mardi 26 mai 2020

Sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước Bầu trời mở, sẽ đến lượt New Start ?

Ảnh vệ tinh của Maxar Technologies cho thấy các phi cơ Thunderbird F-16 của Mỹ bay gần Rock Hall, Maryland, Hoa Kỳ, ngày 02/05/2020. © Satellite image ©2020 Maxar Technologies
Đăng ngày:


Hoa Kỳ hôm thứ Sáu 22/05/2020 đã chính thức thông báo quyết định rút khỏi hiệp ước Bầu trời mở (Open skies), tố cáo Nga đã vi phạm thỏa thuận quốc tế được 35 nước ký kết và có hiệu lực từ năm 2002. Hiệp ước này quy tụ tất cả các quốc gia châu Âu, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ, cho phép bay qua không phận các nước ký kết để giám sát các hoạt động quân sự và kho vũ khí, với mục đích hòa bình.

Tổng thống Mỹ hôm thứ Năm 21/05 loan báo : « Nga không tôn trọng hiệp ước (…) vì vậy chúng tôi rút lui ». Quyết định này sẽ được thực hiện sáu tháng sau khi thông báo.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Matxcơva không chỉ cấm bay qua một số khu vực nhạy cảm (Kaliningrad, những vùng gần Ukraina, Nam Ossetia, Abkhazia), mà còn dùng hiệp ước như « công cụ đe dọa ». Cụ thể là nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng ở Hoa Kỳ và châu Âu với các loại vũ khí quy ước chính xác.

Theo Les Echos ngày 25/05/2020, với các tiến bộ về vệ tinh, Washington không cần hiệp ước Bầu trời mở để thu thập thông tin. Tuy nhiên châu Âu nhấn mạnh rằng hiệp ước giúp mỗi nước có quyền giám sát các cam kết của nước khác, đã từng đóng vai trò quan trọng ở Ukraina trong vụ Nga sáp nhập Crimée. Trong một thông cáo chung, 10 nước Liên Hiệp Châu Âu trong đó có Pháp, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan khẳng định sẽ tiếp tục áp dụng hiệp ước.

Sau một cuộc họp khẩn hôm 22/05, đại sứ các nước thành viên NATO cùng với tổng thư ký Jens Stoltenberg nhận định « cách tốt nhất » để duy trì hiệp ước là « Nga phải tôn trọng cam kết », nêu ra việc Matxcơva chỉ thực hiện những nghĩa vụ « một cách chọn lọc ». 

Thực ra ông Donald Trump chưa đóng sập hẳn cánh cửa cho đối thoại. Thứ trưởng ngoại giao Nga cho biết « tôn trọng các quyền và nghĩa vụ một khi hiệp ước vẫn đang còn hiệu lực », và Matxcơva sẵn sàng thảo luận « các vấn đề kỹ thuật mà Hoa Kỳ cho là vi phạm hiệp ước ». 

Loan báo của Mỹ là một đòn mới đối với các hiệp ước quốc phòng quốc tế, sau khi Washington đã rút lui khỏi hiệp ước về loại bỏ hỏa tiễn tầm trung và tầm ngắn (INF). Tướng Jean-Paul Palomeros, cựu tư lệnh NATO cho rằng việc này « tham gia vào việc phá hủy dần việc xây dựng lòng tin về an ninh châu Âu ». Nhà chính trị học Jean-Pierre Maulny nhận định « Thêm một viên đá hướng về việc chấm dứt đa phương, sự gắn kết của NATO và chính sách giải trừ vũ khí ». 

Corentin Brustlein, giám đốc IFRI lý giải : « Bầu trời mở không phải là một hiệp ước cổ điển nhằm hạn chế năng lực quân sự, nhưng nhằm bảo đảm tính minh bạch trong thời gian dài. Với các vệ tinh, Mỹ không cần đến hiệp ước này để giám sát ; nhưng đối với châu Âu, việc cho phép hoặc từ chối bay qua Nga chẳng hạn, sẽ giúp thiết lập hoặc từ chối đối thoại ». 

Tất cả các chuyên gia quốc phòng nay đều lo ngại cho số phận của hiệp ước New Start, sẽ hết hạn vào tháng 2/2021. Liệu ông Donald Trump cũng sẽ rút khỏi hiệp ước đã ký năm 2010 với Nga để giảm số lượng các vũ khí nguyên tử chiến lược và chấm dứt chạy đua vũ trang, như đã từng đe dọa ? Nếu muốn rút khỏi New Start trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 03/11, ông Trump sẽ phải tuyên bố trước tháng Chín. Joe Biden, đối thủ thuộc phe Dân Chủ thì cho biết sẽ duy trì hiệp ước này.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.