dimanche 10 février 2019

Brexit: Anh hủy hợp đồng với một công ty vận tải biển không có tàu

Cảng Dover có nguy cơ bị tê liệt nếu Anh rời EU mà không có thỏa thuận.

Chính phủ Anh hôm 09/02/2019 bị chỉ trích là bừa bãi trong việc chuẩn bị cho trường hợp ra khỏi Liên hiệp Châu Âu mà không có thỏa thuận. Luân Đôn đã phải hủy một hợp đồng vận chuyển hàng hải với một công ty không có tàu mà cũng chẳng có kinh nghiệm. Vào thời điểm ký hợp đồng, chính quyền tuyên bố là hoàn toàn ý thức được rằng Seaborne là « một nhà cung cấp dịch vụ hàng hải mới », tuy nhiên đã « kiểm tra kỹ lưỡng ».

Từ Luân Đôn, thông tín viên Marina Daras cho biết thêm chi tiết :

« Còn 47 ngày nữa là đến thời hạn chính thức Anh ra khỏi Liên hiệp Châu Âu, việc chuẩn bị cho tình huống Brexit không có thỏa thuận đang diễn ra một cách hối hả. 

Đã từng bị chỉ trích hồi tháng 12 vì một quan hệ đối tác khả nghi, bộ Giao thông Anh hôm qua buộc lòng phải vội vã hủy bỏ một hợp đồng 15,3 triệu euro với công ty Anh Seaborne. Theo hợp đồng, thì công ty này phải đảm trách việc cung cấp thêm những chuyến tàu giữa Ramsgate và Ostende, nhằm hạn chế những rối loạn, nếu không có thỏa thuận nào được tìm ra trước khi Anh quốc rời Liên hiệp Châu Âu vào ngày 29/3 tới. 

Tuy nhiên Seaborne chưa bao giờ làm dịch vụ vận chuyển hàng hải, và nhất là chẳng sở hữu một chiếc tàu nào. Seaborne trông cậy vào một công ty thứ ba là Arklow Shipping ở Ailen, sẽ cung cấp các tàu và phụ trách việc điều vận. Nhưng Arklow Shipping bất ngờ rút lui, khiến chính quyền Anh đành phải chia tay với hợp đồng đối tác này.

Bộ trưởng Giao thông Chris Grayling bị đả kích dữ dội vì sai lầm trên đây. Công Đảng thậm chí còn đòi hỏi người được mô tả là « bộ trưởng tệ hại nhất từ trước đến nay » phải từ chức. »

Làn sóng công ty rời khỏi Anh

Cơ quan đầu tư nước ngoài của Hà Lan (NFIA) hôm qua cho biết trong năm qua có 42 công ty đã chuyển trụ sở từ Anh về Hà Lan, do những bất ổn liên quan đến Brexit, trong đó có các công ty tài chính, bảo hiểm quan trọng. Có nghĩa là sẽ tạo ra 1.923 việc làm, và 291 triệu euro đầu tư. Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) cũng sẽ từ Luân Đôn dời về Amsterdam.

Chỉ riêng trong tháng Giêng, đã có 250 công ty nước ngoài có trụ sở tại Anh liên lạc với NFIA để di dời sang Hà Lan ; các nước khác như Đức, Pháp, Ailen cũng đang được dòm ngó. Lo sợ về tình trạng hỗn độn hiện nay trước Brexit, tập đoàn Sony và Dyson đã rời khỏi nước Anh hồi tháng Giêng, còn nhà sản xuất xe hơi Nissan tuần rồi loan báo sẽ không lắp ráp một kiểu xe tại Anh quốc. 

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190210-brexit-anh-huy-hop-dong-voi-mot-cong-ty-van-tai-bien-khong-co-tau

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.