samedi 7 mars 2020

Lê Vĩnh Trương - Tâm thức chạy giặc, trữ gạo & không tin ai

Tôi nhớ khi bão Katrina 2005 vào Louisiana (US) và quân đội Mỹ đã đến giúp dân cư di tản. Người Mỹ gốc Việt là cộng đồng thoát hiểm tốt nhất, nhanh, gọn, ít thiệt hại và được khen.

Khi ông Bush phỏng vấn một phụ nữ gốc Việt. "Sao mà quý vị di tản tốt như thế?" Bà đáp "Tại quen chạy giặc rồi!" CNN phát âm tiếng Việt. Bần thần...

Tâm thức chạy để tìm con đường sống có lẽ ăn vào người Việt Nam từ thời chiến tranh liên miên xưa lắm, Trịnh Nguyễn, Tây Sơn, Quốc Cộng.

Gần 30/4/75, ở Tây Nam Bộ mà dân chúng còn chuẩn bị lớp lớp va-li, quần áo, đai mang em bé để chạy giặc. Để chuẩn bị cho một hành trình đi về vô định, vô vọng, chạy miết mấy chục năm sau nữa đó.

Kiểu hành vi này khiến nhiều người hiện đại, chưa từng đi qua chiến tranh lấy làm lạ. Các bạn trẻ quen với credit card, trú ngụ Airbnb và B&B thậm chí thấy rất buồn cười.

Lứa chúng tôi ăn mì gói còn chừa lại túi dầu, túi muối có khi chất đầy tủ (thường là sau cũng vất). Dùng kem đánh răng cho bằng hết thậm chí cắt cái nắp ra để xài cho hết. Gạo, mắm muối không để phí. Thậm xưng một chút, có khi giống như anh chàng thủy thủ thoát chết khát trong Love of Life của Jack London vậy! Cái hay là luôn chuẩn bị cho cảnh khổ nhất. Cái dở là ít chọn lọc, kém thanh nhã.

Dượng tôi kể từ Đà Nẵng chạy vào Sài Gòn, máy bay tiếp tế thả hàng xuống và một lon sữa Ông Thọ văng ra ngoài, ngập hẳn vào sọ của một người cha, bỏ lại lũ con đói khát. Thảm khốc. 

Thử hỏi các bà cụ 70-80 tuổi sống ở Việt Nam Cộng Hòa qua thập kỷ 1970-80 xem có bà nào tin vào ngân hàng, hợp tác xã nhà nước không? Tôi nghĩ chắc hiếm. Các cụ tin vào một cột xi măng hay cái đít lu nào đó thôi.

Không tin ai khác ngoài mình trong các cuộc chiến loạn để cứu đàn con là một đức tính quý báu của Mẹ Việt Nam từ cảnh sống khắc nghiệt tạo nên. Tâm thức đó truyền phần nào sang thế hệ sau.

Biết được phần nào nguồn cỗi của tích trữ, của chuẩn bị cho những tận cùng khổ nạn thì sẽ thấy thương thế hệ trước, và thông cảm cho người đồng bào dù họ ở khung cảnh nào của địa cầu.

Con mắt thứ ba luôn thấy lừa bịp, gian khổ, bạo ngược, bất cận nhân tình mãi xảy ra. Chưa biết địa ngục ra sao, nhưng cuộc sống ngục tù thì thừa. Còn thiên đường? Đâu phải chỉ có một Trịnh nói nó ở cuối trời thênh thang? 

Mong lắm có một sự nhường nhịn, phân phải - chưa dám nói quý phái gì gì đâu - ở siêu thị. Song cũng luôn tồn tại bản năng tự tồn trong thế giới nhiều tung hô ba xạo; và hai chữ “vì dân" thường chỉ là khẩu hiệu.

LÊ VĨNH TRƯƠNG 07.03.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.