jeudi 28 novembre 2019

Lưu Trọng Văn – Công lao trời bể



Cuốn sách đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ của linh mục Alexandre de Rhodes (cha Đắc Lộ), in năm 1651, được lưu giữ ở nhà thờ Mằng Lăng. Ảnh của nhà báo Đoàn Khắc Xuyên.

Bản kiến nghị của 12 nhà khoa học xã hội, chính trị, lịch sử chống việc đặt tên đường Alexandre de Rhodes và Francesco de Pina ở Đà Nẵng, đã gặp những phản ứng quyết liệt của đa số người Việt với đủ thành phần xã hội.

Có thể khẳng định trên không gian mạng và báo chí chính thống ý kiến ủng hộ việc Đà Nẵng đặt tên đường là tuyệt đại đa số. Lý do quá rõ.

1.

-Cha Francesco de Pina người Bồ Đào Nha, từ năm 1617 đã nghĩ ra công thức dùng khuôn nhạc và 6 dấu (huyền, hỏi, sắc, nặng, ngã, không), trong đó sáng tạo thêm dấu hỏi và dấu nặng mà hầu như không có ngôn ngữ nào trên thế giới có, để phiên âm chính xác âm Việt và hồn của tiếng Việt ra chữ viết theo hệ La Tinh.

Tại Lisbon, Bồ Đào Nha còn lưu giữ các tư liệu chứng minh sự thật này. (Nhà thơ Hoàng Hưng, phó giáo sư ngôn ngữ Hoàng Dũng cùng nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ và người viết bài này đã trực tiếp được xem tư liệu này).

-Cha Gaspar de Amaral, học trò học tiếng Việt của cha Pina, có công soạn cuốn từ điển Việt-Bồ.

-Cha Antonio Barbosa, một học trò tiếng Việt khác của cha Pina, có công soạn từ điển Bồ-Việt.

-Cha Alexandre de Rhodes cũng là người được cha Pina dậy tiếng Việt, có công lớn khi tổng hợp các thành tựu của các cha Pina, Amaral, Barbosa soạn thành bộ từ điển Việt- Bồ-La hoàn chỉnh, chính thức in và công bố cho thế giới biết vào năm 1651 tại Roma, Ý.

Bên cạnh đó, lịch sử cũng phải ghi công rất nhiều người Việt đã hỗ trợ tích cực cho các cha thực hiện việc sáng tạo chữ Việt mà chúng ta gọi là chữ Quốc ngữ ngày nay.

2.

Trước khi có chữ Việt dân tộc ta dùng chữ Hán và chữ Nôm.

Chữ Hán là tiếng Hán.

Chữ Nôm tuy là tiếng Việt do Hàn Thuyên sáng tạo, nên nhưng chữ vẫn lấy gốc chữ Hán mà chỉ cải tiến đơn giản hơn.

Chữ Việt mà các cha sáng tạo là loại chữ phiên âm tiếng Việt duy nhất dễ học, dễ viết và tách biệt chữ Hán.


Tiếng Việt là tiếng của Tổ tiên Việt, là Hồn Việt, là Văn hóa Việt, là cuộc sống thuần Việt. Khác hoàn toàn tiếng Hán. Vậy thì công lao của các cha Pina, Amaral, Barbosa, Rhodes là công lao trời bể.

Tiếng Việt cùng chữ Việt được như ngày nay đương nhiên còn nhờ công lao vô cùng to lớn của các nhà văn hóa Việt và chính người Dân Việt nói tiếng Việt, viết chữ Việt không ngừng nghỉ, làm trong sáng, làm phong phú và sáng tạo nên - hoàn chỉnh thêm.

3.

Các ý kiến cho rằng mục đích các cha sáng tạo nên chữ Việt chỉ để phục vụ cho việc truyền đạo chứ không vì Dân tộc Việt.

Ý kiến này bị đa số ý kiến trên mạng và trên báo chính thống bác bỏ, vì nó chia rẽ sự đoàn kết Dân tộc.

Cách đây hơn 2000 năm Việt Nam đã xuất hiện các nhà sư từ Ấn Độ đến truyền đạo Phật. Vậy thì cách đây hơn 400 năm Việt Nam xuất hiện các giáo sĩ từ Bồ Đào Nha, từ Pháp đến truyền đạo Thiên Chúa có gì sai? Có gì chống lại Dân tộc?

Chả lẽ đạo Phật, Nho giáo là tốt, còn đạo Thiên Chúa là phản động, phản Dân tộc?

Nếu xấu tại sao hầu hết các nước Dân chủ, Văn minh và cả tỉ người trên thế giới lại tin và tôn thờ?

Nếu xấu tại sao Việt Nam hiện có hàng triệu bà con Công giáo kính Chúa yêu nước, đồng hành cùng Dân tộc lại tin và tôn thờ?

Nếu xấu thì vì sao Thiên Chúa giáo lại được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và gắn kết?

