mardi 3 mars 2020

Thiếu Khanh - Ai buồn hơn ai ! Ai hèn hơn ai !



Truyện "cổ học tinh hoa:"

Vua Hoàn Công nước Tề đi săn, đuổi con hươu chạy vào trong cái hang , thấy có một ông lão bèn hỏi rằng:

"Hang này tên gọi là hang gì?

- Ông lão thưa: Tên là hang Ngu Công.

- Tại làm sao mà đặt tên như thế?

- Tại kẻ hạ thần đây, mới thành có tên ấy.

- Coi hình dáng lão, không phải là người ngu độn, cớ gì lại đặt cái tên như thế?

- Để hạ thần xin nói: Nguyên hạ thần có con bò cái đẻ được một con. Khi bò con đã nhớn, hạ thần đưa đi bán, rồi lấy tiền mua một con ngựa con đem về cùng nuôi với bò cái. Một hôm, có một chàng thiếu niên đến lấy lý "bò không đẻ ra được ngựa" bèn bắt con ngựa con đem đi. Tôi chịu mất, không cãi được. Vì thế xa gần đâu cũng cho tôi là ngu, mới gọi hang tôi ở đây là hang Ngu Công.

- Hoàn Công nói: Lão thế thì ngu thật!" 

Buổi chầu hôm sau, Hoàn Công đem câu chuyện kể lại cho Quản Trọng nghe.

Quản Trọng nói: "Đó chính là cái ngu của Di Ngô này. Nếu được vua giỏi như vua Nghiêu, bầy tôi minh như Cao Dao, thì khi nào lại có kẻ dám ngỗ ngược lấy không ngựa của người ta như vậy. Ngu công mà đành để mất ngựa, chắc là biết rõ hình pháp ngày nay không ra gì. Xin nhà vua kịp chỉnh đốn các chính sự lại".
NHỜI BÀN

Ông lão cam tâm mất ngựa, lại chịu cả cái tiếng “ngu” là ý lão nghĩ gặp phải thời buổi người trên tham nhũng, kẻ dưới hung nghịch, đành chịu để êm chuyện đi, còn hơn dở khôn đi kiện chẳng những mất ngựa, mà có khi lại mẩt cả bò và bao nhiêu tiền của, thời giờ vào đấy nữa. […]

(Sách Cổ Học Tinh Hoa của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân, Quyển Nhất, bài số 106 - HANG NGU CÔNG)

*
Ông giáo viên tên Thanh buôn 20 cái khẩu trang lời ngót một vạn bạc – thực tế thầy lời được những tám ngàn, cho nên nói ngót một vạn không phải là oan uổng lắm. Vào cái thời sai phạm càng nhỏ thì tội càng nặng, ví dụ, những kẻ sai phạm lớn cỡ Tât Thành Cang, Lê Thanh Hải ở thành phố Hồ Chí Minh thì chẳng sao cả, trong khi một thanh niên bắt trộm một con vị bị án tù 7 năm. Thế nên, thầy Thanh kiếm lời bất chính gần một vạn bạc, ít hơn giá trị con vịt, nên thầy phải biết sợ, thầy phải nhận tội.

Ngày xưa, chỉ bị một thằng vô học ngoài chợ đe dọa thôi mà Hàn Tín đã phải chịu bò qua háng hắn. Huống chi thầy Thanh bị cả một thế lực cầm quyền địa phương bắt đầu từ bọn trí thức có học dẫm lên người, sự độc địa nguy hiểm nghìn lần hơn thằng du côn vô học ngoài chợ, dẫu thầy có quỳ xuống chịu nhận tội cũng là điều hiểu được. Đáng thông cảm cho thầy.

“Ông lão cam tâm mất ngựa, lại chịu cả cái tiếng “ngu” là ý lão nghĩ gặp phải thời buổi người trên tham nhũng, kẻ dưới hung nghịch, đành chịu để êm chuyện đi, còn hơn dở khôn đi kiện chẳng những mất ngựa, mà có khi lại mất cả bò và bao nhiêu tiền của, thời giờ vào đấy nữa.”

Không biết Ngu Công sống trong hang núi có vợ con gì không, chớ Thầy Thanh còn có gia đình và người thân…. Thầy đành chịu hèn, nhận mình có lỗi vì “gặp phải thời buổi người trên tham nhũng, kẻ dưới hung nghịch, đành chịu để êm chuyện đi…” Thế thôi. 

Có khi tất cả chúng ta cũng hèn như thầy Thanh, lúc này hay lúc khác, cách này hay cách khác. Cho nên mắng mỏ thầy hèn thì xót xa quá. Không đành lòng.

Có ai nhớ một bài hát xưa này không? Lâu ngày lời bài hát đã biến đổi:

Khi chúng hung hăng
Không chừa ai cả
Không đường nào cả
Ai buồn hơn ai
Ai hèn hơn ai!


Khi chúng ra tay
Dân đều run cả
Miệng mồm im cả
Ai buồn hơn ai
Ai hèn hơn ai!


THIẾU KHANH 03.03.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.