mardi 21 avril 2020

Đỗ Duy Ngọc – Suy nghĩ về ATM gạo



Cả tuần nay tui suy nghĩ về cái ATM gạo cho người khó khăn trong mùa đại dịch. Đúng là rất hoan nghênh sáng kiến của người sinh ra nó, phải có tấm lòng với người hoạn nạn mới làm được thế. 

Một ký rưỡi một ngày cho một gia đình cũng là tạm ổn trong thời kỳ con virus Vũ Hán tác oai tác quái. Người Việt nghèo ăn uống cũng dễ, chỉ cần có chai nước tương, hay chén nước mắm, hoặc hũ chao với mớ rau là cả nhà cũng xong bữa cơm. Lúc nào khá thì có thịt, có cá, chẳng sao cả. 

Thế nhưng tui vẫn áy náy chuyện không phát gạo cho người đi xe có vẻ đẹp, áo quần tươm tất, có vẻ có tiền, có vẻ sang, có vẻ giàu. Mấy cái có vẻ đó đã hại họ. Và các anh, chị nhà báo nông cạn được dịp dùng những từ rất khó nghe dành cho những người này. Tít báo gọi họ là "vô liêm sỉ", "không biết nhục", "cướp cơm của người nghèo", "bất lương"...Nghe nặng nề quá! 

Ngoại trừ những đám lãnh từ thiện có tổ chức, đầy lòng tham muốn vơ vét cho riêng mình, còn ngoài ra khi những người đứng vào xếp hàng để chờ lấy được miếng gạo giữa buổi trưa nắng như đổ lửa, họ cũng đã khổ tâm và đau lòng, mắc cỡ lắm rồi. 

Bởi người xưa cũng đã nói "Chiếc áo không làm nên thầy tu". Những người ăn mặc tươm tất chưa hẳn là không gặp khó khăn trong cuộc sống. Tui vẫn nghĩ đã phát tâm làm từ thiện thì cũng đừng nên phân biệt người này kẻ nọ. Hoàn cảnh của mỗi người không thể giải bày ra bên ngoài được. Cũng có người tham lắm chứ không phải là không, nhưng mà như trong Đạo Phật dạy, người tham lam là tội của họ, họ sẽ chịu hậu quả.

Năm đầu tui vào Sài Gòn đi học, thời gian đầu đói lắm bởi đi học xa nhà mà chẳng có ai nuôi. Gia đình không phải là không có đến nỗi không gởi cho tui tiền nhưng vì nhiều lý do, tui rời nhà như người đi hoang, như kẻ bỏ nhà đi bụi. Và do xuất thân từ nề nếp của gia đình, được Ba Mạ tui dạy cung cách ăn mặc từ tấm bé, lúc nào tôi cũng chemise KT, quần Tergan hoặc Polyester đàng hoàng. Đi ra khỏi nhà là áo bỏ trong thùng, chân mang giày nghiêm chỉnh, nịt, vớ đầy đủ dù bụng đói meo. Từ nhỏ đã được dạy thế rồi. 

Thời kỳ đó đói vàng mắt, chỉ mong đến bữa có được chén cơm với muối cũng được, với xì dầu, nước mắm chi cũng được để qua cơn. Nếu lúc đó mà có cái ATM gạo như bây giờ với bộ dạng tui như thế, chắc bấm nút cả buổi gạo cũng không phun một hạt mà còn bị những ánh mắt khinh bỉ của những người chung quanh và sẽ bị báo chí cho là "vô liêm sỉ".

Sau 1975 cũng thế, trước đó đi làm lương cao chất ngất nhưng không biết để dành, chẳng biết dè sẻn. Thế nên khi bộ đội vô đến Sài Gòn, mấy tháng sau là tui đói rã họng. Thời gian đầu còn sách, còn áo, còn quần để bán. Rồi đến lúc chẳng còn chi để bán ra chợ trời ngoài bộ đồ trên người. 

Không kiếm được việc làm, không còn tiền để sống nhưng ngày vẫn áo bỏ trong quần, giày vẫn có trong chân, tóc vẫn chải gọn ghẽ. Lúc đấy không ai biết tui đói đến xỉu, đói đến độ chẳng có chi để đi cầu, có chăng chỉ ra nước. Suốt ngày mặc đồ ra đường, đi lang thang kiếm miếng ăn, có lúc miếng khoai, có khi khúc sắn. Nhưng chẳng ai biết tui đang quằn quại vì đói đâu. Nếu như bây giờ với bề ngoài như thế mà đi xin gạo ăn chắc cũng bị lên án ngay.

Bây giờ, làm ăn, cày vỡ mật ngày đêm có được chút tiền, đến tuổi già tui lại ít chú ý đến ăn mặc. Sao cũng được, áo nhăn, quần bẩn tui vẫn thấy bình thường. Chẳng quan tâm đến bộ dạng sang hèn. Vì vậy tui lại nghĩ với cách ăn mặc của tui bây giờ mà xếp hàng bấm nút xin gạo, gạo lại sẽ tuôn ra ngay vì ông lão này nhìn luộm thuộm, nghèo hèn quá he he. 

Có một lần ở Mỹ, vợ chồng người bạn chở tui đi chơi. Trong lúc anh bạn tui vào làm thủ tục lấy phòng khách sạn. Tui và vợ anh bạn ngồi trong xe, vợ bạn tui mới nói với tui đại khái là nghe nói tui ở bên Việt Nam làm ăn cũng khá mà sao tui ăn mặc áo quần rẻ tiền vậy? Tui giận trong lòng lắm mà chẳng biết trả lời sao. Chỉ cười cho qua chuyện. 

Đấy, người Việt ta thường thế đấy, cứ căn cứ cái vẻ bề ngoài mà kết luận sang hèn. Thật ra tui thấy mấy người đang làm từ thiện hiện nay thường ghi là giúp cho người đang gặp khó khăn. Sống trên đời, bình thường có thể gọi là tạm đủ nhưng lúc ngặt nghèo thì cũng là người đang gặp khó chứ.

Trong cuộc sống vẫn có những người "Đói cho sạch, rách cho thơm", "Giấy rách phải giữ lấy lề", dù khó khăn đến đâu vẫn phải giữ thể diện bằng cách lúc nào cũng phải tươm tất để mọi người không khinh, không coi thường. Đôi khi chính cái giữ cho thơm, giữ lấy lề đó lại bị lên án là bất lương, là cướp cơm của người nghèo. Khốn nạn thế! 

Cứ mãi căn cứ bề ngoài mà đánh giá nhiều khi lầm chết. Bởi thế rất nhiều người bị chúng lừa vì cái mã ngoài sang trọng, vàng giả, hột xoàn giả đầy ngực, đầy tay. Cũng có người vì thấy người khác quần ngắn áo thun cứ nghĩ là nghèo mà khinh khi. Lầm chết thật! Và các chú, các cô nhà báo nữa, càng ngày các người càng dùng từ ngữ loạn xạ để đặt tít bài với cái đầu không não và trái tim hóa đá. Người viết báo quan trọng là phải có nhân cách và lương tâm, đừng vì câu độc giả mà biến mình thành những con thú cầm bút.

Sài Gòn mùa dịch vật
18.4.2020
ĐỖ DUY NGỌC

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.