jeudi 16 août 2018

Viết nhân chuyến ‘ra đi’ của nhà báo Bùi Tín


Cố nhà báo Bùi Tín.

Nhân được tin truyền thông trên mạng, nhà báo Bùi Tín, một cựu đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) phản tỉnh rất sớm, vừa qua đời tại Paris - Pháp quốc, hưởng tuổi 91(1927-2018). Chúng tôi thành kính gửi lời phân ưu đến đại tang quyến và cầu chúc hương hồn nhà báo Thành Tín - Bùi Tín sớm hưởng hạnh phúc vĩnh cữu nơi cõi vĩnh hằng.

Chúng tôi không quen, tất nhiên rồi (vì cách biệt về tuổi tác và khác môi trường sống trong cũng như sau chiến tranh) nhưng biết ông cũng như nhiều người khác còn quan tâm đến đất nước, qua các bài viết của ông phổ biến rộng rãi trên mạng và một số cuốn sách ấn hành tại hải ngoại như “Mặt Thật”, “Hoa Xuyên Tuyết”… Vì vậy về mặt tình cảm chúng tôi không xúc động nhiều, cũng không ngạc nhiên mà chỉ lấy làm tiếc khi nhận được tin nhà báo kỳ cựu Bùi Tín vĩnh viễn ra đi về một thế giới khác, mà nhiều người tin tưởng ở đó không còn chiến tranh, hận thù.


Chúng tôi không ngạc nhiên vì sự ra đi ở tuổi 91 dễ có mấy ai mà người xưa gọi là đại thọ (trên 60 là tuổi thọ, trên 70 là “thất thập cổ lai hy” và trên 80 là thượng thọ). Nhưng chúng tôi lấy làm tiếc vì hai điều:

- Một là nếu như người quá cố sống thêm ít năm nữa thì sẽ tiếp tục đóng góp lực đẩy, lực xoay làm gia tốc tiến trình dân chủ hóa cho Quê Mẹ Việt Nam sớm kết thúc. Bởi vì gần 30 năm qua, kể từ sau khi đào tị tại Pháp (1990-2018) nhà báo Bùi Tín đã dùng ngòi bút sắc bén và dầy kinh nghiệm nghề nghiệp của mình đấu tranh trên mặt trận truyền thông đến hơi thở cuối cùng, cho mục tiêu làm tiêu vong từng bước chế độ độc tài đảng trị hay toàn trị cộng sản tại Việt Nam, để dân chủ hóa Đất nước.

Nội dung những bài viết hay những cuốn sách của nhà báo Bùi Tín đều ít nhiều có tác dụng cảnh tỉnh những người cộng sản từng là đồng chí, đồng đội của Ông trong và sau cuộc nội chiến Quốc- Cộng do đảng CSVN phát động, tiến hành ở Miền Nam Việt Nam (1954-1975). Đồng thời, bằng chính những kinh nghiệm thực tiễn của những năm dài tin theo “Đảng Ta” vì bị lừa bịp, được dàn trải trong những bài viết và những cuốn sách đã có sức lôi cuốn sự chú ý và sức thuyết phục cao đối với mọi giới độc giả trong cũng như ngoài Việt Nam.

- Hai là nếu như lúc còn sống nhà báo Bùi Tín không bị một số người quốc gia theo chủ nghĩa “Nhất nguyên chống cộng”, mắc mưu các “dư luận viên” mà chúng tôi thường gọi là những “Đặc tình truyền thông CS” nên đã nghi ngờ ông như một kẻ “phản tỉnh cuội” hay “giả vờ phản tỉnh” để chui sâu vào các tổ chức cộng đồng người Việt quốc gia để đánh phá. Thế nhưng, thực tế sau 28 năm sống đời tị nạn ở Pháp, khách quan người ta chỉ thấy các hoạt động thực địa (đi đó đây thuyết trình, hội luận…) và viết sách báo trên lãnh vực truyền thông, đều hữu ích cho công cuộc chống cộng vì tự do, dân chủ; không thấy dấu hiệu gì là “giả vờ phản tỉnh” để “nằm vùng” cho Việt cộng.

