jeudi 1 octobre 2020

Chống đại dịch corona : Ngoại lệ Việt Nam


Đăng ngày:

Tuy không phải là Mông Cổ, không có ca tử vong nào, nhưng theo nhật báo kinh tế Pháp, Việt Nam có thể tự hào là đã chận đứng được nạn dịch virus corona. Cho đến nay, Việt Nam chỉ có 1.077 ca dương tính và 35 người thiệt mạng, so với dân số lên đến gần 100 triệu người. Ngay từ khi những ca đầu tiên tại ổ dịch Vũ Hán được tiết lộ, chính quyền Việt Nam nhanh chóng gia tăng kiểm soát khắp nơi, hạn chế di chuyển đồng thời đưa đi cách ly những người nhập cảnh.

Hà Nội đã phải xoa dịu một ít căng thẳng với nước láng giềng khổng lồ, sau khi đã thẳng thừng cho ngưng các chuyến bay nối với Trung Quốc và đóng cửa biên giới trên đất liền. Thương mại xuyên biên giới bị ảnh hưởng nặng, tuy nhiên GDP quý III của Việt Nam vẫn tăng 2,62% so với cùng kỳ năm ngoái. Và theo Tổng cục Thống kê, mục tiêu tăng trưởng 2% cho năm nay là không ngoài tầm tay.

Trong 9 tháng qua, xuất khẩu của Việt Nam tăng 4,2% và sản xuất cũng tăng, có thể duy trì nhịp độ của năm trước. Một cuộc điều tra trong giới kỹ nghệ cho thấy 81% tin rằng vẫn giữ được đà tiến. Cũng theo cơ quan thống kê, chính phủ dành ưu tiên cho đầu tư công và sẽ tiếp tục trong năm tới, còn tiêu thụ của các hộ gia đình sẽ tái khởi động từ nay đến cuối năm và sẽ kéo dài cho đến Tết âm lịch, vào ngày 12/02/2021.

Trong khi đó tại một số nước châu Á khác, tình hình bi quan hơn. Ở Ấn Độ, đại dịch đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo về giáo dục. Phóng sự của Le Monde cho biết đã bảy tháng qua, 321 triệu học sinh, sinh viên không được đến trường. Hôm 16/03 mới có 500 ca nhiễm, thủ tướng Modi đã ra lệnh đóng cửa các trường học, và nay chỉ trong 11 ngày qua đã có đến 1 triệu ca nhiễm mới, trẻ em nhà nghèo có nguy cơ thất học hẳn, còn nhà giàu có thể mướn giáo viên đến kèm cặp tại gia.

Tại Thái Lan, đại dịch gây ra vô số vụ phá sản và làm ngành du lịch suy sụp, số vụ tự tử còn nhiều hơn so với số nạn nhân chết vì con virus. Trong 7 tháng đầu năm  nay có đến 2.551 người tự sát, trong khi chỉ có 3.500 ca nhiễm và 59 trường hợp tử vong.


Yếu tố di truyền và miễn dịch khiến bệnh nhân chuyển sang thể nặng

Về phương diện khoa học, để chống chọi với virus corona, Le Monde cho biết kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo, hay trao đổi oxy từ màng ngoài cơ thể), đã giúp cứu sống được 70% bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Đây là cơ hội cuối cùng cho những người mà sự sống chỉ còn đếm từng ngày. Bên cạnh đó, cần phải nhận diện tốt hơn các bệnh nhân có nguy cơ chuyển sang thể nặng.

Nếu người bị nhiễm virus corona chủng mới thường có ít hoặc không có triệu chứng, khoảng 5% số người bị lây nhiễm lại bị diễn biến nặng thậm chí tử vong, mà số lượng nạn nhân đã vượt qua ngưỡng 1 triệu người từ hôm Chủ nhật 27/09. Ngoài các yếu tố có thể làm cho bệnh nặng thêm như tuổi tác, giới tính, béo phì, tiểu đường…hai công trình nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Science cho thấy còn có yếu tố di truyền và miễn dịch.


Tối cao Pháp viện : Nỗ lực ghi dấu ấn lâu dài của ông Trump

Nhìn sang nước Mỹ, Le Monde trong bài phân tích về những lời hứa được thực hiện và những thất bại của Donald Trump, nhận định, nhiệm kỳ tổng thống của ông được đánh dấu bằng các quyết định ấn tượng về đối ngoại.

