samedi 8 septembre 2018

Ngô Nhân Dụng - Dạy cách đánh vần kiểu ‘quái thai’ để làm gì?



(Người Việt 04/09/2018) Đầu niên học mới ở Việt Nam, vấn đề nào đang được dư luận quan tâm nhất?

Có ai nói chuyện nâng cao nền giáo dục đại học và chuyên nghiệp để đào tạo người làm việc trong mười năm tới đáp ứng nhu cầu nền kinh tế đang phát triển hay không?

Có ai bàn về nạn thất học của trẻ em nghèo ở các vùng quê xa xôi? Bao nhiêu nơi vẫn còn cảnh học trò và thầy cô giáo đu dây qua sông tới trường; bao giờ nhà nước bớt xây tượng đài để có tiền bắc cầu, chỉ cần cầu gỗ, cầu tre cũng được hay không?

Chuyện gian lận sửa điểm thi cử ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn còn ai nhắc tới để bàn cách không để xảy ra nữa hay không? Các cô giáo ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) còn bị các quan trên bắt đến “phục vụ lễ tân” khi họ tiếp khách hay không? Có ai còn bắt cô giáo phải quỳ lạy lục xin lỗi như ở tỉnh Long An đầu năm nay hay không?

Tất cả những câu chuyện trên hầu như đang rơi vào quên lãng.

Một vấn đề được đem ra bàn tán xôn xao là “dạy trẻ em học đánh vần” theo một phương pháp mới! Phương pháp đang được thử trong một nửa số học sinh lớp Một trong nước. Cuộc thí nghiệm này đã thử từ nhiều năm nhưng năm nay dư luận xôn xao vì có một đoạn phim “video clip” được đưa lên mạng, khiến hàng triệu người coi và trao đổi ý kiến.

Nếu quý vị coi clip đó, chắc cũng ngạc nhiên muốn hỏi tại sao người ta đem trẻ em ra thí nghiệm tập đánh vần theo lối này.

Trong đoạn phim kể trên, cô giáo dạy học sinh lớp Một học cách đọc chữ “Ki” thế này: “cờ – i – ki.” Chữ K đọc là Cờ.

Học đến chữ “Qua” thì cô giáo dạy: “Cờ – ua – qua.” Chữ Q cũng gọi là Cờ luôn. Tất nhiên, chữ “cờ” xưa nhất khi tập đánh vần từ thời 1940, là chữ C cũng đọc là Cờ nốt.

Theo cách đánh vần mới này thì trong chữ Việt Nam có tới ba chữ Cờ, viết là C, K và Q. Có thể gọi đây là “phương pháp Ba Cờ!”

Nhưng phương pháp mới này được gọi bằng tên khác, nghe rất hiện đại và nghiêm túc. Tên gọi chính thức là “Công nghệ giáo dục” do Giáo Sư Hồ Ngọc Đại chủ trương, từ cuối thập niên 1970. Chương trình “Công nghệ giáo dục” đã cho xuất bản cuốn sách giáo khoa “Tiếng Việt lớp 1” để các thầy cô dạy theo.

Ông Hồ Ngọc Đại, ở Hà Nội, nói rằng trong niên học mới, 2018-2019, đã có hơn 800.000 học sinh lớp Một, ở 50 tỉnh và thành phố, được dạy theo phương pháp mới của ông. Con số này bằng nửa số học sinh lớp Một trên toàn quốc.

Một hiện tượng “quái thai” là tại nhiều trường tiểu học họ dạy cả hai cách; trong lớp này thì các em học đánh vần theo lối cũ (Ka, I, Ki; và Cu – U, A, Qua) trong lớp bên cạnh thì các em lại học lối mới (Cờ I Ki và Cờ UA Qua). Khi dạy đến vần UA thì đọc là Ua (như được thua) hay Oa (như thoa bóp)?

Học sinh hai lớp bên cạnh nhau học hai cách khác nhau. Tất nhiên các phụ huynh ở nhà, tất cả đều học theo lối cũ, sẽ không thể dạy kèm con em mình được! Cả ba chữ K, C, Q đều gọi là cờ. Nếu bố mẹ bảo con: “Con viết đi, Cờ Ua Quan,” mà học trò viết “Koan” hay “Cuan” thì tính sao? Đổ lỗi cô giáo dạy sai? Hay học trò dốt? Hay chỉ vì cái Phương pháp Ba Cờ làm cho trẻ em không biết khi nào dùng cái cờ nào?

Tất nhiên khi sáng tạo ra một phương pháp học mới, một câu hỏi thiết yếu là: Phương pháp dạy đánh vần nào có hiệu quả hơn? Hiệu quả hơn nghĩa là học sinh biết đọc đúng hơn và đọc được nhanh hơn.

Trong cả cuộc bàn cãi về “phương pháp Ba Cờ,” tức phương pháp “Công nghệ giáo dục,” không thấy có một cuộc thí nghiệm nào cho biết kết quả cuộc chạy đua giữ phương pháp mới và lối học đánh vần cũ hay không. Một cuộc thí nghiệm như vậy không tốn kém bao nhiêu mà rất dễ tổ chức.

Chỉ cần chọn hai nhóm học sinh, mỗi nhóm 20 em, cho học đọc chữ Việt theo hai phương pháp. Sau một, hai ngày có thể đưa cho các em đọc cùng một đoạn văn xem nhóm nào biết đọc sớm hơn. Hoặc mỗi ngày lại trắc nghiệm tất cả các em một lần, rồi so sánh kết quả. Phải theo đúng phương pháp nghiên cứu khoa học: Chọn các học sinh theo cách tình cờ (tiện nhất là thảy một đồng xu hoặc bốc thăm) và bảo đảm tất cả các em đều chưa học đọc bao giờ, giống nhau về tình trạng sức khỏe, sắc tộc, gia đình, cha mẹ giàu nghèo và có trình độ học vấn không khác nhau quá, vân vân.

