samedi 8 septembre 2018

Nguyễn Tuấn - Thiếu nghiên cứu khoa học về "Công nghệ giáo dục"



Tìm hiểu về ý nghĩa “công nghệ giáo dục” của ông Hồ Ngọc Đại, tôi nghĩ ông ấy (và những người ủng hộ) hiểu chữ đó khác với khái niệm “educational technology” của phương Tây.

Theo họ giải thích, tôi tóm tắt như sau: “Công nghệ giáo dục” là một phương pháp tổ chức giáo dục, mà trong đó thầy là người tổ chức và học trò là người thi công (khác với cách làm truyền thống là thầy giảng và trò ghi nhớ). Như vậy, cái ý tưởng Công nghệ giáo dục của họ khó tương đồng với khái niệm Educational Technology (1) ở phương Tây, vốn đặt nặng việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và giáo dục.

Từ trừu tượng đến cụ thể

Ông Phạm Toàn có viết sách về công nghệ giáo dục (cuốn “Hợp Lưu Các Dòng Tâm Lý Học Giáo Dục” (2)). Thế nhưng những người đọc sách đó cho biết họ không hiểu gì cả! Không hiểu là vì sách không cho ví dụ cụ thể để giải thích những ý tưởng trong sách. Điều này có vẻ đúng với chủ trương của “Công nghệ giáo dục”  của họ là học từ trừu tượng đến cụ thể (thay vì cách dạy truyền thống là đi từ cụ thể đến trừu tượng).

Cách dạy từ trừu tượng đến cụ thể là điều cần bàn. Tôi được dạy theo cách cũ, tức đi từ cụ thể đến trừu tượng. Và, tôi cũng giảng bài theo hướng này, vì tôi thấy cách giảng này rất hiệu quả. Các trường y trên thế giới ngày nay cũng dạy theo hướng này mà họ gọi là PBL — problem based learning.

Sinh viên được giao cho một vấn đề (bệnh) cụ thể, và họ học về nguyên nhân, yếu tố nguy cơ, điều trị, phòng bệnh từ ca đó. Sau khi quan sát nhiều ca, họ có được quy luật tự nhiên. Có rất nhiều chứng cứ khoa học cho thấy cách học từ cụ thể đến lý thuyết rất có hiệu quả. Tôi không biết chứng cứ khoa học nào minh chứng cho sự hợp lý của cách dạy đi từ trừu tượng đến cụ thể.

Nguồn gốc Liên Xô

Hoá ra, cái ý tưởng “Công nghệ giáo dục” này nó xuất phát từ Liên Xô cũ. Thật ra, cái nguồn gốc sâu xa, trước Liên Xô, là Pháp. Thế nhưng bên Pháp hình như không ứng dụng ý tưởng đó. Ông Hồ Ngọc Đại từng học ở Liên Xô cũ. Ông du nhập và triển khai ý tưởng đó vào Việt Nam. Việc này cũng giống như người ta mới được khai sáng, học được một trường phái nào đó, và vội xem đó là chân lý, rồi áp đặt lên cả một cộng đồng xã hội.

Nếu trường phái đó đã được chứng minh trong thực nghiệm trước khi triển khai, thì việc áp dụng cho quần thể là một đóng góp có ý nghĩa. Ví dụ như phương pháp Montessori đã qua nhiều (rất nhiều) nghiên cứu và thử nghiệm, nên được một bộ phận trong cộng đồng giáo dục chấp nhận. Nếu trường phái đó chưa qua thử nghiệm để biết hiệu quả, mà triển khai cho quần thể lớn, thì việc làm đó rất nguy hiểm và có thể gây xáo trộn hệ thống hiện hành. Cũng giống như thuốc chưa qua thử nghiệm mà cho bệnh nhân dùng thì rất nguy hiểm.

Cần nghiên cứu khoa học

Những gì xảy ra gần đây cho thấy rõ rằng cái “công nghệ giáo dục” của Hồ Ngọc Đại chưa hề quá thử nghiệm khoa học có bài bản. Nhưng có một hội đồng thẩm định sách đánh vần của ông Hồ Ngọc Đại (3). Nhìn qua thành viên của hội đồng này thì thấy đa số là người miền ngoài. Không thấy kết quả thẩm định ra sao, mà chỉ thấy viết "tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục cần được chỉnh sửa cẩn thận theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định."

Xem ra cách người ta đưa vào chương trình giảng dạy cho học trò đơn giản quá! Ngay cả cơ sở triết lý trong môi trường Việt Nam và tương quan với giáo dục truyền thống cũng chưa được phát triển “chín.”

Do vậy, tôi nghĩ cách tốt nhất để có tranh luận “informed” là nghiên cứu khoa học. Nhóm ông Hồ Ngọc Đại và Phạm Toàn nên thực hiện những nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên (randomized controlled trial - RCT) so sánh hai cách dạy/học truyền thống và “Công nghệ giáo dục”.

Những nghiên cứu đó cần có sự giám sát của giới chuyên môn về RCT, chứ không thể để cho hai vị ấy tự ý làm (vì họ có thể không có chuyên môn về RCT). Kết quả nghiên cứu phải được công bố để giới chuyên môn và công chúng có thể đánh giá. Không có những nghiên cứu như thế thì không nên triển khai cái “Công nghệ giáo dục”  đại trà được; triển khai thiếu chứng cứ như thế là không thể chấp nhận được.

Từ học, tiếp thu, đến phát triển thành lý thuyết là một bước đường dài. Từ lý thuyết đến thực hành lại là một bước đường dài hơn. Hãy nhìn qua các nước tiên tiến và giới khoa học trong thế giới phương Tây: từ kết quả nghiên cứu đến phát triển thành lý thuyết phải xây dựng trên hàng trăm công trình nghiên cứu có 'peer review', thuyết phục đồng nghiệp trong hàng trăm hội nghị. Đâu phải chỉ viết một cuốn sách và vài bài báo trên báo chí phổ thông là tự nhiên thành “lý thuyết” hay “công nghệ.”

Cái thời nhà khoa học đùng một cái cho ra một lý thuyết (như viết sách) đã qua lâu lắm rồi. Khoa học hiện đại phát triển gần như theo mô hình đường thẳng kiểu từ A đến B, từ B đến C, từ C đến D, v.v. để cuối cùng là một lý thuyết mới. Lý thuyết đó phải được đa số công chúng và cộng đồng khoa học chấp nhận. (Chứ không phải lấy lý do phải có 'chuyên môn' mới hiểu! Viết ra những gì trừu tượng để người khác đọc không hiểu là sự thất bại của tác giả, chứ không phải ở người đọc không có chuyên môn.)

Cái thảm nạn ở Việt Nam là có những người quá tự tin vào những "lý thuyết" và những "chủ nghĩa" như thế, rồi hăng hái áp đặt lên cả dân tộc. Có khi những câu nói trừu tượng hay ví von được nâng lên thành 'tư tưởng'. Hậu quả là các thiết chế xã hội và giá trị bị đảo lộn. Những bàn luận chung quanh vấn đề "công nghệ giáo dục" là một lời nhắc nhở chúng ta không nên đi theo vết xe đổ đó nữa.

GS NGUYỄN TUẤN 05.09.2018
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chu-tich-Hoi-dong-quoc-gia-tham-dinh-sach-thay-Ho-Ngoc-Dai-len-tieng-post189308.gd

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.