dimanche 15 mars 2020

BS Võ Xuân Sơn - Virus corona : Xã hội hóa việc cách ly và khám chữa bệnh



Hôm nay sáng ra thì tất bật, trưa được rảnh được vài phút, rồi lại phải lái xe về lại Sài Gòn. Về tới nhà mới xem tin tức. Vậy là đã có 57 ca nhiễm coronavirus Vũ Hán rồi. 11 ngày, 41 ca. Không biết bệnh nhân 57 này sẽ có chuyện gì hay không, nhưng ông ấy làm tôi nhớ đến tiểu thuyết và bộ phim cùng tên “Người thứ 41”.

Đọc tin bà 34 khai báo lòng vòng, giấu diếm, rồi bà ta lại còn quậy tưng bệnh viện Bình Thuận, nghe mà thấy khó chịu quá. Doanh nhân gì mà xử sự tệ quá. Nghe nói cả con dâu của bà ấy cũng không hợp tác khi bị đưa đi cách ly. Chợt nhớ tới vụ 1.200 giáo dân của giáo phái Tân Thiên Địa không hợp tác, không chịu cách ly.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một điều, nhiễm coronavirus Vũ Hán là một cú sốc về mặt tâm lý, giống như nhận tin mình bị ung thư, hay nhiễm HIV. Mặc dù so với những thứ kia thì coronavirus Vũ Hán chỉ là “muỗi”, nhưng vì cách chúng ta phòng thủ mạnh mẽ quá, gay gắt quá, làm cho người ta sợ nó còn hơn cả ung thư hay AIDS nữa. 

Mặt khác, có thể nói chẳng ai vui vẻ gì khi bị cách ly cả. Thậm chí không ai sẵn sàng để bị cách ly. Tôi chưa từng bị cách ly, nhưng tôi nghĩ cảm giác mất tự do thì không khác bị đi tù là mấy. Nghe tin người này người kia sẵn sàng và vui vẻ đi cách ly, tôi khâm phục, chứ không hề coi đó là chuyện bình thường.

Rồi chuyện khai báo lòng vòng. Đó chính là điều đáng trách. Nhưng cũng phải thấy, tự nhiên bao nhiêu chuyện riêng tư, thầm kín, mánh khóe làm ăn, bí mật thương trường… chỉ vì cái con virus khốn nạn kia mà bị bóc trần ra hết. Rồi thì bao nhiêu người sục sạo, xoi mói vào chuyện riêng tư của mình. Khi ấy thì chắc chỉ có những người rất trung thực, đầy tinh thần trách nhiệm trước cộng đồng, hoặc không có gì riêng tư, mới khai báo thoải mái.

Cho nên, nếu chúng ta có mất một chút thời gian, thêm một chút công sức, thì cũng ráng một chút. Và, hãy nhìn nhận, họ là bệnh nhân, họ đang bị một cú sốc tâm lý rất lớn, họ đang chịu sức ép rất nặng nề. Nếu luật pháp chặt chẽ, thì chúng ta vẫn có thể khởi tố bà 34, vì bà đã gây nguy hại cho cộng đồng. Nhưng từ trong sâu thẳm, chúng ta phải có chút thông cảm cho những con người đang chợt thấy đất sụp dưới chân mình.

Bữa trước, tôi đọc được ý kiến của bạn nào đó về việc xây dựng những khu cách ly chất lượng cao. Tôi thấy đó là ý kiến rất hay. Về quy định, nhà nước hỗ trợ cho cách ly, và chi trả toàn bộ chi phí chữa bệnh khi bị nhiễm. Tuy nhiên, nếu chúng ta xã hội hóa việc này, ngân sách bớt đi một phần gánh nặng, mà người bệnh thuộc dạng “nhà có điều kiện” lại được cảm thấy thoải mái hơn.

Nhà nước có thể vận động một vài khu resort, với những biệt thự hoặc bungalow riêng biệt để làm khu cách ly theo yêu cầu. Khi những người thuộc diện cách ly tập trung mà chưa cần phải điều trị đặc biệt, họ có thể trả tiền để ở những khu cách ly xã hội hóa như vậy. Nhà nước sẽ quản lý nghiêm ngặt việc cách ly. Còn người bệnh sẽ phải trả tiền ở, chi phí quản lý, chi phí thăm khám và theo dõi y tế… Nếu làm được như vậy, tôi tin là số người chê bai, bài bác khu cách ly của ta sẽ giảm xuống.

Tương tự vậy, bệnh viện Chợ rẫy, hay Bạch Mai, hoặc những bệnh viện tư có điều kiện, có thể lập khu điều trị bệnh nhiễm coronavirus Vũ Hán xã hội hóa, để những người có tiền vô đó và trả tiền, nếu họ không muốn điều trị theo phân tuyến của Bộ Y tế. Họ sẽ có đầy đủ các dịch vụ cao cấp, cùng sự thăm khám y tế mà họ có thể tin tưởng, miễn là họ trả đủ tiền cho việc ấy. 

Nên cho họ biết chi phí đó sẽ cao như thế nào, nhất là khi phải vô phòng ICU, hoặc sử dụng ECMO. Nếu họ đủ khả năng trả tạm ứng tương đương với chi phí thật trước, thì có thể đưa họ vào khu điều trị nhiễm coronavirus Vũ Hán theo yêu cầu. Và, nếu họ không có khả năng chi trả, thì họ sẽ không quậy tưng mà chấp nhận điều trị theo phân tuyến của Bộ Y tế.

Nếu xã hội hóa được việc này, tôi tin là ngân sách sẽ tiết kiệm được một khoản, và những người có tiền, cho rằng mình xứng đáng được thế này thế khác, cũng sẽ không quậy tưng lên như bà 34.

Còn một vấn đề nữa, là chi phí cách ly và chi phí khám chữa bệnh cho người nước ngoài, không phải quốc tịch Việt Nam, không phải người Việt Nam. Tôi cho rằng việc chúng ta lấy tiền thuế của người dân chi trả cho việc này là không đúng đối tượng. Ngân sách đã eo hẹp, thì nên dành cho đúng chỗ. 

Người nước ngoài nào trước khi nhập cảnh vào Việt Nam đều phải đóng một khoản deposit cho việc trục xuất. Nếu khi họ phải cách ly mà không đồng ý cách ly, hoặc không có đủ tiền chi trả cho cách ly, thì không cho nhập cảnh, hoặc trục xuất họ về nước.

BS VÕ XUÂN SƠN 15.03.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.