Một trong những quyết định mang tính biểu tượng nhất là việc chuyển tòa đại sứ Mỹ ở Israel đến Jerusalem. Được Quốc hội Mỹ thông qua với đa số áp đảo năm 1995, nhưng ba tổng thống liên tiếp, gồm hai thuộc đảng Dân Chủ và một Cộng Hòa đều chần chừ không thực hiện, với lý do để không cản trở tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine mà Washington làm trung gian.

Tháng 5/2017, Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước khí hậu Paris - tuy quyết định này chưa có hiệu lực trước cuộc bầu cử tổng thống, và một năm sau là hiệp định nguyên tử Iran. Về thương mại quốc tế, một trong những hành động đầu tiên của ông Trump khi bước vào Nhà Trắng là ra khỏi TPP, rồi tái thương lượng thỏa thuận tự do mậu dịch với hai nước láng giềng Canada và Mêhicô (NAFTA).


Những người chỉ trích nhấn mạnh, TPP lẽ ra đã có thể giúp cập nhật NAFTA về sở hữu trí tuệ, internet và nông nghiệp ; hơn nữa, việc không tham gia TPP khiến Hoa Kỳ mất đi một công cụ quan trọng trong việc chận đứng Trung Quốc.

Về đối nội, tổng thống Donald Trump cũng giữ lời hứa về những chủ đề quen thuộc của phe Cộng Hòa. Chẳng hạn nới lỏng vấn đề môi trường, cải cách thuế khóa với những ưu đãi cho doanh nghiệp và người thu nhập cao – cho dù vẫn chưa bằng thời Ronald Reagan.

Ông cũng bổ nhiệm hàng loạt thẩm phán bảo thủ ở các cấp, và mới đây nhất là việc đề cử bà Amy Coney Barrett vào Tối cao Pháp viện. Những thẩm phán ở tòa tối cao có thể tại vị suốt đời, đây là di sản lâu dài nhất của ông Donald Trump.


Donald Trump, tổng thống giữ lời hứa nhưng cũng vấp phải nhiều thất bại

Le Monde cho rằng, là tổng thống giữ đúng các lời hứa khi tranh cử, nhưng ông Trump cũng vấp phải những thất bại nặng nề. Một Donald Trump quen thuộc với ngành xây dựng nhưng lại không thể hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của đất nước, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế chưa thể đạt 4% và sản xuất than đá lại tụt xuống thấp.

Đặc biệt là việc xây dựng bức tường biên giới với Mêhicô : chưa bao giờ Hạ Viện chấp thuận ngân sách được ông đòi hỏi, Obamacare cũng chưa thay thế được. Về nhập cư, chính quyền Trump tuy giới hạn nhập cảnh từ các nước Hồi giáo, hạn chế lượng di dân hợp pháp, nhưng việc trục xuất người không giấy tờ lại thấp hơn dưới thời tổng thống Dân Chủ trước.

Trong đối ngoại, Mỹ giành chiến thắng về quân sự đối với tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhưng Iran đang tiếp tục làm giàu uranium, Bắc Triều Tiên vẫn là mối đe dọa, thương lượng về thương mại với Trung Quốc vẫn giậm chân tại chỗ.


Canada, châu Âu không ảo tưởng về Joe Biden

Canada hồi hộp theo dõi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. « Là láng giềng với các vị, cũng như ngủ chung với một con voi » - thủ tướng Pierre Elliott Trudeau hồi năm 1969 đã nói đùa như vậy tại Washington. Nửa thế kỷ sau, đến lượt con trai ông là Justine Trudeau cũng phải vất vả bên cạnh nước láng giềng hùng mạnh.

Cũng như người cha có quan hệ không đầm ấm với Richard Nixon, thủ tướng Justine Trudeau từ bốn năm qua phải đối mặt với ông Donald Trump khó đoán định. Nhờ nhà đàm phán khôn khéo Chrystia Freeland, nay là phó thủ tướng phụ trách kinh tế, mà Canada mới đạt được thỏa thuận mới với Hoa Kỳ và Mêhicô, sau nhiều đe dọa của ông Trump.

Canada cũng chịu ảnh hưởng vụ Mạnh Vãn Châu. Có nhà nghiên cứu cho rằng nếu tổng thống Donald Trump tái đắc cử, áp lực sẽ tăng lên vì thủ tướng Justine Trudeau phải chứng minh tài xoay sở trước người dân, còn Joe Biden vốn đã chủ trương đa phương. Tuy nhiên một nhà quan sát khác lo ngại sẽ không có thay đổi gì, khi nghe ông Biden hứa hẹn với cử tri « xây dựng một nền kinh tế tương lai hoàn toàn tại nước Mỹ ».

