dimanche 15 décembre 2019

Trương Nhân Tuấn - Lại nói về "chữ quốc ngữ"


Nghe nói học giả Việt Nam có tổ chức hội thảo về "chữ quốc ngữ", nhân có "sĩ phu" Đà Nẵng ra kiến nghị phản đối việc lấy tên ông cố đạo "Alexandre de Rhodes" để đặt tên đường. 

Hôm kia trên BBC cũng có hội luận về chủ đề này. Kết quả hội luận ở Việt Nam thì chưa biết. Về nội dung hội luận trên BBC thì "mỗi người mỗi ý" mà cá nhân tôi thì chưa thỏa mãn với ý kiến của ai hết.

Thời Việt Nam Cộng Hòa, ở Sài Gòn và một số tỉnh đã có tên đường Alexande de Rhodes. 

Miền Nam thời trước 1975 việc luận "công, tội" rất đơn giản. Ai có công đóng góp công trình văn hóa, công trình giữ nước, dựng nước hay mở rộng bờ cõi... đều được nhìn nhận là "có công với đất nước và dân tộc".

Cách dùng tên của những người "có công" để đặt tên đường là một cách để hậu thế "nhớ ơn" tiền nhân. Bởi vì văn hóa dân tộc Việt Nam là "ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn". 

Hôm trước tôi có bài viết luận về công, tội ghi lại ở dưới.

Rõ ràng là bây giờ muốn luận về công tội thật là khó. 

Khó bởi vì người ta chỉ nhấn mạnh ở các việc "có công với cách mạng, có công với đảng".

Vấn đề là "đảng" luôn đồng hóa "đảng" với "đất nước", với "dân tộc".

Người nào làm việc có lợi ích cho đất nước, cho dân tộc... nhưng nếu hành vi này đi ngược lại ý chí của đảng, hay chống lại lợi ích của đảng, người đó là "kẻ thù" của dân tộc. Tức là lợi ích của đảng đứng trên lợi ích của đất nước, dân tộc. 

Ông cố đạo Alexandre de Rhodes, theo tôi là "cha đẻ" của chữ "quốc ngữ". Mặc dầu mục tiêu ban đầu "hệ thống hóa chữ quốc ngữ" của ông cố đạo De Rhodes chỉ nhắm mục tiêu truyền đạo chớ không nhằm đóng góp cho văn hóa Việt Nam. Nhưng việc này không thể làm giảm bớt công lao sáng chế ra chữ quốc ngữ của ông De Rhodes. 

Ý kiến của tôi là, người viết cuốn "tự điển chữ quốc ngữ đầu tiên" phải là người thông hiểu rành mạch "tiếng" Việt. Biết một phần tiếng Việt không thể viết tự điển được. Những người đi trước, mỗi người "ký âm" tiếng Việt theo cách của họ. Những người này ta cũng mang ơn nhưng không thể gọi họ là "cha đẻ" ra chữ quốc ngữ được. 

Công trình "thống nhứt" và "hệ thống hóa" cách "ký âm" tiếng Việt, rồi gộp lại thành tập, nhứt là "giải thích ý nghĩa" từng chữ tiếng Việt, của cố đạo Alexandre de Rhodes mới là công trình "khai sinh" ra tiếng Việt. 

Theo quan điểm của Việt Nam Cộng Hòa, về mặt văn hóa, Alexandre de Rhodes "có công" vì đã khai sinh ra chữ "quốc ngữ". 

Nhưng khốn khổ cho ông Đờ Rốt, ông là người Pháp. Mà Pháp là đế quốc xâm chiếm và cai trị Việt Nam gần 100 năm! Theo quan điểm "địch ta" rạch ròi của đảng, mặc dầu ông Đờ Rốt sinh trước chiến tranh cả 200 năm, nhưng ông vẫn là "thực dân". Đảng ta "vinh quang, đánh Pháp đuổi Mỹ" thì cái gì của Pháp cũng cần phải đánh đổ. Alexandre de Rhodes không có công lao gì cả. 

Nguyên nhân khác khiến công lao Alexandre de Rhodes không được ghi nhận là do sự đả phá của phe Phật giáo ; như sĩ phu Huế (như Nguyễn Đắc Xuân), những người thuộc phe hòa thượng Trí Quang (như Cao Huy Thuần, Thái Kim Lan, Nguyễn Hữu Liêm...) 

Nếu ta so sánh đạo Thiên Chúa với đạo Phật. Đạo Phật truyền sang Việt Nam từ rất lâu, từ Ấn Độ qua ngả Trung Hoa rồi sang Việt Nam. Cả ngàn năm đạo Phật lan tỏa trong lòng dân tộc Việt Nam, nhưng những bậc chân tu, những học giả Phật giáo... chưa có ai "sáng chế" ra được chữ Việt để tiện cho việc tu học và truyền giáo. 

Tu sĩ Phật giáo Việt Nam vẫn đọc kinh theo tiếng Hán phiên âm, chứ không đọc theo nguyên bản tiếng Phạn (ngôn ngữ của Đức Phật). Hiển nhiên việc này làm cho ý nghĩa những lời kinh Phật bị lệch lạc. Học giả Trung Hoa dịch kinh sai, phiên âm sai... tất nhiên kinh kệ Việt Nam càng sai nhiều hơn nữa.

Phe Thiên Chúa giáo họ "sáng chế" ra chữ "quốc ngữ" để tiện bề truyền đạo.

Phật giáo lẫn Thiên Chúa giáo đều là du nhập từ nước ngoài. Đạo Phật du nhập "gián tiếp" qua ngả Trung Hoa. Đạo Thiên Chúa giáo du nhập trực tiếp bới các ông cố đạo trực thuộc Vatican. 

Các tu sĩ Phật giáo cho rằng đạo Phật là đạo của "dân tộc" và đạo Thiên chúa là "tà ma ngoại đạo" là sai. Ngay cả lưu truyền ngàn năm thì gốc đạo Phật là Ấn Độ. Và khi truyền vào Việt Nam thì đạo Phật đã trở thành đạo Phật "mang màu sắc Trung Hoa"

Các học giả, tu sĩ Phật tử phải nhìn nhận là chữ Nôm hay chữ "quốc ngữ" đều là loại chữ "ký âm", khác với loại chữ "tượng hình", nhìn "hình" là biết ý nghĩa như chữ Hán. 

So sánh chữ "quốc ngữ" và "chữ Nôm" thì hai lọai chữ này "tương đương" với nhau, đều là "ốc mượn hồn", mượn các "xác" chữ người nước ngoài để ghi lại "tiếng" nước mình. 

Mọi chống đối, bài bác "chữ quốc ngữ" đều "dở". Chữ Nôm theo Tàu, chữ "quốc ngữ" theo Latin, cái nào ưu việt hơn cái nào ?

Theo tôi, ông cố đạo Đờ Rốt có công hay có tội không thể phê phán trên quan điểm tôn giáo hay chính trị. Mà điều cần thiết là phải "trả lại sự thật cho lịch sử".

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.