lundi 13 août 2018

Song Chi - Vĩnh biệt nhà báo Bùi Tín, vĩnh biệt nhạc sĩ Tô Hải



Nhà báo Bùi Tín và nhạc sĩ Tô Hải. Ảnh ghép của Tiếng Dân

Trong một ngày hai tin buồn: nhà báo Bùi Tín qua đời ở Paris và nhạc sĩ Tô Hải ra đi tại Việt Nam. Cả hai đều là những người sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong lòng chế độ cộng sản, là người có công với chế độ, nhưng đều nhận ra bản chất thực sự của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam và cái chủ nghĩa, cái mô hình thể chế chính trị sai lầm này, nên đã thức tỉnh và trở thành những tiếng nói mạnh mẽ tố cáo chế độ.

Không chỉ thế, cả hai cùng sinh năm 1927 và bây giờ, cùng ra đi một ngày: 11.8.2018 tức ngày mồng 1 tháng Bảy âm lịch, năm Mậu Tuất.

Với nhà báo Bùi Tín, tôi, một người miền Nam sinh sau đẻ muộn, may mắn biết ông không chỉ qua những bài báo thời sự chính trị sắc sảo, mà đã có dịp gặp ông dăm lần, khi thì tại nhà ông ở Paris, lúc tại một cuộc họp mặt dân chủ ở Đức…Cứ định sẽ lại qua Paris thăm ông và nhiều người quen khác, nhưng không kịp nữa rồi...

Nhà báo Bùi Tín không chỉ là một nhân chứng mà còn là một “người trong cuộc”, trực tiếp tham gia vào cuộc chiến đấu chống Mỹ với tư cách người của “bên thắng trận”. Ông đã chiến đấu trên hai mặt trận: cầm súng như một người lính và viết lách như một nhà báo của quân đội, một phóng viên chiến trường, và sau này lại sử dụng ngòi bút để tố cáo chế độ cộng sản.
Là một trong những người nhận ra bản chất của chế độ này khá sớm, ông xin tị nạn chính trị tại Pháp từ năm 1990 và kể từ đó trở thành một tiếng nói bất đồng chính kiến mạnh mẽ, đòi tự do dân chủ cho Việt Nam. Ông viết lách không mệt mỏi, 80 rồi 90 tuổi nhưng đầu óc vẫn minh mẫn, tháng nào cũng có vài bài trên blog VOA…

Chấp nhận tị nạn chính trị, sống lưu vong trên xứ người, với những nhân vật bất đồng chính kiến như nhà báo Bùi Tín, cái giá phải trả không chỉ là sự cô đơn, nỗi nhớ quê hương, gia đình, người thân… da diết không thể trở về thăm. Mà riêng đối với một người có lý lịch “đặc biệt”, suốt bao nhiêu năm qua nhà báo Bùi Tín vẫn phải “lãnh đạn” của cả hai phía. Sự tấn công, mạ lỵ từ phía nhà cầm quyền Việt Nam vì đối với họ, ông là “một kẻ phản bội”, và từ phía những người chống cộng cực đoan không chịu bỏ qua việc ông từng là Đại tá Việt cộng, từng góp phần vào cái “chiến thắng” của đảng cộng sản cũng như từng là Phó tổng biên tập báo Nhân dân, tờ báo lớn nhất của đảng cộng sản.

Không như với cố nhà báo Bùi Tín, tôi chưa có may mắn gặp được cố nhạc sĩ Tô Hải ngoài đời, nhưng vẫn thường xuyên theo dõi những tin tức, bài viết, cũng như đã đọc cuốn “Hồi ký của một thằng hèn” của ông. Cuốn hồi ký thu hút người đọc không phải ở khía cạnh văn chương - nhạc sĩ Tô Hải không phải là một nhà văn - nhưng ở giá trị của những hồi ức, những tâm tư, suy nghĩ của một con người nhận ra sự mông muội, ngây thơ, sai lầm của mình. Rằng con đường mình đang đi và cùa hàng chục triệu người đang đi này là sai lầm, là phản tiến bộ, là tội ác.
Ông đặc biệt nhấn mạnh cái sự Hèn của giới văn nghệ sĩ sống dưới chế độ cộng sản độc tài, vì sợ, vì muốn được yên thân mà “mũ ni che tai”, chấp nhận viết, sáng tác dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của đảng, để rồi rất nhiều người trong số họ đã bị thui chột tài năng, trở thành những thợ viết, thợ vẽ, thợ làm nhạc... tuyên truyền một chiều, tô vẽ cho chế độ theo ý đảng.

