuệ trẻ em?

Kết luận nôm na thế này. Đối với người lớn, khi tôi nói toạc móng heo mọi thứ mà nhiều người còn chưa hiểu rồi sinh tranh cãi, chụp mũ tùy tiện, huống hồ nói chuyện ngụ ngôn, tức hàm ẩn, bóng gió với trẻ em?

CHU MỘNG LONG 08.10.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.