dimanche 22 mars 2020

Song Chi - Người Việt ở châu Âu về Việt Nam trốn dịch ?



Báo chí Việt Nam đưa tin nhiều người đang sống ở châu Âu tìm cách chạy về Việt Nam trốn dịch.

Có người thì rưng rưng nước mắt, quê hương mình thì mình phải về thôi, về tới đây là sống rồi (!). Có người làm ầm ỹ phản đối khi bị đưa đi cách ly, chê thức ăn ở sân bay không hợp khẩu vị, nên bị hàng ngàn comment ném đá dữ dội. Chủ yếu “mắng” bảo khi cần kiếm tiền, khi muốn có đời sống kinh tế sung sướng hơn thì tìm mọi cách để ra đi, khi dịch bệnh thì lại chạy về. Sao không ở lại luôn mà còn về làm gánh nặng thêm cho nền y tế trong nước?

Có thể hiểu được phản ứng của mọi người trước cái thái độ như thế này. Nhưng trước hết phải đặt câu hỏi, ai là những người phải chạy trở về giữa mùa dịch?

Nếu đã sống lâu ở một nước nào đó, có quốc tịch, đi làm và đóng thuế cho nước sở tại, tức khắc bạn sẽ có bảo hiểm về y tế, khi đau ốm bạn sẽ được điều trị. Còn ở một số quốc gia như nước Anh này ngay cả khi bạn chưa phải là công dân, bạn vẫn được điều trị y tế miễn phí. Nhất là trong đại dịch như thế này nếu bạn phải vào bệnh viện, y bác sĩ sẽ chăm sóc, điều trị trước hết vì lý do nhân đạo, không ai nỡ từ chối chỉ vì bạn chưa phải là công dân hay chưa có giấy tờ hợp pháp ở lại lâu dài trên nước người.

Những người phải chạy trở về hoặc chưa có quốc tịch, chưa có giấy tờ thường trú, hoặc thậm chí không có giấy tờ hợp pháp như người lao động chui không giấy tờ, đa số làm việc cho đồng bào, lãnh tiền mặt. Nên khi mùa dịch tới, họ hoàn toàn không có bảo hiểm, không có quyền lợi gì về y tế, thì họ phải về thôi.

Thành phần đi lao động hợp tác dù có giấy tờ làm việc ở nước người, nhưng nếu không được hỗ trợ 100% về y tế (tùy theo hợp đồng làm việc và tùy theo chính sách của từng quốc gia), nếu chỗ làm buộc phải giảm giờ làm hoặc giảm nhân công trong mùa dịch, họ bị mất việc hoặc đồng lương sụt giảm, họ cũng muốn trở về.

Ngay cả một số sinh viên khi mùa dịch tới, cảm giác cô đơn một thân một mình ở xứ người, nên muốn chạy về để có cha mẹ anh em bên cạnh cũng đỡ lo hơn.

Báo chí nhập nhèm gọi họ là Việt kiều, nhưng chắc chắn phần lớn trong số họ vẫn chưa có quốc tịch, vì vậy không thể gọi họ là Việt kiều. Dù đang học hành, sinh sống, lao động trên xứ người họ vẫn là công dân Việt Nam 100%, khi họ cần về thì nhà nước Việt Nam phải cho họ về, đó là điều đương nhiên.

Chưa kể, họ đi làm gửi ngoại tệ về cho Việt Nam, những đồng tiền đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, máu và cả mạng sống nữa, vậy thì họ cũng hoàn toàn có quyền được chăm sóc, điều trị khi đau ốm như mọi công dân Việt Nam khác đang ở trong nước thôi.

Còn nếu đã có quốc tịch, có đời sống tương đối ổn định ở nước khác, tôi không nghĩ người ta lại muốn chạy về. Mà nếu suy nghĩ thấu đáo thì càng không nên về, vì mình ở lại thì đã có y tế tại quốc gia đó lo, chạy về chỉ để làm gánh nặng thêm cho nền y tế vốn đã quá tải trong nước mà thôi.

SONG CHI 19.03.2020 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.