jeudi 19 mars 2020

Huỳnh Duy Lộc - Thái Thanh và “Tình hoài hương”



Nữ danh ca Thái Thanh với Hoài Trung, Hoài Bắc Phạm Đình Chương

Trong một chương trình nhạc Phạm Duy ở hải ngoại nhiều năm về trước, nhạc sĩ Phạm Duy có bày tỏ lòng tri ân đối với người em vợ của ông là nữ ca sĩ Thái Thanh: “Không có Thái Thanh thì sẽ không có ai biết đến Phạm Duy”.
 
Câu nói của Phạm Duy không phải là một lời xưng tụng quá mức vì Thái Thanh thật sự là người đã thể hiện xuất sắc rất nhiều ca khúc do ông sáng tác.

Thái Thanh là thứ nữ của ông Phạm Đình Phụng với người vợ thứ hai. Người vợ đầu của ông Phạm Đình Phụng sinh được hai người con là Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Người vợ thứ hai sinh ra Phạm Thị Quang Thái (tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy), nhạc sĩ Phạm Đình Chương và con gái út Phạm Thị Băng Thanh (tức ca sĩ Thái Thanh). Thái Thanh còn một người chị gái lớn, sinh trước ca sĩ Thái Hằng, nhưng không may đã trúng bom chết khi còn nhỏ. 

Thái Thanh sinh ngày 5 tháng 8 năm 1934 tại làng Bạch Mai, Hà Nội. Năm 1946, khi 12 tuổi, Thái Thanh theo các anh chị lên Sơn Tây tản cư. Người chị đầu của Thái Thanh đã bị trúng bom tử nạn nên cha mẹ cô lại đưa con chạy về xuôi, mở một quán phở đặt tên là Thăng Long. 

Thái Thanh bắt đầu hát từ năm 13, 14 tuổi nhưng từ nhỏ, cô không theo học nhạc ở trường lớp nào. Chị em Phạm Thị Quang Thái, Phạm Đình Chương và Phạm Thị Băng Thanh thường biểu diễn ngay tại quán Thăng Long. Đầu năm 1949, chị em họ Phạm gia nhập các ban văn nghệ quân đội của Liên khu IV. Quán Thăng Long dời về chợ Neo (Thanh Hóa).

Tuy nhiên giọng hát của Thái Thanh chỉ được mọi người biết tới khi cô theo gia đình rời vùng kháng chiến, về thành và vào miền Nam vào năm 1951. Từ đó, tên tuổi của cô gắn liền với ban nhạc Thăng Long và những nhạc phẩm của Phạm Đình Chương, anh trai cô, Phạm Duy, anh rể cô, và rất nhiều nhạc sĩ khác cùng thời.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã ghi chép về khoảng thời gian thành lập ban hợp ca Thăng Long ở miền Nam: “Một buổi sáng tháng 6 năm 1951. Trên chuyến máy bay cất cánh từ Gia Lâm, lời chào tạm biệt Hà Nội chưa kịp tan trong lòng mọi người, gia đình họ Phạm đã tới Saigon vào một trưa hè sáng sủa và mát mẻ. Chúng tôi xuống sân bay Tân Sơn Nhứt với một lời chào khác: Saigon, chào em!


Để sinh sống trong cuộc đời đã đổi mới, chúng tôi tới hát tại Đài phát thanh Pháp-Á (Radio France-Asie), phòng thu thanh đặt ở đại lộ de La Somme (đường Hàm Nghi) gần chợ Bến Thành. Mấy anh em họ Phạm thành lập một ban hợp ca lấy tên là ban Thăng Long (tên này đã được dùng làm bảng hiệu cho quán phở gia đình ở Chợ Đại, Chợ Neo trước đây). 


Rồi cũng trong tâm trạng lưu luyến dĩ vãng rất gần, Phạm Đình Viêm lấy tên là Hoài Trung, Phạm Đình Chương lấy tên là Hoài Bắc. Về phần nhạc mục (répertoire), ban Thăng Long đã có một số bài rất ăn khách do tôi soạn từ trước như “Nương chiều”, “Gánh lúa” hay mới soạn như “Tình ca”, “Tình hoài hương”... Ngoài ra những bài như “Nhạc đường xa” của Phạm Duy Nhượng, “Đợi anh về” của Văn Chung, “Được mùa”, “Tiếng dân chài” của Phạm Đình Chương cũng được hát…


Băng Thanh, cô em út trong gia đình, đổi tên là Thái Thanh để đi đôi với tên chị Thái Hằng. Thái Thanh khởi sự làm mê hoặc lòng người bằng giọng hát hãy còn rất mỏng của cô bé 17 tuổi. Bước vào nghề hát vào tuổi dậy thì, dù chẳng theo học một lớp dạy hát nào. Thái Thanh có lối hát rất Việt Nam, nghĩa là nhấn giọng vào từng chữ, giống như lối hát dân ca, hát chèo, hát chầu văn. 


