lundi 5 novembre 2018

Hoàng Nguyên Vũ - "Nghèo bình yên", tội lỗi thuộc về kẻ nào?



Hai thanh niên giật dây chuyền khiến hai cô gái chạy xe trên đường đập đầu xuống đường, có một cô tử vong, mới đây. 

Những thanh niên vì cần tiền mà giết cả nhà người ta, giết những cụ già gần đất xa trời, giết cả những bé gái chỉ để cướp cái bông tai nhỏ. Cậu sinh viên chạy xe ôm kiếm sống bị đâm cho đến chết để cướp xe, người phụ nữ nhặt ve chai bị xiết cổ đến chết để cướp tiền, bỏ lại lũ con nheo nhóc... 

Lưu manh hóa như thời Chí Phèo và thậm chí còn hơn thế, đã đầy rẫy và trở thành mối hiểm nguy kinh khủng cho cả xã hội. Và đa phần lưu manh hóa, đến từ người nghèo.

Rất nhiều người hỏi, nghèo có bình yên không, xin trả lời bắt đầu từ những con số nhè nhẹ:

Tết 2018, có 4.000 người đánh nhau phải nhập viện. Trong đó có 13 người chết. Và chỉ trong năm ngày Tết, 2.800 nam thanh nữ tú đã phải nhập viện do đánh nhau (nguồn: Zing).

Hiện chưa có con số tổng kết của năm 2018, mượn con số của năm 2017, khi Bộ trưởng Công an báo cáo về tình hình tội phạm. Tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, khởi tố điều tra 40.497 vụ, 58.983 bị can, giảm 5,48% số vụ. Và dù có giảm 8,08 số bị can so với năm 2016 nhưng hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức, lưu manh côn đồ có hung khí diễn ra nhiều hơn, đặc biệt là những vụ án giết người man rợ, giết cả nhà.

Và theo báo cáo của các năm thì số bị can liên quan đến trật tự xã hội, gần đến con số 50% của bị can tất cả các vụ án.

Nhìn những vụ án rùng rợn những năm qua với những kẻ sát thủ tuổi đời còn khá trẻ như Lê Văn Luyện, Nguyễn Hải Dương và tên giúp việc giết cả nhà ở Bình Tân, thì bất cứ ai cũng có thể hiểu, nghèo không và không thể bình yên, đúng hơn là khó mang lại bình yên cho xã hội, trong cuộc sống bây giờ. 

Chính trong báo cáo, ông Bộ trưởng Công an đưa lý do này ra đầu tiên: "Do tình hình kinh tế, đời sống của người dân nhìn chung còn khó khăn; số lao động chưa có việc làm còn nhiều". Nhưng lỗi có thuộc về người nghèo không?

Việt Nam hiện đang có sự chênh lệch về giàu - nghèo rất rõ. Trong đó nổi lên là người nghèo nghèo đi vì người giàu, mà cụ thể là nghèo đi vì tham nhũng, vì những bất công xã hội. Bạn có thấy bất cứ một quan chức cấp huyện trở lên nào mà "trung lưu" chứ chưa nói là nghèo không? Bao nhiêu trong số họ không có biệt thự hay biệt phủ? Bao nhiêu trong số họ không có con đi học nước ngoài bằng tiền dân? Và bao nhiêu trong số họ không có cả lũ cháu con thân thích cùng làm quan và ngồi trên đầu dân? 

Cái chênh lệch ở đây không chỉ vì tiền bạc của cải hay đời sống mà chênh lệch ngay chính cái lý do để một bên giàu và một bên nghèo, mà nói thẳng ra chính là sự bất công. Sự bất công gây một sự phẫn uất xã hội trên diện rộng, tạo ra các mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt. 

Một khi chính sách phát triển mất cân bằng, cán cân tài chính nghiêng về người giàu và tham quan thì hệ lụy của nó thật kinh khủng.

