dimanche 6 janvier 2019

Nguyễn Tiến Tường - Toàn diện và tuyệt đối



Lộ trình tuyến métro số 2 Bến Thành - Tham Lương. Ảnh Zing

Cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên khi Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cấp thêm hơn 50 nghìn tỉ cho các tuyến Metro Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM).

Trong đại án dầu khí, ông Đinh La Thăng từng nói giữa tòa việc đầu tư vào Venezuela và Nhiệt điện Thái Bình có chủ trương của Bộ Chính trị (BCT). BCT sau đó công bố KL41/KLTW phủ bác điều này. 

Gần đây nhất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng phát biểu: "BCT đã kết luận rồi, Luật đặc khu không vi phạm Hiến pháp. Phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật".

Chuyện mười mấy người lo sinh mệnh cho cả quốc gia không có gì mới mẻ trong chính thể một đảng. Quyền lực đó là tuyệt đối và vô song, vượt trên tam quyền. 

Sòng phẳng với dư luận, nếu không có ý chí của nội tại BCT, thì chẳng có tư pháp nào dám xử lý các ủy viên như ông Thăng hoặc các thanh củi sau này. Vì thế, mỗi biến động xã hội thường được mặc định là biến động chính trị hơn là biến động tự nhiên.

Thể chế tại Việt Nam, dân trực tiếp chịu một cấp lãnh đạo hành chính và gián tiếp chịu thêm một cấp lãnh đạo về mặt Đảng. Các cơ quan của đảng song hành đến tận cơ sở, và quyền lực cao hơn hành chính. 

UBND xã, huyện, tỉnh quyền lực không bằng Đảng ủy. Lãnh đạo hành chính không quan trọng bằng chân thường vụ. Chủ tịch tỉnh không thể nào to quyền bằng bí thư. 

Ở TPHCM, quyền lực của ông Lê Thanh Hải khác nào đế vương. "Đệ cứng" của ông Hải là ông Cang dưới một người trên triệu người. Những nhân vật đứng đầu hành chính có thể xem chỉ là cấp thừa hành. Với quyền lực ấy, Trung ương không xuống "xử" thì tam quyền ở địa phương chẳng có giá trị gì. 
................................
Cơ chế chính trị đặt phường xã, huyện, tỉnh vào thường vụ, quốc gia vào BCT. Nói khách quan, cương lĩnh về mặt đảng không hẳn xấu. Nhưng quyền lực tập trung dễ dẫn đến duy ý chí. 

Kể cả sự vận động của guồng máy hành chính đều chờ chủ trương cấp ủy, sẽ dồn ứ lại. Làm gì cũng "ngó" cấp ủy, muốn nhanh cũng không được, muốn sáng tạo lại sợ rủi ro. 

Để vào cấp ủy, lại là cả một sự nghiệp dấn thân chính trị, yếu tố kỹ trị sẽ bị lu mờ. Ủy viên sẽ có xu thế "làm đẹp" lý lịch của mình hơn là dấn thân điều hành. Kể cả khi đụng đến một vấn đề phát tiết kỹ năng cá nhân nhưng lại không thể vượt qua biểu quyết số đông. 

Các nghị quyết chủ trương không phải là văn bản luật. Nên khi xảy ra các "sự cố", không thể căn cứ hoặc truy cứu. Đó là chưa kể "khẩu dụ". 

Và vì số đông nên chẳng ai chịu trách nhiệm cụ thể khi có sai sót, ý chí cấp ủy là "cha chung" nên không biết ai khóc. Đó lại là chiếc phao cứu sinh để cán bộ sai phạm víu vào đổ thừa... cơ chế.
.........................

Sự chồng lấn của chính trị đối với tam quyền là điều mà ai cũng có thể nhìn thấy cả. Nhược điểm của nó ai cũng nhìn thấy cả. 

Xem ra chỉ có một con đường cải cách thể chế là đảng triệt thoái bớt quyền lực, trả lại cho xã hội. Chưa cần lớn lao, có thể thử nghiệm ngay với cấp xã, phường chẳng hạn. 

Tuy nhiên, con đường sáng đó cũng là tuyệt lộ bởi sự bảo thủ và tham quyền cố hữu của hệ thống đảng. Nói ra điều này có khi đã là "phạm húy" thì mơ gì đến đổi thay thể chế?

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.