Vì vậy việc các cha do việc truyền đạo đi chăng nữa mà sáng tạo chữ Việt cũng là việc cần được tôn trọng. Đó là chưa kể đạo Thiên Chúa đã góp phần không nhỏ giúp nước Việt được khai sáng thêm, được tiếp nhận các giá trị văn hóa phương Tây hơn.

4.

Có ý kiến gay gắt phê phán cha Alexandre de Rhodes trong khi truyền đạo đã phỉ báng đạo Phật, Khổng Tử, Nho giáo.

Cứ giả sử có sự cực đoan vậy và giả sử việc bài các tôn giáo khác là có thật, thì cân nhắc giữa công và tội của cha Alexandre de Rhodes, chúng ta không khó để thấy công của cha là trời bể.

Đồng thời để công bằng thì chúng ta thấy trên nhiều đường phố khắp Việt Nam mang tên nhiều nhân vật lịch sử hiện đại của Việt Nam, đã chủ mưu và trực tiếp ra lệnh phá hủy rất nhiều chùa chiền, đình, đền thờ của Dân tộc quy kết là văn hóa mê tín, phong kiến lạc hậu. Tại sao họ vẫn được đặt tên đại lộ, đường phố lớn?

5.

Có ý kiến các cha đã kết nối rước thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, vì vậy các cha là tội đồ của Dân tộc Việt Nam.

Các cha sáng tạo nên chữ Việt và truyền đạo Thiên Chúa vào Việt Nam từ năm 1617- 1645. Hơn 200 năm sau 1858 người Pháp mới đổ quân vào Sơn Trà, Đà Nẵng chính thức xâm lược Việt Nam.

Sao lại có thể có sự liên kết quy chụp qua hai thế kỷ như vậy được?

Kết luận:

Đã đến lúc nhà nước Việt Nam phải "uống nước ơn kẻ đào giếng" cùng lúc tôn vinh các cha Pina, Amaral, Barbosa, Rhodes.

Hoan nghênh tỉnh Quảng Nam đang xúc tiến làm Không gian Văn hóa, ghi ơn, tôn vinh các cha và những người có công sáng tạo và làm đẹp tiếng Việt, chữ Việt.

Hoan nghênh Đại học Duy Tân của Đà Nẵng đã thành lập Viện Tôn vinh chữ Quốc ngữ, để góp phần giáo dục thế hệ trẻ về bảo vệ tiếng Việt, chữ Việt.

Hoan nghênh các nhà ngôn ngữ, sử học Đà Nẵng và Sài Gòn tổ chức các Hội thảo về chữ Quốc ngữ trong tháng 12.2019, nhân kỷ niệm 100 năm vua Khải Định ra chiếu dụ chính thức bỏ dùng chữ Hán mà dùng chứ Việt trong các kỳ thi.

Để biết thêm về việc Sài Gòn giữ tên đường Alexandre de Rhodes tại trung tâm Sài Gòn, xin bạn đọc nghe nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng kể:


"Hồi ông Võ Văn Kiệt còn đương chức, ông có chuyến thăm chính thức nước Pháp. Ngoài các chương trình làm việc với phía Pháp, ông có đến thăm Đại sứ quán Việt Nam ở Paris. Tại đây, ông được thông báo là Đại sứ quán có sắp xếp một cuộc gặp mặt giữa ông với ông Hoàng Xuân Hãn – một học giả người Việt sinh sống ở Pháp đã mấy chục năm – tại trụ sở Đại sứ quán.



Ông Kiệt hỏi những người tổ chức cuộc gặp: “Hoàng Xuân Hãn là ai?”. Sau khi được giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của học giả Hoàng Xuân Hãn: Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Chính phủ Trần Trọng Kim, người đã tổ chức biên tập và chuyển ngữ gần như toàn bộ sách giáo khoa từ thời Pháp thuộc sang Việt ngữ.



Sau 1954, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tiếp tục bổ sung và sử dụng bộ sách này. Ông Hoàng Xuân Hãn là tác giả nhiều công trình nghiên cứu lịch sử có giá trị. Ông Kiệt nói: “Vậy thì tôi sẽ đến thăm học giả Hoàng Xuân Hãn tại tư gia của ông ấy, chứ không phải là chúng ta mời ông ấy đến đây gặp tôi”.



Khi hội kiến tại tư thất ông Hãn, vị Học giả này đã trình bày với vị Lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam nhiều nội dung, về xây dựng đất nước, học thuật và thời cuộc. Sau cùng, học giả Hoàng Xuân Hãn đề nghị Việt Nam, nên đặt lại tên đường Alexandre de Rhodes, để ghi nhận công lao của vị giáo sĩ người Pháp này, trong việc phát triển và hoàn thiện chữ Quốc ngữ. Ông Võ Văn Kiệt hứa sẽ thực hiện. Và ông đã thực hiện”.

LƯU TRỌNG VĂN 28.11.2019 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.