dimanche 22 décembre 2019

Truyền hình Trung Quốc bị kiện vì tái diễn màn kịch tự thú



Ảnh chup màn hình CGTN màn kịch tự thú của Trịnh Văn Kiệt (Simon Cheng) ngày 24/11/2019.

(Laurence Defranoux, Libération 23/12/2019) Đài CGTN phát trên toàn thế giới, cuối tháng 11 lại chiếu màn tự thú của một người Hồng Kông bị Bắc Kinh bắt giam hồi tháng Tám. Các tổ chức phi chính phủ kiện kênh truyền hình Trung Quốc tại các nước phương Tây.

« Khi anh bị bắt, công an đã thông báo rằng anh có thể báo tin cho gia đình và luật sư, tại sao anh từ chối ? ». Một giọng nói tiếng Hoa hướng đến người tù đang được ống kính nhắm vào. « Tôi rất ngại ngùng khi phải báo cho gia đình ».

Trong màn tự thú dài hai phút có phụ đề tiếng Anh, các hình ảnh từ camera giám sát sau đó cho thấy Trịnh Văn Kiệt (Simon Cheng), cựu nhân viên tổng lãnh sự Anh ở Hồng Kông, đi vào một cơ sở và theo sau một phụ nữ vào trong một căn phòng. « Tôi xấu hổ » - anh ta nhắc lại. Màn tự thú này mang tựa đề « Trịnh Văn Kiệt, thật là nhục nhã ».

Theo người Hồng Kông 29 tuổi này, bị bắt khi đến Hoa lục vào tháng Tám, anh bị bắt buộc phải « tự thú » sau nhiều ngày bị tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần. Công an Trung Quốc bắt anh vì đã ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông, sau hai tuần lễ giam giữ đã phải thả ra trước phản ứng của quốc tế, và biện minh là Trịnh Văn Kiệt bị bắt vì quan hệ với gái mại dâm. Video tự thú của anh được phát hôm 24/11 trên CGTN, chi nhánh của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, có khoảng mấy chục triệu khán giả trên thế giới nhờ các kênh phát bằng tiếng Anh, Pháp, Ả Rập, Tây Ban Nha, Nga.

« Diễn kịch »

Người ta cứ ngỡ các màn tự thú đã lỗi thời ở Trung Quốc. Nhưng từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2013, cái trò mao-ít cổ lỗ sỉ ấy lại tái xuất, và những hình ảnh người tù nói lời xin lỗi trước khán giả trở nên thường xuyên. Hôm thứ Năm tuần trước, Safeguard Defenders, một tổ chức phi chính phủ (NGO) bảo vệ nhân quyền, đã nộp đơn kiện lên các cơ quan quản lý phát thanh truyền hình Canada và Hoa Kỳ.

Ông Peter Dahlin, người Thụy Điển, giải thích : « Có ít nhất 52 vụ bị buộc phải tự thú đã phát trên truyền hình kể từ năm 2013. CCTV đã xin được giấy phép hoạt động ở Canada với điều kiện là kênh này tôn trọng các quy định của quốc gia. Chúng tôi đã tập hợp được trên 100 trang lời chứng và các băng ghi âm chứng minh rằng CCTV không hề tôn trọng cam kết ».

Bản thân giám đốc của Safeguard Defenders đã có kinh nghiệm trong cuộc thập tự chinh này. Lúc làm việc cho một NGO chuyên hỗ trợ những người bảo vệ nhân quyền tại Trung Quốc, ông đã bị bắt giam ba tuần lễ vào tháng Giêng năm 2016. Ông kể lại cho Libération các điều kiện bị « quay phim để lên truyền hình » của mình.

« Tôi bị biệt giam trong một nhà tù bí mật và bị thẩm vấn. Một hôm, họ đưa cho tôi một tờ giấy trong đó có ghi các câu hỏi và trả lời để học thuộc lòng ». Hôm sau, họ cho ông ngồi trong một căn phòng, đối diện với các nhà báo của CCTV, có 12 công an bao xung quanh. « Cứ như là một vở kịch. Họ ra lệnh cho tôi ‘’nói chậm hơn nữa’’, ‘’sử dụng một tông khác’’, bắt làm đi làm lại cho đến khi đạt được điều họ muốn. Cần phải thu đến năm lần, để tôi nói được câu ‘’Tôi đã làm tổn thương đến tình cảm của nhân dân Trung Quốc’’ ».

Tháng 11/2018, đơn kiện đầu tiên chống lại CGTN đã được cựu nhà báo Anh Peter Humphrey nộp cho OFCOM, cơ quan quản lý truyền hình Anh. Cựu thông tín viên của Reuters tại Trung Quốc khẳng định đã bị trói vào ghế, đặt trong một chiếc lồng kim loại trong lúc ghi hình màn tự thú – ông bị bắt giam năm 2013 mà không hề qua xét xử.  Humphrey hy vọng tập đoàn Trung Quốc đã phổ biến các hình ảnh tại Anh phải bị trừng phạt.

Cédric Alviani của Phóng viên Không biên giới (RSF), nhắc lại rằng « một phương tiện truyền thông đi bêu một tù nhân như một con vật triển lãm trong hội chợ, và phát những lời thú tội do Nhà nước áp đặt, không phải là báo chí ». Theo Peter Dahlin, vụ kiện này được Bắc Kinh coi là nghiêm trọng. « Ngay sau cuộc họp báo của Humphrey, một cuộc họp khẩn đã được tổ chức tại trụ sở của tập đoàn, kéo dài cả hai ngày cuối tuần. Sau đó, các vụ phát hình tự thú tại nước ngoài đã ngưng lại, cho đến khi có vụ Trịnh Văn Kiệt ».

Lo sợ

Cuộc phỏng vấn cựu nhân viên ngoại giao người Hồng Kông trên BBC hôm 20/11, trong đó Trịnh Văn Kiệt mô tả chi tiết những gì phải chịu đựng, đã gây ra một làn sóng lo sợ tại Trung Quốc. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, công an đã cung cấp cho kênh CGTN tiếng Anh những hình ảnh mà họ lưu giữ từ ba tháng qua, ra lệnh dàn dựng và phổ biến. Một đơn kiện liền bị Sefeguard Defenders nộp lên OFCOM.

Nếu CGTN bị rút giấy phép phát tại Anh, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho Bắc Kinh. Theo lệnh của Tập Cận Bình, đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục cuộc tấn công quy mô nhằm nhấn chìm cả hành tinh bằng những thông tin được đo ni đóng giày để phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc. Hơn 1 tỉ euro đã được đầu tư ở Luân Đôn để lăng-xê một cơ quan thông tin tại châu Âu.

Với hai đơn kiện nộp vào thứ Năm tuần trước, một mặt trận mới đã mở ra để chống lại tập đoàn phát thanh truyền hình Trung Quốc ở Bắc Mỹ. Tiến trình tiếp theo có thể tại Pháp, vì nhiều vụ tự thú đã được phát trên cả ba kênh (bằng tiếng Hoa, Anh, Pháp) của CGTN trên đất Pháp.

Kênh CGTN tiếng Pháp hồi tháng Giêng năm 2016 đã phát hai màn tự thú của Quế Dân Hải (Gui Minhai), chủ nhà xuất bản ở Hồng Kông. Mang quốc tịch Thụy Điển, ông đã bị mật vụ Trung Quốc bắt cóc ở Thái Lan năm 2015 để ngăn không cho xuất bản những cuốn sách chỉ trích đảng Cộng sản. Cho đến nay ông Quế Dân Hải vẫn bị giam tại một nơi bí mật ở Hoa lục.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.