mercredi 20 novembre 2019

Truc Hamlet - Hồng Kông, trong hào quang bóng tối


Thật trùng hợp vào Ngày Nhà giáo Việt Nam, mạng xã hội dậy sóng bởi hai nhà giáo.

Một nữ hiệu trưởng Hồng Kông dành sự ngưỡng mộ về khí phách lẫm liệt, bảo vệ học sinh, sinh viên của mình. Bà cáo buộc cảnh sát Hồng Kông đã tràn vào khuôn viên của trường, sử dụng súng đạn một cách hung hăng. Nhà trường đã thu được khoảng hơn 2.300 đầu đạn.Bà nói chính cảnh sát là những kẻ khơi mào sự hỗn loạn và rồi đổ tội cho học sinh của bà cho việc họ chống trả lại.

Một nữ hiệu trưởng khác, tại Việt Nam, bị mạng xã hội lên án vì đã ra một lệnh miệng cấm sinh viên trao đổi về vấn đề Hồng Kông.

Tin này chưa được xác nhận nhưng chẳng lẽ có việc sợ gần sợ xa gì đó? Tôi nghĩ là không, vì các báo vẫn cập nhật hàng ngày hàng giờ tình hình Hồng Kông.

Tại sao Hồng Kông? Câu hỏi làm đau đầu cả những người ủng hộ Hồng Kông và cả phần còn lại của thế giới.

Nhìn cảnh người Hồng Kông dùng súng bắn ná, cung tên…và cả cách mà dân tộc Trung Hoa đối đáp với nhau bằng bạo lực, và máu cho thấy lịch sử đã được kéo lùi về thời Xuân thu Chiến quốc.

Lịch sử có những sự lựa chọn không thể tranh cãi.

Giới trẻ Hồng Kông đã dạy cho giới trẻ thế giới và tất cả chúng ta một bài học lớn và sâu sắc rằng, tự do chưa bao giờ là miễn phí. Trong thời bình vẫn có thể mất tự do và người dân phải đánh đổi không gian tưởng chừng như yên bình đó để giữ sự tự do đúng nghĩa.

Nhà báo Cao Huy Thọ phát biểu trên trang cá nhân: Giáo sư Bae Yangsoo, trưởng khoa tiếng Việt trường ĐH ngoại ngữ Busan kể với tôi về một thời sinh viên sôi nổi của ông ấy, rơi vào giai đoạn thập niên 1980. Hồi ấy, máu của sinh viên Hàn Quốc đã đổ rất nhiều, với đỉnh điểm là vụ đại học Gwangjiu. GS Bae bảo ngày nay người dân Hàn đều biết ơn thế hệ sinh viên ấy, những người đã lấy máu của mình để nuôi cho DÂN CHỦ trưởng thành.


Những ngày này, theo dõi vụ sinh viên Hồng Kông, chợt nhớ đến câu nói của GS Bae: thức ăn của dân chủ là máu ! Thức ăn của dân chủ không thể là bàn phím !
 
(hết trích)

Những người trẻ Hồng Kông  thật tuyệt vời, họ không nhạt nhòa, họ có lý tưởng, họ xác định giá trị sống cốt lõi của cá nhân và cộng đồng Hồng Kông rộng lớn. Nếu những người trẻ không chết hôm nay thì vài mươi năm nữa, khi bình yên bên tách trà, họ có thể tự hào về cuộc đời mình, hay chí ít có những hoài niệm thật đẹp.

Tôi nghĩ, sự bình yên trong giới trẻ Việt như hiện nay thật không ổn. Những người trẻ không có mục đích sống rõ rệt, và đó cũng là lý do khiến người trẻ Việt sa vào tệ nạn xã hội như nghiện rượu bia, ma túy (Hôm trước một kẻ ngáo đá đã giết và ăn thịt ông cụ, hôm nay, một kẻ ngáo đá khác ngồi giữa đường đưa chính cái chân của mình lên gặm, liếm máu như một con Zombie, xem qua mà chóng mặt, buồn nôn, bủn rủn chân tay. Không thể tưởng tượng được, kể cả từng xem phim kinh dị.)…

Đừng hiểu nhầm, lý tưởng chỉ duy nhất là “xuống đường” hay “phản ứng”…Mỗi cá nhân xác định được giá trị sống cốt lõi của mình và đeo đuổi nó không mệt mỏi, đó là lý tưởng.

Những người lớn, trong đó có tôi, dường như đã cũ trong cái thế giới này khi muốn con em mình sống bình lặng, chịu đựng. Trước mắt là biết cách làm ngơ trước những bất công xung quanh mình vì “nhà bao việc” , “liên quan gì đâu?”, kiểu như hãy chịu đựng hết, miễn là được bình yên.

Những người quản trị xã hội chắc cũng vậy, bà hiệu trưởng cấm sinh viên trao đổi về vấn đề Hồng Kông cũng vậy.

Vậy thì những người trẻ sẽ bằng lòng với dải băng bịt mắt ngọt ngào kia hay tự mình tìm kiếm sự thật, tìm kiếm lý tưởng và giá trị sống cốt lõi cho chính mình?

Anh Thành Lộc tâm đắc vai viễn Ignacio, người có con mắt thứ ba và kể lại trong tự truyện Tâm thành và Lộc đời: “Khi các bạn phóng viên yêu cầu kể vài vai diễn mình thích, tôi thường nêu tên Ignacio, nhân vật nổi loạn của vở Trong Hào Quang Bóng Tối (tác giả: Antonio Buero Vallejo, đạo diễn: Kim Loan).

Chuyện kể về một ngôi trường nuôi dạy người khiếm thị bẩm sinh. Bị nhà trường ru ngủ rằng hãy yên tâm đi với hiện trạng tối tăm, cộng đồng người khiếm thị này không ý thức được rằng, bên cạnh thế giới của họ còn có một thế giới rộng lớn: Thế giới của những người sáng mắt. Mắt Ignacio không thấy nhưng huệ nhãn trong anh đã cảm nhận được, có một thế giới sáng hơn, rộng hơn. Và anh đã gieo nhận thức này vào mọi người.

Tôi thấy mình giống Ignacio ở tư tưởng nổi loạn. Chất nổi loạn trong tôi như được tiếp sức. Lúc đó tuy tôi chưa có huệ nhãn như anh, nhưng vài bức xúc trước những bất công quanh mình cũng đủ cho tôi trút vào nhân vật, khát vọng muốn cho môi trường sáng tạo quanh mình tốt hơn.”

Chúng ta sống trong thế giới đầy giả dối như bóng tối của trường học kia.

Bình yên với dải bịt mắt ngọt ngào hay mở ra, đi tìm giá trị sống cốt lõi cho mình cũng là làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

TRUC HAMLET 20.11.2019


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.