lundi 18 mai 2020

Mai Quốc Ấn - Quản trị quốc gia kiểu « ngây thơ »



“Người Trung Quốc đang sử dụng hơn 162.000 hecta đất biên giới, ven biển thông qua hai hình thức : thành lập doanh nghiệp liên doanh và đầu tư tiền cho người Việt gốc Hoa mua đất. Đây là thông tin được Bộ Quốc phòng đưa ra trong báo cáo trả lời chất vấn của cử tri được gửi tới Quốc hội mới đây.

Hầu hết các lô đất thuộc « sở hũư » của người Trung Quốc đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ ». (Trích Tuổi Trẻ)

Hai năm trước, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà nói trước Quốc hội: “Người nước ngoài không có quyền mua đất trên đất nước ta, nên nếu đại biểu biết có việc người nước ngoài mua đất dọc bờ biển thì thông tin cho tôi.” Trước khi ông Trần Hồng Hà phát ngôn câu ấy, người dân và báo chí đã phản ánh không ít về tình trạng này.

Sau hai năm, Bộ Quốc phòng Việt Nam đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố rà soát đánh giá tổng thể các dự án đầu tư của nước ngoài, nhất là dự án liên quan đến Trung Quốc tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh. Bộ Quốc phòng cũng đề xuất điều chỉnh những bất cập của Luật đầu tư, Luật đất đai và cơ chế quản lý, cấp phép các hoạt động đầu tư nhằm hạn chế sơ hở không để cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng hoạt động. 

Không cần nhắc thêm về ông Trần Hồng Hà - một bộ trưởng vô năng - khi hơn hai năm qua với biết bao phản ánh, mà tình trạng người Trung Quốc mua đất Việt Nam vẫn ngang nhiên. Điều cần làm rõ ở đây là thể chế đầy lỗi của quốc gia này.

Nhắc đến việc ra luật, sửa đổi luật nghĩa là nhắc đến vai trò lập pháp của Quốc hội. Nhưng các dự luật trình Quốc hội lại chỉ có một hướng duy nhất: các bộ thuộc Chính phủ soạn thảo. Không có bất cứ hình thái nào khác như Hội Luật gia Việt Nam hay Liên đoàn Luật sư Việt Nam chẳng hạn. Và luật thì không theo kịp cuộc sống với cách làm cũ này.

Nhưng đây chưa phải là vấn đề lớn nhất của thể chế khi hình thức Đảng cử, dân bầu vẫn tồn tại. Nên mới có chuyện ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao vừa xử tử tù Hồ Duy Hải, năm xưa là thủ trưởng cơ quan điều tra khi Hải bị bắt. Cũng vẫn là ông ấy với vai trò Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao khi xử Hải ở phiên trước đó. Và ông Nguyễn Hòa Bình còn là Đại biểu Quốc hội.

Đó chỉ là một ví dụ về việc các Đảng viên đã “bao sân” lập pháp, hành pháp, tư pháp một cách toàn diện. Nghĩa là ngoài các công cụ giám sát mang tính nội bộ Đảng; thì tính giám sát của nhân dân bị lu mờ. Cứ đếm xem Trong Quốc hội có bao nhiêu đại biểu không phải đảng viên là ra ngay thực tế. (Tại Việt Nam không có đa đảng nên dĩ nhiên không có chuyện đảng này giám sát đảng kia.)

Thiếu giám sát của nhân dân thì thể chế sẽ lại nảy sinh lỗi mới, luật lại tiếp tục sửa đổi bổ sung; như là một vòng quay bất tận về việc củng cố quyền lực Đảng trên mọi mặt của đời sống. Không quá khó hiểu, bởi bất cứ thế lực cầm quyền nào trong lịch sử cũng sẽ luôn cũng cố quyền lực cai trị của mình.

Song lại vô cùng khó hiểu với các khẩu hiệu ta gặp mỗi ngày trên pa-nô, áp-phích, băng-rôn, phướn với nội dung “nhân dân là người chủ đất nước”. Các chính trị gia không ngây thơ khi quản trị quốc gia theo kiểu “ngây thơ”. Họ làm được điều đó bởi những người chủ đất nước trên giấy quá ngây thơ mà thôi.

Nếu đọc đến đây vẫn chưa hiểu thì bạn cứ tự hỏi xem với vai trò làm chủ đất nước của bản thân, bạn có quyền phế truất một bộ trưởng vô năng như Trần Hồng Hà ở Bộ Tài Nguyên và Môi trường hay không?

Khi Luật Biểu tình vẫn còn “nợ đọng” lâu năm và quy định cấm tụ tập đông người vẫn sừng sững bấy lâu nay, thì đó chính là sự vô năng của đám đông vô trách nhiệm một cách đầy... ngây thơ.

Một tiền đề vững vàng cho hoạ ngoại xâm, cho nhục mất nước!

MAI QUỐC ẤN 18.05.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.