Hàng loạt các dự án lớn được mọc lên nhưng hầu hết các dự án đó, tiêu tốn một lượng ngân sách khủng, và người ta đưa ra nhiều lý do khác nhau. Nhưng nếu đồng ý hết các lý do thì chưa thấy bất cứ lý do nào dành cho người nghèo cả. Cũng có nghĩa là, số ngân sách được chi ra, ít dành cho việc quan tâm hay giúp đỡ người nghèo để tạo ra một xã hội cân bằng. 

Từ sân bay Long Thành, các tượng đài nghìn tỉ, các Nhà hát nghìn tỉ, các công viên nghìn tỉ, đâu cũng là những con số khủng nhưng nhìn kỹ thì tất cả các công trình đó, không dành cho người nghèo. Bởi người nghèo không quan tâm sâu đến vấn đề tinh thần lúc này như các nghệ sĩ phát biểu "người nghèo nghe giao hưởng", cái họ lo là việc làm, là cái ăn, là cái nhà để ở.

Các dự án liên quan đến các khu đô thị và quy hoạch nhà ở, bao nhiêu phần trăm dành cho người nghèo? Hãy thử nhìn Thủ Thiêm đi, một mét vuông đất đền bù 800 nghìn cho người nghèo và vài tiếng sau, họ đã bán cho người giàu với mức giá 80 triệu. Và hàng loạt dân oan được ra đời sau cái bộ mặt "đô thị hóa", và nghèo một cách không phanh. Nghèo như vậy, có bình yên không? 

Người ta đưa ra các dự án xã hội hầu hết là "dự án phát triển tinh thần". Người giàu quan tâm đến vấn đề tinh thần, người nghèo quan tâm đến cái vật chất tối thiểu trước đã. 

Nông thôn và nông dân là thứ bị bỏ lại một cách đau đớn thảm hại. 

Khi đô thị hóa và phát triển công nghiệp, họ bị mất đất. Chưa mấy ai nói cái chuyện giải quyết việc làm cho nông dân như thế nào sau khi người nông dân bị mất đất, chỉ trừ vài cái báo cáo cho có của Bộ ngành liên quan nhưng bạn biết đấy, báo cáo để lấy ngân sách tiêu xài thôi chứ cuối cùng giải quyết gì được cho người nghèo? Bộ Nông nghiệp, Bộ Lao động Thương Binh xã hội... họ nói gì, họ có các dự án gì về lao động và việc làm cho nông dân, khi ở hai bộ này, số tiến sĩ đang làm việc cũng nhiều vô kể? Và cuối cùng, nam thanh nữ tú ngực cau nhu nhú phiêu bạt lên phố phường tự kiếm việc làm, rồi chạy vào các khu chế xuất làm công nhân. Nghèo cứ thế mà nghèo mãi mãi.

Đã ai nói về những người già ở nông thôn sẽ được xã hội quan tâm như thế nào sau khi họ không còn khả năng lao động? Vâng, tất cả đang tùy thuộc vào cái chữ hiếu đầy nặng nợ của những đứa con nghèo đang phải tất tưởi tha hương cầu thực. 

Tượng đài nghìn tỉ, sân bay triệu tỉ, nhưng đã ai nói về nước sạch ở nông thôn chưa? Biết bao người ở đó vẫn phải khoan giếng để lấy nước sinh hoạt trong khi phía trên cái giếng là phân bò, là hố xí. Bệnh ung thư như ngả rạ. Bệnh nhẹ thì kiệt quệ, bệnh nặng thì vừa kiệt quệ vừa chết.

Một xã hội phát triển chỉ để cho một nhóm người còn đại đa số người nghèo bị bỏ quên đến thế, liệu xã hội có bình thường không? Và sẽ giải quyết được vấn đề tội phạm không? Chắc chắn không.

Vầng, nghèo vốn không bình yên. Và nghèo ở ta, càng không!

HOÀNG NGUYÊN VŨ 05.11.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.