Giữa những tháng năm mà đa phần giới làm báo, làm văn hóa văn nghệ còn chưa nhận ra sự thật hoặc tệ hơn, tích cực sử dụng ngòi bút, cây cọ, tiếng hát…để bợ đỡ nhà cầm quyền, tiếp tục tuyên truyền dối trá, bóp méo sự thật để được đảng và nhà nước cộng sản tin dùng, được hưởng mọi bổng lộc (và cho đến tận bây giờ vẫn có những người như vậy) thì nhạc sĩ Tô Hải đã sớm thức tỉnh. Sự nhạy cảm của một văn nghệ sĩ, nhạc sĩ càng khiến cho nỗi đau, sự day dứt trong lòng ông thêm nặng nề. Có thể cảm được nỗi đau đó qua từng trang viết trong cuốn “Hồi ký của một thằng hèn”.

Cũng có những người thuộc giới trí thức, văn nghệ sĩ cộng sản nhận ra và thức tỉnh, nhưng không phải ai cũng thức tỉnh một cách dứt khoát, quyết liệt và can đảm thừa nhận sự lầm lạc của mình như nhạc sĩ Tô Hải, hay nhà báo Bùi Tín. Để rồi kể từ đó cả hai ông trở thành những tiếng nói bất đồng chính kiến mạnh mẽ không khoan nhượng.

Số phận của hai ông phản ánh bi kịch của khá nhiều người Việt Nam khi nhận ra cái lý tưởng, mục tiêu chiến đấu, con đường…mà mình đã đi là sai lầm, mình đã góp phần tạo nên cái chế độ đầy tội ác với dân với nước này. Nhưng đồng thời cũng tạo cảm hứng cho nhiều người đứng trong hàng ngũ của đảng cộng sản Việt Nam khi nghĩ đến chuyện dũng cảm từ bỏ mọi thứ để quay về với nhân dân…

Nếu như nhà báo Bùi Tín đã làm việc không mệt mỏi, viết báo, viết sách, đi nói chuyện…cho đến phút cuối cùng thì nhạc sĩ Tô Hải cũng vậy. Từ khi rời bỏ đảng, ông trở thành người nhạc sĩ của nhân dân, cùng xuống đường tham gia biểu tình chống Trung Cộng với thanh niên, sinh viên. Tuổi cao nhưng vẫn là một blogger “trẻ” từ trong tâm, hăng say viết và được bao nhiêu người trẻ tuổi yêu mến, ngược lại cũng nhận không ít phiền hà, sách nhiễu từ phía nhà cầm quyền.

Cuộc đời vốn ngắn ngủi và mỗi chúng ta chỉ sống có một đời. Có những người khi sống hưởng mọi bổng lộc phú quý, quyền lực hay danh tiếng, thậm chí được tung hô như thánh sống. Có những “nhà báo”, người làm nhạc… được xưng tụng, tác phẩm được nhà cầm quyền đưa vào sách giáo khoa tuyên truyền suốt bao nhiêu năm. Nhưng chẳng bao lâu khi họ chưa kịp nằm xuống thì những gì họ đã viết không ai còn nhớ tới, dư luận khinh ghét, và một ngày nào đó khi lịch sử được viết lại một cách rõ ràng, minh bạch thì con người cũng như tác phẩm của họ sẽ bị đánh giá lại một cách công bằng. Không ai có thể rũ bỏ được những gì mình đã làm, đã viết, nhất là trong thời đại này.

Cố nhà báo Bùi Tín hay cố nhạc sĩ Tô Hải đã sống những cuộc đời không uổng phí khi dùng chính số phận của mình, và sử dụng vốn sống, kinh nghiệm, kiến thức, ngôn ngữ… để nói lên sự thật, tố cáo chế độ, góp phần thức tỉnh giới trẻ. Cho dù chưa kịp nhìn thấy ngày đất nước Việt Nam thực sự có dân chủ, nhân dân Việt Nam thực sự có tự do, nhưng tôi tin rằng hai ông sẽ thanh thản khi nằm xuống. Việc của các ông đang và sẽ có những người khác nối tiếp.

Vĩnh biệt nhà báo Bùi Tín, vĩnh biệt nhạc sĩ Tô Hải.

SONG CHI

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.