lundi 23 décembre 2019

Mai Bá Kiếm - Chống dịch tả heo châu Phi, người chăn nuôi và nội trợ là bên thua cuộc !



Tôi bảo con gái tôi, từ nay không mua thịt heo và Tết này không cần nồi thịt kho tàu truyền thống. Cúng ông bà bằng các món thịt bò, thịt gà, cá đồng là quý rồi.

Đó là cách tôi phản kháng với các tập đoàn chăn nuôi, được tiếp tay bởi quan chức ngành nông nghiệp và công thương để thổi phòng giá heo, rồi đổ thừa do nguồn cung thiếu vì dịch tả heo châu Phi.

Tại cuộc họp ngày 18/12, Phó thủ tướng  Vương Đình Huệ phê bình và yêu cầu Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm vì chậm trễ thực hiện các giải pháp bình ổn giá thịt heo.

Bên lề cuộc họp, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nói láo rằng “Do ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi, giá thịt heo tăng trên toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Như, giá thịt ở Trung Quốc: 150.000 - 170.000 /kg, cá biệt có nơi lên đến 300.000 đ/kg”.

Trong khi, giá heo hơi Trung Quốc hiện chỉ có 33,38 tệ (109.817 đ/kg) cao hơn giá heo hơi Việt Nam hơn 10.000 đ. Theo Sở Công thương TPHCM, giá heo nhập từ Mỹ, Phần Lan, Úc... cộng thuế và chi phí, chỉ tương đương khoảng 70% giá heo trong nước.

Khi bị Phó thủ tướng rầy, thứ trưởng “thổi phồng” giá heo thế giới. Khi bị Quốc hội chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường “kể công chỉ đạo” dập dịch và “hạ thấp tỉ lệ” chết vì dịch tả Châu Phi chỉ 8,5%.

Ngày 6/11, Bộ trưởng Cường “nổ” ở Quốc hội: “Từ khi xuất hiện dịch tháng 8/2018, Bộ đã ban hành 60 văn bản để hướng dẫn bà con nông dân phòng chống dịch bệnh; đồng thời, đã có kịch bản ứng phó thiệt hại cho nhà nông. Tuy nhiên, với diễn biến như trên, các ổ dịch đã bùng phát, lan rộng nhanh chóng, với 5,7 triệu con bị nhiễm bệnh, bằng 8,5% tổng đàn bị thiệt hại”.

“Chỉ đạo bằng văn bản và kịch bản”,
vậy mà đếch có đại biểu nào biết hỏi: Tại sao thiệt hại 8,5% đàn heo, mà giá heo tăng 100% so với đầu tháng 8 (42.500 đ/kg lên 95.000 đ/kg)? ”

Bằng kinh nghiệm làm báo, tôi dám nói thiệt hại tổng đàn heo vô cùng lớn, nên giá heo mới tăng 100% trong chỉ 3 tháng.

Giá tăng cao và nhanh không do xuất heo qua Trung Quốc (vì giá không chênh lệch cao), không do nông dân ghim hàng (heo 100kg không bán thì để làm giàu cho cửa hàng thức ăn chăn nuôi?). Đây là luận điệu phản động, là thuyết âm mưu của các tập đoàn chăn nuôi để nâng giá heo.

Thủ phủ chăn nuôi là Đồng Nai hầu như không còn heo trong nông hộ và trang trại nhỏ.

Với kinh nghiệm viết bài từ dịch cúm gia cầm H5N1 năm 2003, và sau đó là dịch lở mồm long móng trên heo, rồi dịch heo tai xanh, tôi dám nhận định rằng cứ mỗi lần có dịch là “nông dân và các bà nội trợ” là bên bại trận!

Trái lại, các tập đoàn chăn nuôi, tập đoàn thuốc thú y, tập đoàn thức ăn chăn nuôi, tập đoàn giống gia cầm, gia súc là “phe” thắng trận. Nhờ sự hỗ trợ của các ngành chăn nuôi, thú y qua các chính sách chống dịch lập lờ và số liệu mập mờ, mà chỉ có các tâp đoàn lớn mới có số liệu chính xác và đủ vốn liếng để hoạch định chiến lược bảo toàn đàn trong dịch và tái đàn sau dịch.

Thảm họa của người chăn nuôi là cơ hội cho tập đoàn chăn nuôi!

“Thành phần thứ ba” bên "phe thắng cuộc" là các giáo sư tiến sĩ ở Đại học Nông Lâm đi làm cố vấn cho các tập đoàn ngoại quốc về chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Các chi cục chăn nuôi, giống, thú y giúp các tập đoàn mời nông dân hội thảo, tập huấn sử dụng thuốc, thức ăn trong phòng trừ dich bệnh.

Người chăn nuôi và nội trợ không chỉ bại trận vì nhóm lợi ích và sân sau, mà từng bại trận vì “thành tích SEA Games 23”.

Tháng 12/2003, Việt Nam tổ chức SEA Games 23, nhưng từ tháng 6/2003, dịch cúm H5N1 đã xảy ra tại Trại giống gia cầm quốc gia Thụy Phương của Bộ NN&PTNT. Gà giống nhiễm H5N1 được nhập từ Trung Cộng về, trại giống quốc gia cũng ngu hết biết!

Nhưng ngu ở tầm vĩ mô là sợ khán giả Đông Nam Á nghe dịch không dám tới coi SEA Games, Bộ NN&PTNT để sang đầu năm 2004 mới công bố dịch H5N1, thì nó đã lan đến Long An và Tiền Giang và kéo dài đến 5 năm sau.

Khi họp báo ở Văn phòng 2 Bộ NN&PTNT tại Sài Gòn, Cục Thú y phát photo các văn bản chỉ đạo dập dịch, tôi phát hiện báo cáo xuất hiện dịch của Trại giống gia cầm Thụy Phương từ tháng 6/2003.

Tôi chất vấn tiến sĩ Bùi Quang Anh – Cục trưởng Thú y: “Dịch từ tháng 6/2003, tại sao giấu đến tháng 1/2004, khi lan vô tới Tiền Giang mới công bố?”

Ông Anh nói “Giấu vì SEA Games”. Tôi viết bài nguyên văn, nhưng Ban biên tập báo Phụ Nữ cắt bỏ. Cho nên người chăn nuôi chết chắc thôi!

MAI BÁ KIẾM 22.12.2019

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.