mardi 14 janvier 2020

Đỗ Trung Quân – Đồng Tâm, Thủ Thiêm, câu chuyện còn dài...


Một cuộc tập kích lúc rạng sáng với quân số xấp xỉ một trung đoàn [3.000 người].

Ba chiến sĩ “hy sinh“ mà sự thông báo trên truyền thông tiền hậu bất nhất. Tin đầu tiên là “hy sinh“ vì bị tấn công trong khu vực xây tường Miếu Môn. Thông tin thứ hai là “hy sinh“ vì té giếng trời [giếng trời không phải hầm chông] và xác bị thiêu cháy v.v…

Huân chương chiến công hạng nhất nhanh chóng được truy tặng, và truy phong quân hàm vượt cấp.

Tất cả cũng chỉ từ nguồn tin duy nhất của cổng Công an. Cả 700 tờ báo thật khỏe, hầu như không phải tác nghiệp vì…không được tác nghiệp gì ngoài việc đăng theo nguồn tin duy nhất ấy. Hơn 30 người làng Hoành bị truy tố với tội danh giết người. Câu chuyện chưa khép lại, còn dài…

Tôi nhớ một câu chuyện hơn 30 năm trước – 1978, khi toàn bộ một B 30 người [trung đội - phiên chế của lực lượng lao động không phải quân sự] thanh niêu xung phong mà hầu hết là nữ bị Polpot tập kích thảm sát, hãm hiếp, chặt đầu, mổ bụng trên chiến trường Kampuchia. 

Tin tức hầu như được loang đi bằng miệng, chỉ quân đội mới có khí tài, đường dây thông tin. Thanh niên xung phong là lực lượng phục vụ chiến đấu tải đạn, tải thương, làm đường…khi xảy ra thảm sát hoàn toàn họ không được trang bị vũ khí để chiến đấu. 

Khi ấy tôi ghi vội những dòng thông báo gửi về Lực lượng Thanh niên xung phong mà Bộ chỉ huy đang đóng tại số 222 Nguyễn Trãi quận 5. Mảnh giấy cuộn tròn bỏ trong vỏ đạn chuyển theo xe quân đội về thành phố. Khi ấy, chỉ huy trưởng là ông Võ Viết Thanh, sau ông Võ Viết Thanh sẽ là Lê Thanh Hải nắm quyền chỉ huy thời “ hậu chiến“. 

Tôi không rõ mảnh thông báo ấy có đến hay không. Sau này khi trở về thành phố được nghe kể bằng cách nào đó thông tin rò rỉ, mỗi ngày đều có các bà mẹ, người chị đến 222 Nguyễn Trãi hỏi tin về con cái mình đang phục vụ chiến trường. Cũng một tháng sau, Lực lượng Thanh niên xung phong được trang bị vũ khí để tự vệ và chiến đấu khi cần. Quyết định này từ ý kiến của ông Võ Văn Kiệt sau khi trao đổi với chỉ huy trưởng lực lượng Võ Viết Thanh [xin đọc “Bên Thắng Cuộc“ – Huy Đức].

Trở lại câu chuyện. Đấy là thời hoàn toàn không có internet, mọi thông tin thường phải đi chậm hơn thực tế chiến trường. Tôi không rõ cuộc thảm sát của Polpot vào một trung đội thanh niên xung phong bao nhiêu tên, nhưng chắc chắn chúng có đầy đủ vũ khí còn Thanh niên xung phong tay không. Chúng cũng đánh úp lúc rạng sáng. 

Khi Lê Thanh Hải lên nắm Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố, một trong những việc “cần làm ngay“ là xóa sổ tờ báo đang có tiếng vang của Thanh niên xung phong – tờ Tuyến Đầu, giải tán bộ biên tập của tờ báo. 

Ba mươi năm sau cũng Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua  đàn áp khốc liệt những cuộc xuống đường chống Trung Quốc tại Sài Gòn. Chính họ ra lịnh xóa sổ, đục bỏ một bài thơ tưởng nhớ những liệt sĩ thanh niên xung phong khắc trên tường tại đền tưởng niệm Bến Cầu – Tây Ninh. Tác giả bài thơ ấy còn sống, đơn giản vì đấy chính…là tôi.

Một bài thơ chả là gì so với xương máu ngút ngàn của những chiến sĩ và những người Thanh niên xung phong trẻ tuổi của Sài Gòn. Họ hy sinh tại chiến trường nhưng chưa hề có huy chương, huân chương nào cho họ, dù hương linh họ chắc cũng không cần. 

Nhắc những cái tên ấy chỉ để nhắc một thời mà những cái tên nay là tội phạm từng quyền lực ngất trời để tiếp tục gây tôi ác kinh thiên, đẩy hàng ngàn người dân Thủ Thiêm vào thảm cảnh không mái nhà suốt 20 năm. Hai mươi năm, đủ để một đứa trẻ sơ sinh thành những chàng trai cô gái mù mịt tương lai, ngay giữa đô thị rực sáng ánh đèn.

Thủ Thiêm, câu chuyện còn dài.

Đồng Tâm, câu chuyện còn dài.

ĐỖ TRUNG QUÂN 14.012020 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.