lundi 15 juin 2020

Huy Đức - Có nên tiếp tục « sinh sản thẩm phán cận huyết »



Sau phát biểu của Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TAND TC) Nguyễn Trí Tuệ, nghe thêm ý kiến của Phó Chánh án Tòa cấp cao tại TPHCM Phạm Hồng Phong, tự hỏi, sao lên đến những vị trí cao vậy mà các vị ấy vẫn phát ngôn rất vô chính trị. 

Không rõ, hai ông tòa này có nằm trong số 1.116 thẩm phán mà "ngành đã 'vơ vét', tận dụng... và bổ nhiệm thêm" từ "các thẩm phán chưa đạt yêu cầu" như Chánh án TAND TC Nguyễn Văn Hiện nói trước Quốc hội năm 2006.

Một lần ghé một thẩm phán về hưu ở Thủ Đức. Ông kể, năm rồi tình cờ gặp lại người thư ký cũ, hỏi làm gì thì cậu ấy bảo đang là Phó Chánh án TAND TC. "Hậu sinh khả úy" là bình thường, nhưng rất ít người trong ngành biết anh ấy đã ngồi xử những vụ án nào, trong khi quá nhiều người biết anh ấy có mặt với tư cách "rót rượu" ở những đám giỗ nào ở nhà những người đồng hương quyền lực.

Chúng ta không nên kỳ thị những người lúc trẻ không có điều kiện học hành, sau phấn đấu vươn lên. Nhưng nếu chỉ "tận dụng lực lượng đã có" trong Ngành; tận dụng những thư ký thậm chí lái xe... lấy mấy cái bằng tại chức, tận tụy với xếp rồi lên thì đội ngũ thẩm phán ấy chỉ là những sản phẩm của "sinh sản cận huyết".

Thật trớ trêu khi nhiều năm gần đây, các vị thẩm phán về hưu, một thời mũ cao áo dài, mắng xa xả luật sư, lại rụt rè đi học lấy chứng chỉ rồi đâm đơn xin làm luật sư. Muốn cải cách tư pháp cần phải có rất nhiều điều kiện, nhưng trước mắt phải đảo lại cái quy trình ngược này.

Một người chỉ nên được bổ nhiệm thẩm phán các tòa cấp huyện (hoặc tòa sơ thẩm nếu Tòa án tổ chức theo cấp xét xử) khi đã có ít nhất 10 năm làm luật sư tố tụng, có tên tuổi và không bị tai tiếng. Sau ít nhất 5 năm làm thẩm phán ở tòa này, nếu được giới luật gia (trong và ngoài ngành) tín nhiệm có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán ở tòa tỉnh hoặc tòa phúc thẩm. 

Lịch sử từng là sinh viên luật xuất sắc được các tòa mời về làm thư ký nên là điểm cộng cho các ứng cử viên. Tuy nhiên, thư ký, lái xe của tòa không thể cứ lẳng lặng núp áo thụng đỏ rồi lên mà nếu muốn trở thành thẩm phán, họ phải ra ngoài làm luật sư một thời gian đã. 

Theo quy trình này, một người chỉ có thể trở thành thẩm phán tối cao khi đã ở độ tuổi trên dưới 50. Nếu giữ chức suốt đời có thể có rủi ro thì nhiệm kỳ của thẩm phán nên là không dưới 10 năm, và các vị nếu có sức khỏe và danh tiếng (liêm chính) có thể ngồi tòa tới năm 70 tuổi. Không nên đẩy những thẩm phán tốt về hưu ở tuổi 60 rồi phải đi làm luật sư, hay những thẩm phán xấu về đi... chạy án.

Chính sách đãi ngộ đối với thẩm phán sẽ phải cải thiện. Tuy thu nhập minh bạch có thể không bằng luật sư, nhưng tôi tin là không thiếu những luật sư sẵn sàng nhận làm quan tòa chỉ vì yêu công lý. 

"Sinh sản cận huyết" với chủng loài nào cũng chỉ có thể bắt đầu một tiến trình thoái hóa. "Sinh sản cận huyết" đối với đội ngũ thẩm phán không chỉ tạo ra những ông tòa ăn nói "phi chính trí" như Trí Tuệ, Hồng Phong... Các phán quyết của họ không những đầy rủi ro oan sai mà càng ngày càng xói mòn niềm tin của người dân vào công lý.

HUY ĐỨC 15.06.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.