Thành ra, nếu như nhà báo Bùi Tín không bị hoài nghi, đánh phá, nhục mạ, chụp mũ thì có lẽ những bài viết và nhưng cuốn sách của Ông đã có tác dụng tốt hơn nhiều cho công cuộc chống cộng vì tự do dân chủ cho đất nước. Đồng thời đã làm thất bại ý đồ của Việt cộng muốn dùng chính người Việt quốc gia chống cộng để tiêu diệt những “đảng viên cộng sản phản tỉnh” bị coi là phần tự nguy hiểm, có hại cho chế độ khi đào thoát ra nước ngoài cách này hay cách khác. Vì hơn ai hết, những cựu đảng viên cộng sản phản tỉnh biết rõ bộ mặt thật của đảng CSVN, là những nhân chứng sống để những gì họ nói, viết về đảng và chế độ CSVN đều lạ sự thật, khả tín và có sức thuyết phục cao.

Tiếc rằng trước và sau nhà báo Bùi Tín – Thành Tín, tệ trạng hoài nghi, đánh phá những cựu đảng viên cộng sản hay các cựu viên chức dân sự cũng như quân sự “phản tỉnh” vẫn tồn tại, tuy có giảm mức độ và cường độ. Nhìn lại những khuôn mặt “phản tỉnh” nổi bật sau này như các nhà tranh đấu dân chủ: luật sư Cù Huy Hà Vũ, nhà báo blogger Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải cựu bộ đội phục viên, cựu sĩ quan công an Tạ Phong Tần, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy và nhiều người khác đều từng là nạn nhân của sự hoài nghi, là mắc mưu Việt cộng và chỉ có lợi cho Việt cộng mà thôi.

Chúng tôi nghĩ rằng, người cộng sản cũng là con người biết suy tư đúng, sai, phải trái. Chẳng qua do hoàn cảnh, trong một thời khoảng nào đó, do cơ chế và sự tuyên truyền lừa bịp, một chiều, nhất thời họ có thể đã làm sai, gây tội ác. Nhưng hoàn cảnh thay đổi, với các sự kiện thực tiễn, thông tin đa chiều, người cộng sản “phản tỉnh” là điều chắc chắn xẩy ra và khả tín. Chúng tôi đã tin nhà báo Bùi Tín “phản tỉnh thật” ngay khi ông đào tị vào năm 1990 với những lời tuyên bố và một số bài viết đầu tiên chúng tôi nghe được, đọc được lúc đang còn ở trong nước.

Sau khi ra hải ngoại (1992), ít năm sau tình cờ một bài viết của tôi tựa đề “30-4-1975 Quốc gia thua để thắng, Cộng sản thắng để thua” đã được báo Người Việt ở California cho đăng tải cạnh bài viết của nhà báo Bùi Tín về 30-4-1975. Dường như tờ báo muốn cho độc giả thấy cái nhìn của một người quốc gia Thiện Ý và người cộng sản phản tỉnh Thành Tín - Bùi Tín như có cái gì gần nhau… Chúng tôi cũng rất tin bất cứ đảng viên cộng sản nào “phản tỉnh” khi được đưa ra hay trốn thoát ra hải ngọai, là họ “phản tỉnh thật” cho đến khi họ có những lời nói, hành động để lộ cho thấy họ là những “đặc tình thực địa” (nằm vùng) hay “Đặc tình truyền thông” (dư luận viên) do nhà cầm quyền Việt cộng tổ chức và chỉ đạo.
 
Houston, ngày 12-8 – 2018

THIỆN Ý (Bài đăng trên mục « Bạn đọc làm báo » của VOA ngày 13.08.2018)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.