Tương tự về phía châu Âu, tác giả Arnaud Leparmentier trong bài « Joe Biden và các ảo ảnh thương mại của châu Âu » cho rằng nên chuẩn bị trước tinh thần nếu ông Biden bước vào Nhà Trắng. Đã hẳn đây là khuôn mặt quen thuộc thời Obama, không có những phát biểu gây tranh cãi như ông Trump. Tuy nhiên một trong những cố vấn chính của Biden đã tuyên bố sẽ chấm dứt việc cán cân thương mại nghiêng về châu Âu đối với nông sản.

Cuộc cạnh tranh Airbus-Boeing, thuế GAFA, hàng xa xỉ là những chủ đề gay gắt khác, đặc biệt là chính quyền Obama-Biden từng không nhượng bộ một ly nào  trong vấn đề đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia. Trong một bài viết khác, Le Monde nhắc nhở chương trình « Mua hàng Mỹ và sản xuất tại Mỹ » của ông Biden không khác mấy so với « America First » của ông Trump.


Armenia ở thế cô lập trong cuộc chiến với Azerbaijan

Về tình hình căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan với nhiều trận đánh dữ dội từ nhiều ngày qua, La Croix nhận xét, người thất trận cách đây 30 năm đang nhất quyết muốn chiếm lại Thượng Karabath và những vùng lân cận. Đối với Armenia, cú sốc là rất lớn.

Đất nước nhỏ bé này đang bị cô lập. Bị kẹt giữa hai quốc gia thù địch là Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ - vốn luôn từ chối công nhận vụ đế quốc Ottoman diệt chủng người Armenia - nên Erevan chỉ có thể trông cậy vào Nga về quân sự. Căn cứ Gyumri của Nga nằm cách Thổ Nhĩ Kỳ 10 km, lại là tiền phương của Nga trước NATO. Armenia có cộng đồng kiều bào sống rải rác khắp châu Âu, cũng có thể kêu gọi sự hỗ trợ của Liên hiệp Châu Âu (EU) và theo tờ báo, quốc gia này xứng đáng được giúp đỡ vì đã cải cách dân chủ từ hai năm qua.

Thủ tướng Armenia, ông Nikol Pachinian 45 tuổi vốn là cựu nhà báo, dân biểu đối lập, hôm Chủ nhật 27/09 đã phải đóng vai trò tổng tham mưu trưởng quân đội : ra lệnh tổng động viên, thiết quân luật. Ông lên nắm quyền nhờ một cuộc cách mạng nhung năm 2018, chống nạn tham nhũng, chống tổng thống Serge Sarkissian và giới cầm quyền từ thời Liên Xô cũ.


Xung quanh phiên tòa xử các vụ khủng bố ở Paris

Tại Pháp, Libération cho biết một mẻ lưới vừa được tung ra để cắt nguồn tài trợ cho thánh chiến. Cảnh sát khám xét 55 căn hộ tại 26 vùng, câu lưu 29 nghi can. Cơ quan Tracfin theo dõi việc mua các phiếu để chuyển tiền ảo cho thánh chiến ở Syria, do hai quân thánh chiến quốc tịch Pháp bị truy nã quốc tế, đang ở tây bắc Syria cầm đầu. Đường dây này được cho là đã chuyển hàng trăm ngàn euro cho quân khủng bố của Al Qaida và tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Về truyền thông, tại phiên tòa xử các vụ khủng bố năm 2015 ở Paris, giới báo chí bị chỉ trích vì vô tình hay cố ý tiết lộ danh tính các nạn nhân hay nhân viên an ninh. Người hiến binh đã bắn bị thương tên khủng bố Cherif Kouachi đã phải xin chuyển công tác vì khuôn mặt bị che mờ một cách vụng về trong một cuộc phỏng vấn khiến người khác có thể nhận ra.

Đôi khi truyền thông còn tách khỏi vai trò người quan sát : trong khi cảnh sát chưa liên lạc được với hai anh em Kouachi đang cố thủ trong một xưởng in, thì một nhà báo của đài BFMTV đã gọi cho bọn chúng. Tương tự tại Hyper Cacher, nơi kẻ khủng bố Amedy Coulibaly giữ khoảng 20 con tin, chỉ trong vòng 30 phút điện thoại để bàn của siêu thị này đã nhận được đến 300 cuộc gọi từ các đài truyền hình, truyền thanh. Ngược lại, lần này các nhà thương lượng của cảnh sát nói chuyện được với Coulibaly nhờ…đài BFMTV cho số điện thoại !

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.