Tại sao ông Giáo Sư Hồ Ngọc Đại không công bố kết quả các thí nghiệm của ông cho công chúng biết – nếu trong ba chục năm qua ông đã thử nghiệm phương pháp của mình?

Nếu làm thí nghiệm hai cách dạy đánh vần để so sánh, quý vị có thể đoán trước rằng hiệu quả hai phương pháp mới và cũ sẽ không khác nhau bao nhiêu.

Lý do giản dị, là chữ “quốc ngữ” rất dễ học! Nhớ lại thời thơ ấu, học đánh vần xong chúng ta không cần đến nó nữa; có thể vứt bỏ, quên hết cách đánh vần! Vì cách đánh vần chỉ là phương tiện, mục đích là biết đọc. Khi biết đọc rồi thì không ai cần đánh vần nữa! Nếu không tập đánh vần mà vẫn đọc chữ được thì càng tốt!

Trong những lớp “truyền bá quốc ngữ” đời 1940, các cụ già 60, 70 cũng có thể học đọc chữ Việt trong vòng mấy ngày. Tôi đã chứng kiến những trẻ em 5 hoặc 6 tuổi chẳng cần học đánh vần bao giờ, cứ nhìn người lớn đọc chữ mà phỏng đoán, rồi cũng biết đọc chữ Việt rất nhanh. Chúng có thể đọc nguyên chữ “Ki” mà không cần biết trong đó chữ K gọi tên nào, là Ca hay là Cờ! Sau đó chúng có thể đoán rằng chữ thay K bằng B thì sẽ đọc là Bi, vì chúng đã biết đọc chữ “Bà.”

Phương pháp dạy đọc bằng cách “đánh vần” là cách giáo dục cổ xưa. Nó bắt nguồn từ lối suy nghĩ thiên lệch chú trọng óc phân tích. Nếu theo cách nhìn tổng hợp thì cứ tập đọc từng tiếng mà không cần chia ra làm mấy vần cũng được. Trẻ em có khả năng học rất nhanh.

Quý vị thử tưởng tượng trẻ em nói tiếng Trung Hoa hoặc tiếng Anh thì chúng học “đánh vần” như thế nào? Không có cách nào “đánh vần” chữ Anh, cũng như chữ Hán. Mỗi chữ đọc lên theo một cách riêng cho nó! Vậy mà học sinh ở Trung Quốc, Nhật Bản, đều học được chữ Hán, học sinh ở Anh, Mỹ, Canada, Ấn Độ, Úc, vân vân, cứ học tiếng Anh mà không cần “biết đánh vần!”

Tại sao người ta lại bị ám ảnh về chuyện tập đánh vần như vậy? Vì lối suy nghĩ thiên trọng óc phân tích.

Báo Lao Động thuật lời một vị phó viện trưởng Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam. Ông nêu một ưu điểm của “phương pháp Ba Cờ” tức “Công nghệ giáo dục” là nó “dạy các cháu lớp 1 những khái niệm ngữ âm học như tiếng, âm đầu, vần, thanh điệu, âm cuối. Những khái niệm này, các phụ huynh thường không được học bao giờ, ông công nhận. Ông nói thêm, “chỉ những ai học khoa Ngôn Ngữ Đại Học Hà Nội mới học kỹ.” Vì vậy, theo ông phó viện trưởng, ngay “giáo sư các ngành khác cũng không hiểu các khái niệm này thì làm sao dạy con cháu họ được?”

Nhưng chúng ta phải tự hỏi: Các cháu 5, 6 tuổi đi học để biết đọc, có cần nhét vào đầu các cháu những khái nhiệm về “tiếng, âm đầu, vần, thanh điệu, âm cuối” vân vân, trong ngôn ngữ học hay không?

Hoàn toàn vô ích. Nó chỉ làm rối đầu con trẻ, khiến việc tập đọc có thể chậm trễ hơn! Trẻ em đi học là để biết đọc chữ Việt, chứ không cần học “ngôn ngữ học!” Bao nhiêu người lớn cả đời không hề có khái niệm nào về “âm đầu, âm cuối, vần, thanh điệu,” mà họ vẫn đọc và viết tiếng Việt trơn tru, có chết ai đâu?

Một điều khó hiểu, là không biết phương pháp “Công nghệ giáo dục” này có được Bộ Giáo Dục công nhận hay không? Có văn bản nào chính thức cho phép đem 800.000 học sinh năm, sáu tuổi ra làm thí nghiệm cho “phương pháp Ba Cờ” này hay không? Tiền bán 800.000 cuốn sách giáo khoa chia chác những đâu?

Đảng Cộng Sản Việt Nam có lẽ không quan tâm đến chuyện dùng trẻ em làm “vật thí nghiệm.” Họ đã đem cả dân tộc Việt ra làm thí nghiệm “tiến lên chủ nghĩa xã hội” suốt 70 năm còn được. Xá gì việc đem gần một triệu trẻ em ra thử, như người ta dùng chuột bạch trong thí nghiệm y khoa!

Đem nhét vào đầu óc non nớt của các em “những khái niệm ngữ âm học” thì cũng không khác gì bắt tất cả các sinh viên học sinh cả nước học chủ nghĩa Marx Lenin. Hoàn toàn vô ích!

NGÔ NHÂN DỤNG

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.