dimanche 13 septembre 2020

Trần Trung Đạo - 14 tháng 9, 1958


Người Việt Nam phải ghi nhớ ngày 14 tháng 9, 1958: Ngày cộng sản Việt Nam (CSVN) dâng Hoàng Sa cho Trung Cộng.

CSVN “dâng nạp Hoàng Sa” và CSVN có đủ tư cách pháp lý để “dâng nạp Hoàng Sa” hay không là hai chuyện khác nhau.

Chuyện tư cách pháp lý đã được, phần đông là người Việt, bàn gần hết giấy hết mực nhưng cuối cùng chỉ có tòa án quốc tế thuộc UNCLOS mới có đầy đủ thẩm quyền trả lời.

Chuyện “dâng nạp” thì đã rõ ràng rồi.

Sau nhiều năm chối quanh co, CSVN đã thừa nhận là có dâng nhưng với lý do này lý do nọ. Dù nhân danh lý do gì cũng không thể biện minh cho tội bán nước.

Lý luận cho rằng trong văn bản do Phạm Văn Đồng ký không có nhắc tới Hoàng Sa và Trường Sa nên không có giá trị. Đây là lý luận ấu trĩ.

Văn bản Phạm Văn Đồng công nhận bản tuyên bố của Trung Cộng, trong đó Trung Cộng đã tuyên bố chủ quyền trên nhiều đảo trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa, việc Phạm Văn Đồng có nhắc hay không không còn quan trọng nữa. Khi bán một tài sản thì không những nhà cửa mà cả cây cối cũng thuộc quyền sở hữu của chủ mới. Trẻ con cũng không thể nói giấy bán nhà không nhắc tới cây khế trong vườn.

NGÀY 14 THÁNG 9 NĂM 1958, HỒ CHÍ MINH DÂNG HOÀNG SA CHO MAO TRẠCH ĐÔNG

Ngày 4 tháng 9 năm 1958, Quốc hội Trung Cộng ra tuyên bố bốn điểm về chủ quyền của các đảo trên biển. Điểm thứ nhất và thứ tư có liên hệ trực tiếp đến lãnh thổ Việt Nam gồm « Tây Sa » tức Hoàng Sa, và « Nam Sa » tức Trường Sa.

Tuyên bố của Trung Cộng ghi rõ: “Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ (Penghu), quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.”

Ngày 14 tháng 9 năm 1958, Phạm Văn Đồng, Thủ tướng cộng sản Việt Nam, gởi cho Thủ tướng Trung Cộng Chu Ân Lai một công hàm “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc.”

Ngày 22 tháng 9 năm 1958, công hàm đã được đăng trên báo Nhân Dân để toàn đảng, toàn dân và toàn thế giới biết hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Cộng.

Phạm Văn Đồng đặt bút ký vì y được giao chức vụ Thủ tướng, nhưng không phải là người quyết định dâng đảo. Đây không phải là chuyện đối nội mà là đối ngoại và có ảnh hưởng đến suốt dòng lịch sử mai sau.

Sau Đại hội Đảng lần II và hàng loạt thay đổi nhân sự vào năm 1956, Bộ Chính Trị đảng Lao Động Việt Nam (CSVN) vào ngày 14 tháng 9, 1958 gồm: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Hoàng Văn Hoan, Phạm Hùng.

Năm 1958, Lê Duẩn mới từ Nam ra Bắc, Trường Chinh vừa bị khiển trách sau vụ Cải Cách Ruộng Đất và bị hạ bệ, Hồ Chí Minh là người trực tiếp điều hành Bộ Chính Trị CSVN và đương nhiên chịu trách nhiệm lãnh đạo cả nhà nước CSVN. Văn bản dâng đảo do Phạm Văn Đồng ký phải được Hồ Chí Minh thông qua và chấp thuận.

Thời điểm năm 1958 là thời điểm căng thẳng giữa Trung Cộng và Mỹ về vấn đề Đài Loan. Hồ Chí Minh vẫn có thể làm vừa lòng Mao mà không phải dâng đảo, nếu công hàm của Phạm Văn Đồng chỉ nhằm ủng hộ quan điểm Mao về vấn đề Đài Loan thôi.

Nhưng không. Thay vì gạch đít, đóng khung, tô màu hai chữ Đài Loan trong văn bản, Hồ Chí Minh dâng cả Biển Đông cho Mao trong chỉ một câu: “Ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc.”

Phân tích “công hàm Phạm Văn Đồng” không phải để thừa nhận nó, nhưng để thế hệ trẻ Việt Nam thấy được âm mưu cộng sản hóa Việt Nam được che giấu trong chiêu bài “giải phóng dân tộc”.

“Công hàm Phạm Văn Đồng” về lý luận và tư tưởng còn phản ảnh ý thức vong bản của những kẻ phản quốc đang được thần tượng hóa tại Việt Nam.

Các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã và đang giúp soi sáng những vùng lịch sử trước đây bị che đậy, bưng bít. Và qua đó, các thế hệ trẻ Việt Nam có cơ hội học, đọc và hiểu rõ những ai thật sự đã “rước voi giày mả tổ” Việt Nam.

TRẦN TRUNG ĐẠO 13.09.2017

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.