dimanche 29 mars 2020

Hoàng Hải Vân - Giữa đại dịch toàn cầu, đối mặt với mất an ninh lương thực



Những người ủng hộ thị trường tự do (trong đó có tôi) không tán thành việc duy trì hạn ngạch xuất khẩu gạo, không tán thành việc quy hoạch cố định diện tích đất trồng lúa. 

Đối với họ, an ninh lương thực sẽ tự bảo đảm khi thị trường vận hành thông suốt và khi người nông dân tự quyết định làm cái gì trên mảnh đất của mình là có lợi nhất. Tóm lại là trong kinh tế thị trường, có tiền là có an ninh lương thực, càng có nhiều tiền thì càng không có lý do gì để sợ đói. 

Nhưng khi đại dịch toàn cầu đang diễn ra, họ phải nghĩ khác, không phải họ từ bỏ niềm tin vào thị trường, mà họ không thể không tính đến một tình huống chưa có tiền lệ đang hiện hữu.

Trên truyền thông nhiều người đang tranh cãi có nên tiếp tục cho xuất khẩu gạo hay là tạm dừng, bên nào cũng có lý lẽ. Nhiều người còn đưa ra những con số, lượng lúa gạo làm ra là bao nhiêu, nên xuất khẩu bao nhiêu, còn lại bao nhiêu là bảo đảm an ninh lương thực, có người còn nói nên kiểm tra lại lượng gạo hiện có trước khi cho xuất khẩu hay không, v.v…

Lúa là do dân sản xuất, Tổng cục Thống kê năm nào cũng công bố sản lượng lúa năm này mấy chục triệu tấn năm kia mấy chục triệu tấn, còn tính cả con số lẻ nữa. Chúng ta đều biết mỗi một vụ lúa thu hoạch từng người nông dân chẳng có ai báo cáo với nhà nước mình thu hoạch được bao nhiêu, thì nhà nước lấy đâu ra con số để thống kê ? 

Theo tôi biết sự thống kê này chỉ là “đếm cua trong lỗ”, tức là cơ quan thống kê căn cứ trên tổng diện tích trồng lúa, điều tra một số cánh đồng (gọi là điều tra chọn mẫu), rồi nhân ra thành con số. Con số này không thể chính xác. Nhà nước căn cứ vào con số này để “quản lý” lúa gạo do dân làm ra là rất có vấn đề. 

Dân ăn bao nhiêu gạo (tiêu thụ nội địa) nhà nước cũng không thể biết. Nhà nước căn cứ vào số “miệng ăn” của cả nước, rồi căn cứ vào lượng gạo do các doanh nghiệp bán ra (có khai thuế) rồi ước chừng mỗi năm dân ăn bao nhiêu. Nhưng nhà nước nào có thể biết trong các “miệng ăn” kia ai nhậu nhiều hơn ăn cơm ngày ba bữa, ai ăn nhiều thực phẩm khác hơn là ăn cơm. 

Nhà nước cũng đâu có biết dân nhậu hiện nay phải nằm nhà ăn cơm yêu nước thì nhu cầu lúa gạo có tăng thêm hay không. Nhà nước cũng làm sao biết được những người buôn bán nhỏ mua lúa gạo của nông dân rồi bán lại cho các “miệng ăn” trong nước hay là gom lại để bán tiểu ngạch ra nước ngoài. Cho nên không thể căn cứ vào “miệng ăn” lúc ăn cơm lúc ăn mì lúc ăn gà nướng để nói tiêu thụ nội địa bao nhiêu là đủ. 

Chỉ khi nào nhà nước độc quyền sản xuất (thông qua doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã) và độc quyền phân phối lương thực thì nhà nước mới có thể thống kê được lượng lúa gạo làm ra bao nhiêu, tiêu thụ nội địa bao nhiêu, xuất khẩu bao nhiêu, dư thừa bao nhiêu, nhưng chuyện đó từ lâu đã đi vào dĩ vãng. Còn trong kinh tế thị trường, người ta chỉ có thể biết lúa gạo đang thiếu nếu như giá cả tăng và biết lúa gạo đang thừa khi giá cả giảm. 

Cả thế giới đang đối phó với đại dịch toàn cầu. Mới ba tháng trước đây không ai dự đoán được những gì đang diễn ra và cũng không ai dự đoán những gì sẽ diễn ra trong ba tháng, thậm chí trong một tháng tới. Trong đại dịch, không chỉ bài toán đếm cua trong lỗ lỗi thời mà mang các lý thuyết kinh tế ra áp dụng cũng rất sống sượng. 

Tuy chúng ta không dự đoán trước được điều gì nhưng nếu như đại dịch kéo dài cả năm hay năm bảy tháng nữa thì thế giới chắc chắn sẽ xảy ra nạn đói, ít nhất là cục bộ. Khi ấy giá lương thực sẽ tăng đột biến và lúa gạo sẽ “chảy về chỗ trũng”, tức là sẽ chảy đến nơi giá cao, không xuất qua chính ngạch thì cũng không ngăn được hàng trăm hàng ngàn các ngõ ngách tiểu ngạch. Khi ấy, dù nước ta “thừa” lúa gạo thì an ninh lương thực vẫn không đảm bảo, chưa nói đến Đồng bằng Sông Cửu Long đang đối mặt với nạn hạn hán vô cùng gay gắt.

Trong đại dịch, các nhà nước trên thế giới bỗng nhiên thành mẹ hiền. Các gói giải cứu kinh tế “phi thị trường” khổng lồ của Mỹ và của Châu Âu vừa công bố để bảo đảm cho dân không rơi vào nghèo đói là minh chứng. 

Nước ta ngoài chương trình hàng trăm ngàn tỉ hỗ trợ doanh nghiệp để ngăn chặn trước một bước nguy cơ suy thoái kinh tế, việc bảo đảm an ninh lương thực đang là nhiệm vụ cấp bách không thể để nước đến chân mới nhảy. Hơn lúc nào hết, Nhà nước cần thực hiện đạo lý tích cốc phòng cơ với những giải pháp không cần tiền lệ. 

Trong các giải pháp không cần tiền lệ đó, ngoài việc can thiệp ngăn chặn việc xuất khẩu gạo, nhà nước cần lập các kho dự trữ thu mua lúa gạo trước khi lúa gạo thế giới tăng giá. Để có thể “nuôi dân” khi ngặt nghèo và mạnh tay dùng biện pháp phi thị trường để cứu dân, chớ không phải là tích trữ lương thực vào kho để bán ra “bình ổn giá”. 

Mỹ đã tung ra tới 2.000 tỉ đô la để cứu nền kinh tế và cứu dân thất nghiệp cùng với việc nới lỏng tiền tệ đến mức tối đa, cả hai giải pháp đều chưa có tiền lệ trong lịch sử. Châu Âu cũng tung ra những gói tiền khổng lồ để cứu dân, trong đó có việc nhà nước trả lương cho người lao động thay cho doanh nghiệp, cũng là việc chưa có tiền lệ lịch sử. Và tất cả đều không theo một học thuyết nào.

Nước ta chống dịch được thế giới đánh giá là rất tốt. Hy vọng nước ta biết chặn đứng trước nạn đói, nếu để nó trở thành nguy cơ thì sẽ trở tay không kịp. Tôi nghĩ các lý thuyết gia nên im mồm nằm yên yêu nước đi !


HOÀNG HẢI VÂN 27.03.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.