Những bài như “Tình ca”, “Tình hoài hương” với âm vực rất rộng lúc đó được tôi soạn ra cốt để cho Thái Thanh hát và chỉ có cô mới hát nổi những nốt rất trầm (nốt Sol dưới) hoặc rất cao (nốt Sol trên) của hai tác phẩm này. Từ đó trở đi, đa số ca khúc của tôi đều dựa vào khả năng của giọng hát Thái Thanh. Cho tới khi tôi có thêm giọng Duy Quang, Julie và Thái Hiền…” (Hồi ký Phạm Duy, chương 1, tập 3)

Nữ ca sĩ Quỳnh Giao cũng nhận định về giọng ca Thái Thanh: "Thái Thanh có giọng hát đẹp như Kim Tước hay Ánh Tuyết, Mộc Lan, Châu Hà. Nhưng Thái Thanh lại khác hẳn mọi người ở khả năng phát âm rất rõ lời. Thái Thanh có sự bén nhạy thiên phú để hát mạch lạc từng câu, từng chữ với âm sắc hoàn toàn Việt Nam..." (Thái Thanh, lời ru của mẹ - Tạp ghi, tr. 310-311)

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, các quan chức văn hóa đến kêu gọi cô hát các bài hát tuyên truyền cho chế độ mới, nhưng cô nhất quyết từ chối. Chính vì vậy, cô bị cấm trình diễn, cấm xuất hiện trên báo chí, truyền hình, phát thanh suốt 10 năm liền cho đến khi sang Mỹ định cư vào năm 1985. 

Trong những năm đầu tiên tại Mỹ, cô là một trong những ca sĩ được mời đi lưu diễn nhiều nhất và được mời thu âm cho nhiều chương trình ca nhạc của Trung tâm Diễm Xưa. Sau đó, cô mở lớp dạy hát tại nơi dạy nhạc của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi ở quận Cam, bang Cali. Năm 1999, ở tuổi 65, cô quyết định giải nghệ và việc này được đánh dấu bằng một đêm trình diễn đặc biệt của cô cùng với các con và các cháu.

Phạm Duy đã chia sẻ về tâm tình của ông và bối cảnh trong đó ông đã viết ca khúc “Tình hoài hương”, ca khúc được Thái Thanh thể hiện thành công hơn ai hết: ”Gần hai năm đã trôi qua, kể từ ngày tôi bỏ vùng quê vào Hà Nội, rời miền Bắc vào miền Nam, lo ổn định nơi ăn chốn ở và thu xếp công kia việc nọ tại Sàigòn, rồi đi hát chỗ gần chỗ xa… Khi bắt đầu sáng tác lại, tôi soạn bài “Tình hoài hương” (1952). Nó là một bài hát hoài cảm, là sự nhớ nhung của riêng tôi đối với một nửa mảnh đất quê hương mà tôi vừa phải xa lìa. Ngờ đâu nó sẽ là bài hát hoài hương của một triệu người di cư vào Nam hai năm sau đó. 


Rồi khi một triệu người khác, trong một thời gian khác, nghĩa là sau ngày lịch sử 30 tháng 4 năm 1975, phải vượt trời, vượt biển ra khỏi bán đảo chữ S thì bài “Tình hoài hương” của 20 năm trước lại trở thành một bài hát rất hợp tình, hợp cảnh… Bài hát nói tới sự nhớ thương con sông đào xinh xắn, nhớ phiên chợ chiều xa tắp, nhớ vòm tre non và làn khói ấm hương thôn nơi đó, trong mảnh đời thơ ngây của tôi, có con trâu lành nằm mộng bên đàn em bé, có mẹ già yêu dấu ngồi nghe tiếng sáo chơi vơi... Chao ôi là nhớ nhung!”

HUỲNH DUY LỘC 18.03.2020

1 commentaire:

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.