vendredi 16 novembre 2018

Nguyễn Xuân Hưng – Những dòng thơ máu



Ông Xuân Diệu có bài thơ "Hòa bình" đăng báo Văn Nghệ trước năm 1955, các bạn muốn đọc cái gọi là thơ này thì xem ảnh. "Hòa bình của chúng ta /là đập lên đầu chúng nó /là nghiến chân trên sọ/ bọn ăn thịt loài người/lũ gieo họa cho đời/ giết cả loài chúng nó"...

Mấy câu gọi là thơ về hòa bình mà có những từ: đập đầu, ăn thịt người, gieo họa, giết cả loài... Hòa bình thế mới khủng khiếp chứ. Ông này từ chối "chiến tranh" kiểu run với gió mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây. 

Người đồng quan điểm với Xuân Diệu, bạn cùng chiến hào là Chế Lan Viên làm thơ về trả thù còn ghê hơn: "chí trả thù phải to/ đạo trả thù phải sáng" .Và phải như thế này: "giết đi, giết thêm đi/ giết nhiều chưa? Giết nữa/ giết đừng sót một thằng/ đổ huyết ra từng đứa/ bao giờ máu giặc lầy sông/ trắng xương quân giặc ngoài (đồng ta đi)".

Riêng ba chữ cuối trong ngoặc khi chụp bị thiếu có thể hơi khác. Bài thơ của nhà thơ Chế Lan Viên đăng trong Văn Nghệ tháng 10/1952. Thời gian đó đang chuẩn bị cho trận Điện Biên, bìa báo có tranh vẽ người thồ hàng bằng xe đạp thồ ra chiến trường.

Cái cách tuyên truyền lòng căm thù để binh sĩ quyết tâm diệt giặc thì chấp nhận rồi. Nhưng làm được thơ mà mỗi câu là một câu "giết" rồi đổ huyết với trắng xương... như ông Viên thì giỏi quá. 

Ông Diệu sau này không thấy nói có ý kiến gì về những bài thơ máu me của mình không, còn ông Viên cuối đời viết lại cũng ân hận chi đó, có lẽ người thọ hơn thì trời cho cơ hội nói lại. 


Trước đây, tôi nghe nhiều người dẫn bài thơ giết giết và đổ oan cho ông Tố Hữu, nên chụp bản thơ, mục lục và bìa cuốn tạp chí Văn Nghệ ấy cho mọi người biết.

Cái tâm lý hả hê khi giết quân thù khi bị nhà thơ tuyên truyền bằng thơ, đừng nói vô hại, mà nó có di hại. Mỗi khi có một củi vào lò, tôi thấy tâm lý sảng khoái tràn ngập không gian thực và ảo, liệu không có nguồn gốc từ thơ giết giết chăng? 

Hồi Nhân văn Giai phẩm, Xuân Diệu và Chế Lan Viên là ngọn cờ đầu phê phán, đánh Văn Cao choang choảng. Bây giờ còn những bài đó, chả khó gì tìm mà đọc lại. Cái cảm hứng làm thơ giết cũng có ở những bài bình luận đó. Giờ đọc lại thấy phù thủy âm binh.


Ông Văn Cao có bài thơ "Đồng chí", đại ý một đồng chí bị các đồng chí khác xử tử hồi cải cách ruộng đất, hô to đảng muôn năm. Đồng chí Cao bị các đồng chí Diệu và Viên đập cho tơi tả. Sau này, hai đồng chí kia được giải thưởng cao nhất mang tên Hồ Chí Minh, còn Văn Cao được giải thưởng nhà nước, thấp hơn một bậc.

Việc tất cả các đồng chí, đồng chí bắn và bị bắn cùng đứng chung vào hàng ngũ giải thưởng nói lên rất nhiều điều. Như củi khô, cây đang sống và lửa cùng chung một lò. Rất ghê gớm.

NGUYỄN XUÂN HƯNG 15.11.2018 (Tựa do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.