mercredi 22 avril 2020

Tâm Chánh - Sài Gòn không phát chẩn



Người ta nhìn thấy Sài Gòn dễ dàng xuất hiện tâm tình thiện nguyện, mới quy vào tính cách phóng khoáng, hào hiệp. Không hẳn đã là như vậy. 

Nhất là khi ở Sài Gòn, các cộng đồng nhập cư gốc gác nổi tiếng chắt bóp, ki bo cũng đều ran góp công sức, của cải cho các hoạt động tương trợ, nhân đạo. Mà đã đều ran như vậy từ khi nước hãy còn nghèo, dẫu chính quyền trong tay thực dân, đế quốc hay do quốc gia hoặc cộng sản quản lý. 

“ Nhớ câu kiến nghĩa bất vi/Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.

Con người vì nghĩa trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu gợi ý nhận dạng kiểu nhân cách xã hội của con người Nam Bộ. Nhất là trong các hoạt động thiện nguyện.

Từ thiện là việc làm vì nghĩa. Tức là việc làm theo lẽ phải, có khuôn phép, là cách xử thế tích cực, chủ động.

Làm từ thiện vì vậy được dân chúng quan niệm là làm công việc xã hội. Nó vượt lên phạm vi làm thiện tích đức cho bản thân, nà thể hiện trách nhiệm xã hội của người dân. Đây là tính chất làm cho hoạt động từ thiện của xã hội khác biệt với hoạt động cứu tế hay công tác nhân đạo của chính quyền. 

Làm từ thiện mang tính chất chia sẻ, tương trợ. Người làm từ thiện coi đó là niềm vui của mình. 

Thời trước vận động đóng góp từ thiện gọi bằng lạc quyên. Chữ là nghĩa, khỏi nói nhiều.
Hoạt động từ thiện được tổ chức, quản lý theo kiểu tự quản nhưng phải có trách nhiệm minh bạch và chịu giám sát của những người tham gia. 

Nhiều hoạt động từ thiện hướng tới mô hình tổ chức quản lý chuyên nghiệp, có hệ thống. Rõ nét là hệ thống trường học của các tôn giáo, các nhà thương thí, các cô nhi viện, viện dưỡng lão...Nó cũng hình thành những phương thức huy động nguồn lực, quản lý nguồn lực chuyên nghiệp. 

Chính vì vậy Sài Gòn trước 1975 đã có đào tạo về công tác xã hội, hình thành lớp cán sự xã hội, những nhân sự chuyên nghiệp nhằm thực hiện công việc dựa vào tùy tâm nhưng phải hết sức quy củ này.

Việc từ thiện trong khuôn khổ đó không chỉ giới hạn ở tương tế khó khăn. Nhiều việc từ thiện có tôn chỉ mục đích và thời gian thực hiện dài hạn. Các chương trình này thường gắn với các mục tiêu tiến bộ xã hội. 

Phong trào lạc quyên cho các du học sinh Việt Nam Đông du hồi đầu thế kỷ 20, phong trào Minh Tân ở Nam Bộ cũng được phát động trong khuôn khổ xã hội tự quản. Hay giới chủ Sài Gòn và nhiều dân làm ăn ở Nam kỳ Lục tỉnh đã ủng hộ các ký giả sang Pháp vận động luật sư giỏi cãi cho vụ án tranh chấp đất đai ở đồng Nọc Nạn, giành phần thắng cho nhà nông bị kẻ có quyền o ép.
 
Trên vùng đất mới, khi thể chế cai trị chưa kịp bao phủ lãnh thổ bằng quy phạm, luật lệ, thì kiểu năng lực “phi chính phủ” như trong hoạt động từ thiện chính là cơ chế bổ khuyết tích cực. 

Đó chính là phần lõi xã hội dân sự tồn tại ở Sài Gòn rất nhiều thời kỳ qua.

Phương thức tổ chức và vận hành xã hội đó đã dừng lại sau 30.4.1975.

Nhưng “máu xã hội, thiện nguyện” đã là mã gien của người Sài Gòn. Mã gien ấy làm nên một Sài Gòn “tự cứu mình trước khi trời cứu”.

Với tính cách đó Sài Gòn không phát chẩn, ngay cả khi đói kém. 

Hay bắt chước ông Võ Văn Kiệt diễn đạt, Sài Gòn nhìn thấy phẩm giá của mình trên gương mặt người tiếp nhận từ thiện.

TÂM CHÁNH 22.04.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.